Trang chủNewsVăn hóa - Xã hộiĐể dân ca Ví, Giặm luôn trường tồn và tỏa sáng sau...

Để dân ca Ví, Giặm luôn trường tồn và tỏa sáng sau 10 năm được UNESCO ghi danh

Những làn điệu Ví, giặm giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha đã tạo nên một loại ngôn ngữ riêng, phản ánh nội tâm phong phú, đa dạng và nhiều cung bậc của người dân xứ Nghệ.

Các tiết mục ví, giặm đặc sắc được biểu diễn tại đêm khai mạc Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)
Các tiết mục ví, giặm đặc sắc được biểu diễn tại đêm khai mạc Festival Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh 2023. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Trong các thể loại dân ca của người Việt, ít có loại hình dân ca nào gắn bó mật thiết với phương ngữ như dân ca Ví, giặm Nghệ Tĩnh.

Những làn điệu Ví, giặm giản dị, mộc mạc nhưng sâu lắng, thiết tha đã tạo nên một loại ngôn ngữ riêng, phản ánh nội tâm phong phú, đa dạng và nhiều cung bậc của người dân xứ Nghệ.

Sau 10 năm dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại vào ngày 27/11/2014, việc lưu giữ, truyền dạy dân ca Ví, Giặm đã trở thành một trong những hoạt động thiết thực nhằm bảo tồn, phát huy giá trị của di sản.

Qua đó, góp phần bồi đắp thêm tình yêu Ví, Giặm của mỗi người dân xứ Nghệ, đồng thời đưa giá trị dân ca Ví, Giặm ngày càng lan tỏa và có sức sống bền bỉ trong đời sống đương đại.

Một đời sống bền lâu

Mặc dù cho đến nay không xác định được dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh bắt đầu xuất hiện từ khi nào, nhưng các nhà nghiên cứu văn hóa đều khẳng định, điệu hát này xuất xứ từ đời sống sinh hoạt cộng đồng của người dân vùng Nghệ An, Hà Tĩnh từ rất lâu đời, để trở thành một nền văn hóa dân gian, một di sản văn hóa quý báu của vùng quê sâu nặng tình đất, tình người.

Vì dân ca Ví, Giặm là loại hình nghệ thuật dân gian nên để xác định chính xác sự ra đời của nó là không dễ dàng. Tuy nhiên, qua nhiều nguồn tư liệu khác nhau của các học giả, nhà nghiên cứu, sưu tầm, nhạc sỹ…, có thể thấy, từ thế kỷ XVII-XVIII, hát Ví, Giặm đã rất phát triển và trở thành hình thức trình diễn dân gian phổ biến trong cộng đồng cư dân Nghệ An và Hà Tĩnh, thu hút sự tham gia của nhiều tầng lớp xã hội khác nhau.

Theo Phó giáo sư Ninh Viết Giao, hát phường vải đã có từ cách đây mấy trăm năm, có sự tham gia của cả những người lao động lẫn các nho sỹ, thầy đồ. Từ thế kỷ XIX đến giữa thế kỷ XX, dân ca Ví, Giặm được lưu truyền rộng rãi và hình thành một số trung tâm có sự tham gia tích cực của các nhà nho, trí thức yêu nước như Phan Bội Châu, Vương Thúc Quý, Bùi Chính Lộ, Đặng Văn Bá, Nguyễn Thức Canh, Lê Võ…

Từ một hình thức văn nghệ dân gian của người dân lao động, cùng với sự “đẽo gọt,” tu chỉnh của nhiều thế hệ nghệ nhân theo dòng thời gian, sự tham gia trau chuốt của các nho gia, danh sỹ, khoa bảng…, dân ca Ví, Giặm ngày càng được hoàn thiện, có bố cục chặt chẽ, câu từ tinh tế, vần điệu chắt lọc để trở thành một loại hình văn nghệ hấp dẫn có giá trị nghệ thuật cao.

Tương truyền, đại thi hào Nguyễn Du từng nhiều lần tham gia các cuộc hát phường vải ở làng Trường Lưu cùng với các danh sỹ Nguyễn Huy Tự, Nguyễn Huy Oánh, với dấu ấn còn ghi trong “Thác lời trai phường nón.”

Nguyễn Công Trứ, Đinh Viết Thận, Đặng Thái Thân, Phan Bội Châu… cũng từng là những tay hát cừ khôi trong hát phường vải.

Trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dân ca Ví, Giặm bắt đầu có sự chuyển hóa từ diễn xướng dân gian sang trình diễn nghệ thuật dưới hình thức kể vè, đối ca, hoạt ca trong các phong trào văn nghệ quần chúng.

Có thể kể đến một số hoạt cảnh dân ca và bài hò tiêu biểu, như “Ngô khoai tranh đấu,” “Hỏi ai quan trọng,” “Trước lúc lên đường,” “Thần sấm ngã,” “Giặt áo bên phà Bến Thủy,” “Áo xanh càng thắm, áo nâu càng bền”…

Dân ca Ví, Giặm còn là nguồn cảm hứng cho các nhà thơ, nhạc sỹ để họ đã cho ra đời những tác phẩm âm nhạc đương đại, cho các ca khúc, ca kịch biểu diễn trên sân khấu.

Nhiều ca khúc đã trở thành những bài ca đi cùng năm tháng nhờ khai thác chất liệu dân ca xứ Nghệ, như “Xa khơi” (Nguyễn Tài Tuệ), “Một khúc tâm tình của người Hà Tĩnh” (Nguyễn Văn Tý), “Vỗ bến Lam chiều” (Trần Hoàn), “Giữa Mạc Tư Khoa nghe câu hò ví dặm” (Trần Hoàn), “Hà Tĩnh mình thương” (An Thuyên), “Khúc hát sông quê” (Nguyễn Trọng Tạo)…

Nói về đặc trưng âm nhạc của dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh, cố nhạc sỹ An Thuyên cho rằng có hai đặc điểm chính – một là nỗi buồn đến “tận đáy,” hai là dân ca có lời ca hay nhất.

Dân ca Ví, Giặm là tâm hồn, cốt cách người xứ Nghệ

Ví, Giặm là tiếng lòng, là hơi thở, là cốt cách của người Nghệ Tĩnh. Thế nên, chẳng có gì là lạ khi từ xa xưa, loại hình nghệ thuật dân gian này đã ăn sâu vào mỗi nếp nghĩ, sinh hoạt của cộng đồng người Nghệ An, Hà Tĩnh và làm nên những nét riêng biệt của người xứ Nghệ không thể lẫn vào đâu được.

ttxvn_dan ca vi giam.jpg
Các tiết mục dân ca Ví, Giặm đặc sắc được biểu diễn tại Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh liên tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh lần thứ V. (Ảnh: Văn Tý/TTXVN)

Phó giáo sư Ninh Viết Giao từng nhận xét về điệu Ví, Giặm: “… êm như nhiễu, nhẹ như tơ, trầm ấm man mác từ các thôn xóm vọng ra, lan tỏa khắp đồng nội cỏ cây.”

Còn nhà văn Nguyễn Quang Vinh từng viết: Ví, Giặm vì thế mới là hồn cốt của người dân xứ Nghệ: Vất vả mà vẫn bay bổng, nghèo khó mà vẫn lãng mạn, gian nan mà vẫn kiêu hùng, thiếu thốn mà vẫn phóng khoáng, lo toan mà vẫn thong dong…

Âm thanh giai điệu Ví, Giặm xứ Nghệ như keo dính, như ma thuật, như giông bão, như mây nguồn sóng bể, dễ chôn, dễ vùi, dễ xoáy, gây nghiện, gây yêu, gây thương, gây mến, như “thuốc độc” tình…

Các chuyên gia ước tính có khoảng 15 điệu Ví, 8 điệu Giặm được gọi tên theo bối cảnh cuộc sống, lao động, nghề nghiệp, như Ví phường vải, Ví đò đưa, Ví phường cấy, Ví trèo non, Giặm ru, Giặm kể, Giặm vè…

Trong đó, tiêu biểu là một số tác phẩm, như “Giận mà thương,” “Hát khuyên,” “Đại thạch,’, “Tứ hoa,’’ “Xẩm thương,” “Xẩm chợ,” “Một nắng hai sương,” “Tình sâu nghĩa nặng,” “Em giữ lời nguyền,” “Khóc cha,” “Cuộc đời nổi trôi,” “Ai cứu chàng,” “Con cóc,” “Lập lờ,” “Đèo bòng,” “Khen thầy tài,” “To gan,” “Uất ức,” “Bướm say hoa,” “Chồng chềnh,” “Lòng vả lòng sung,” “Vào hội Đông Xuân,” “Đứng thẳng người lên,” “Gốc lúa quầng trăng,” “Cha ơi ngồi dậy mà xem.”

Một trong những nét nổi bật của hát Ví, Giặm là luôn mang tính giáo dục sâu sắc, đi thẳng vào vấn đề cần đề cập, góp phần vào việc giáo huấn con người về các phương diện đạo đức, luân lý, tình yêu thương con người, lòng nhân ái…, hướng con người tới chân thiện mỹ.

Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là lối hát vừa mang tính ngẫu hứng, vừa có thủ tục và quy cách cụ thể; có chung đặc tính địa phương về thang điệu, điệu thức, tiết tấu, giai điệu và giọng hát, được diễn xướng theo ba hình thức: Hát lẻ, hát đối và hát cuộc.

Hát Ví là lối hát ví von để đối đáp giữa bên nam và bên nữ, thuộc thể ngâm, vịnh bằng phương pháp phổ thơ dân tộc. Hát ví thường là hát tự do, không có tiết tấu từng khuôn nhịp. Tính biểu cảm của hát ví phụ thuộc vào hoàn cảnh, không gian, thời gian và tâm tính của người hát.

Vì thế điệu ví nghe lúc thì mênh mang, sâu lắng, bâng khuâng, xao xuyến, tha thiết, ân tình, đôi khi lại dí dỏm, hài hước, tươi trẻ. Có nhiều loại ví khác nhau như: Ví phường cấy, Ví phường củi, Ví phường nón, Ví đò đưa, Ví phường vải…

Giặm gần nghĩa với giặm lúa, điền nan, là thể hát nói bằng thơ ngụ ngôn, vè năm chữ. Khác với Ví, Giặm là thể hát có tiết tấu rõ ràng, có phách mạnh – phách nhẹ, nhịp nội – nhịp ngoại với hai làn điệu chính là hát ngâm và hát nói.

Giặm rất giàu tính tự sự, tự tình, kể lể, khuyên răn, phân trần, giãi bày, cũng có khi dí dỏm, khôi hài, châm biếm, trào lộng, trữ tình giao duyên. Có nhiều loại giặm khác nhau như giặm kể, giặm nói, giặm vè, giặm nam nữ, giặm cửa quyền, giặm ru, giặm xẩm… với hai hình thức diễn xướng là giặm vè và giặm nam nữ.

Không như một số loại hình dân ca khác gắn chặt với một không gian, thời điểm diễn xướng, nhất là với các lễ hội, dân ca Nghệ Tĩnh nói chung và Ví, Giặm nói riêng được người Nghệ hát ra không kể thời gian, hầu như quanh năm suốt tháng.

Trên đồng ruộng, giữa lúc nông vụ tất bật – nhổ mạ, cấy cày, gặt hái; trên rừng trong những chuyến đi củi, đốt than, hái măng; trên sông Lam, sông La khi thuyền xuôi ngược hoặc chèo buông; trong những đêm trăng sáng hoặc lúc tối trời tại nhiều thôn xóm… tiếng hát Ví, hát Giặm luôn cất lên khi nhẹ nhàng tha thiết, khi trầm hùng sâu lắng, khi man mác buồn thương, khi thì hóm hỉnh, khôi hài…

Một nét đặc biệt của Ví, Giặm hoàn toàn khác với những thể loại âm nhạc dân gian như: chèo, tuồng, quan họ… đó là khi biểu diễn các làn điệu Ví, Giặm người diễn viên không những phải hát hay những làn điệu, mà còn phải tự sáng tác lời.

Chính bởi lời hát được sáng tác nhanh để đối đáp, đòi hỏi diễn viên phải có năng khiếu văn chương, phải có tài ứng khẩu, cũng như uyên thâm về chữ nghĩa, sử học, triết học và tận tường về cuộc sống. Lời của Ví, Giặm được soạn ra từ trái tim người hát, cùng những làn điệu da diết chính là nét cuốn hút của Ví, Giặm.

Có thể thấy, dân ca Ví, Giặm có một sức sống mãnh liệt. Sức sống ấy không phải chỉ có ở quá khứ, mà đến nay nó vẫn đang không ngừng sinh sôi nảy nở trong chính tâm hồn người dân xứ Nghệ hôm nay. Chẳng thế mà người xứ Nghệ có câu nói nổi tiếng rằng: “Bao giờ người xứ Nghệ mất đi giọng nói thì lúc đó mới mất đi tiếng hát dân ca Ví, Giặm.”

Để dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh luôn trường tồn và tỏa sáng

Vượt qua biến thiên về thời gian, dân ca Ví, Giặm vẫn khẳng định được sức sống trường tồn của mình. Những nét tinh túy trong dân ca Ví, Giặm trở thành cội nguồn của các ca khúc đương thời.

ttxvn_hoc sinh hat vi giam.jpg
Em Nguyễn Ngọc Gia Hân (lớp 4B, trường Tiểu học Ngọc Sơn, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh) tham gia cuộc thi “Tìm kiếm tài năng Dân ca Ví, Giặm” tỉnh Hà Tĩnh. (Ảnh: Hoàng Ngà/TTXVN)

Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh là tinh hoa nghệ thuật không chỉ của riêng người dân nơi đây mà còn của cả đất nước Việt Nam, góp phần lưu giữ vốn văn hóa cổ xưa của dân tộc, làm cho đời sống tinh thần người Việt thêm đa dạng, phong phú.

Trong 10 năm qua, cùng với sự đầu tư nguồn lực (cả nhân lực và kinh phí) phục dựng, sưu tầm, nghiên cứu các làn điệu dân ca Ví, Giặm cổ, ngành văn hóa Nghệ An – Hà Tĩnh đã có những chương trình, đề án dài hơi cho việc phát triển Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loài.

Không chỉ tìm kiếm, phát hiện, bồi dưỡng, ươm mầm các tài năng dân ca ví, giặm để trao truyền-kế thừa, tỉnh cũng đã có thêm nhiều chính sách khuyến khích, tạo điều kiện cho các câu lạc bộ Ví, Giặm hình thành và phát triển. Hiện toàn tỉnh có 130 câu lạc bộ dân ca Ví, Giặm và 48 nghệ nhân dân ca Ví, Giặm được công nhận.

Cùng với việc tổ chức các cuộc thi, liên hoan hàng năm, ngành Văn hóa còn phối hợp với ngành Giáo dục Đào tạo đưa dân ca vào trường học, tổ chức cuộc thi học sinh với dân ca Ví, Giặm; xây dựng không gian diễn xướng, đầu tư phát triển Trung tâm bảo tồn và phát huy dân ca Ví, Giặm; tổ chức các cuộc thi sáng tác các làn điệu dân ca, khen thưởng biểu dương và tôn vinh kịp thời các nghệ sỹ, nghệ nhân có những đóng góp cho Ví, Giặm.

Ngành chức năng hai tỉnh cũng nỗ lực đưa Ví, Giặm về với đời sống thường nhật của người dân. Từ nhiều năm trước, không gian diễn xướng được Trung tâm Bảo tồn dân ca Ví, Giặm (nay là Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh) tìm cách phục dựng ở khắp nơi trên địa bàn tỉnh. Điển hình là Ví phường vải, Ví phường nón, Ví đò đưa ở rất nhiều làng quê nơi có các làng nghề quay tơ dệt vải, làm nón.

Nằm trong lộ trình quảng bá và phát triển dân ca Ví, Giặm, Nghệ An đã tổ chức, phối hợp tổ chức 4 kỳ Liên hoan dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh cấp tỉnh và liên tỉnh vào các năm 2012, 2014, 2016 và 2018.

Năm 2023, Liên hoan Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh lần thứ V là một hoạt động quan trọng nằm trong chuỗi hoạt động của Festival Dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh – sự kiện lần đầu tiên được tổ chức ở 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh. Điều thấy rõ nhất, mỗi kỳ Liên hoan chính là ngày hội lớn của nhân dân hai tỉnh Nghệ An-Hà Tĩnh, thu hút hàng chục câu lạc bộ và hàng trăm nghệ nhân, diễn viên tham gia sáng tác, diễn xướng.

Từ các kỳ liên hoan cũng xuất hiện nhiều gương mặt nhỏ tuổi tài năng, như Hà Quỳnh Như (Yên Thành), Nguyễn Công Phước, Nguyễn Trà My, Lê Khánh Vy (thành phố Vinh), Lê Công Anh (Nam Đàn), Nguyễn Thị Thanh Xuân (Thanh Chương)… trong đó, nhiều em đã trở thành những diễn viên, ca sỹ chuyên nghiệp.

Để nhìn lại hành trình 10 năm giữ gìn, bảo tồn phát huy di sản văn hóa dân tộc, từ ngày 22 đến 30/11/2024, chuỗi các sự kiện, hoạt động văn hóa được hai tỉnh Nghệ An – Hà Tĩnh và Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch phối hợp tổ chức.

Sự kiện được kỳ vọng mang lại dấu ấn, bước ngoặt quan trọng cho Ví, Giặm tiếp tục vươn xa. Trong đó điểm nhấn là cầu truyền hình nghệ thuật “Đôi bờ Ví, Giặm”, diễn ra tối 27/11/2024, với sự góp mặt của nhiều nghệ sỹ, ca sỹ thành danh.

Với mạch nguồn sống mãnh liệt từ bao đời cho đến nay, làn điệu dân ca Ví, Giặm luôn được phát huy và bảo tồn trong lòng mỗi người dân xứ Nghệ sẽ sống mãi với thời gian./.

(TTXVN/Vietnam+)



Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/de-dan-ca-vi-giam-luon-truong-ton-va-toa-sang-sau-10-nam-duoc-unesco-ghi-danh-post995204.vnp

Cùng chủ đề

Hội đồng trường Đại học Khoa học tự nhiên TP.HCM miễn nhiệm ông Nguyễn Anh Thi

Hội đồng trường Trường đại học Khoa học tự nhiên (Đại học Quốc gia TP.HCM) vừa công bố kết quả phiên họp đột xuất với nhiều nội dung, trong đó có việc miễn nhiệm chức danh thành viên hội đồng trường đối với ông Nguyễn Anh Thi. ...

Khánh thành Điện Thái Hòa sau khi chi 128 tỉ đồng trùng tu

Cố đô Huế khánh thành Điện Thái Hoà, đón nhận Bằng công nhận Di sản Tư liệu UNESCO và động thổ phục hồi điện Cần Chánh. Cắt băng khánh thành Điện Thái Hòa. Ảnh: Nguyễn Luân Tối 23.11, bên trong Hoàng thành Huế, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón Bằng công nhận Di sản tư liệu khu vực châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO cho "Những bản đúc nổi trên chín đỉnh đồng ở Hoàng cung...

Chân dung đại gia Malaysia, Hàn Quốc muốn mua lại dự án của bà Trương Mỹ Lan

Một doanh nghiệp bất động sản Hàn Quốc và một vị đại gia Malaysia muốn đàm phán để nhận chuyển nhượng dự án liên quan bà Trương Mỹ Lan. Với dự án này, bên muốn mua cho biết sau khi trừ các chi phí,...

Kết nối sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số

Ngày 22/11, tại Hòa Bình, Cục Công nghiệp công nghệ thông tin và truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông Hoà Bình tổ chức Hội thảo kết nối cung cầu về sản phẩm, dịch vụ công nghệ thông tin phục vụ phát triển kinh tế số khu vực miền Bắc.   Ký kết ghi nhớ hỗ trợ chuyển đổi số du lịch tỉnh Hòa Bình giữa các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam và...

Cô bé lớp 3 mắc ung thư máu tin sẽ khỏe mạnh để có thể tiếp tục đi học

NDO - Tiếp nối thành công ở lần tổ chức thứ nhất vào tháng 8/2023, ở lần tổ chức này, có 68 "Người con hiếu thảo" được tuyên dương, khen thưởng. Đây đều là những thanh, thiếu nhi Thủ đô tiêu biểu về lòng hiếu thảo, lối sống tốt đẹp, trách nhiệm, được cộng đồng, xã hội ghi nhận. NDO - Tiếp nối thành công ở lần tổ chức thứ nhất vào tháng 8/2023,...

Nổi bật

Mới nhất

Cùng tác giả

Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt tại Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn mong muốn cộng đồng người Việt tại Campuchia luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đùm bọc lẫn nhau; tuân thủ các quy định pháp luật của sở tại, tự lực vươn lên. Trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, chiều 23/11, tại Thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Đoàn đại biểu cấp cao Đảng, Nhà nước Việt Nam đã gặp gỡ cán bộ, nhân viên...

Xây dựng chính sách phù hợp, đồng bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất

Về phát triển công nghiệp hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất. Chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi). Cho ý kiến về phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất,...

Thái Lan và Malaysia thảo luận các chiến lược tăng cường hợp tác du lịch

Thái Lan-Malaysia thảo luận các chiến lược tăng cường hợp tác du lịch như một phần trong sáng kiến rộng lớn hơn của Chính phủ Thái Lan thúc đẩy du lịch liền mạch trên khắp Đông Nam Á.Thái Lan tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch xuyên biên giớiThúc đẩy phát triển du lịch xuyên biên giới Việt Nam-Lào-Thái LanMalaysia đẩy mạnh du lịch kết hợp giáo dục với thị trường Việt Nam Nguồn: https://www.vietnamplus.vn/thai-lan-va-malaysia-thao-luan-cac-chien-luoc-tang-cuong-hop-tac-du-lich-post995196.vnp

Quan hệ Việt Nam-Malaysia phát triển mạnh mẽ trong giai đoạn mới

Chuyến thăm của Tổng Bí thư vừa góp phần thúc đẩy tình đoàn kết giữa các thành viên ASEAN vừa thể hiện chính sách của Việt Nam coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và Đối tác chiến lược với Malaysia. Với các kết quả sâu sắc và thực chất của chuyến thăm, nhất là việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước, Trưởng Ban...

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định Việt Nam luôn coi trọng việc giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ tiếp tục gìn giữ, phát triển quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt giữa hai đất nước. Theo đặc phái viên TTXVN, trong khuôn khổ chuyến công tác tại Campuchia, sáng 23/11, tại thủ đô Phnom Penh, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn đã gặp nguyên Chủ tịch Quốc hội Campuchia Samdech Heng Samrin, Chủ...

Bài đọc nhiều

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần

Theo thông tin từ Ban Bảo vệ chăm sóc sức khỏe cán bộ Trung ương, đồng chí Nguyễn Phú Trọng, sinh năm 1944, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà...

Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024 sẽ diễn ra từ ngày 7-8/12 tại Vạn Phúc, Hà Nội

Sáng 21/11, tại Hà Nội, Cục Phục vụ ngoại giao đoàn, Bộ Ngoại giao đã gặp gỡ báo chí thông tin về Chương trình Liên hoan Ẩm thực quốc tế 2024.

Bỏ túi cách mặc áo trễ vai không bị tuột, lại duyên dáng

Thiết kế phá cách khiến áo trễ vai nhanh chóng nhận được cảm tình của phái đẹp. Vì sức lan tỏa ngày càng lớn nên item này cũng có nhiều biến tấu thú vị như áo trễ vai dáng croptop, hay sử dụng chất liệu có phần táo bạo là  lưới, ren… Trang Anh Nguồn

Hội thi tuyên truyền lưu động kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh

Hội thi được tổ chức từ ngày 19 - 27/4/2024 với sự tham gia của 23 đội tuyên truyền lưu động thuộc Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Văn hóa - Điện ảnh, Trung tâm Văn hóa - Nghệ thuật các tỉnh, thành phố trên cả nước.Lễ khai mạc vào...

Loài vật quý hiếm bậc nhất hành tinh, cả thế giới chỉ có 30 cá thể

Loài vật này là kết quả của một đột biến gen làm thay đổi màu lông. Trên toàn thế giới, chỉ có khoảng 30 cá thể được nuôi dưỡng tại những vườn thú. ...

Cùng chuyên mục

Tài khoản bỗng dưng nhận được 3,5 tỷ đồng không rõ nguồn gốc, người đàn ông lo bị lừa đảo, hoảng hốt cầu cứu...

Một số tiền lớn bất ngờ được chuyển đến khiến người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc vô cùng hoang mang. ...

Trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai phi công lái máy bay Yak-130 gặp nạn

Chiều 23-11 tại Khánh Hòa, thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Trung tướng Trần Ngọc Quyến, chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, đã trao Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng ba cho hai đại tá phi công Nguyễn Văn Sơn và thượng tá Nguyễn Hồng Quân. ...

Cứu 7 người kẹt trong căn nhà bốc cháy, cảnh sát nhường mặt nạ dưỡng khí cho cô gái mang bầu

Căn nhà bốc cháy trên phố Trúc Bạch (Hà Nội). Cảnh sát đã đưa 7 người mắc kẹt trên tầng cao ra ngoài, trong đó có một phụ nữ mang thai được chiến sĩ nhường bình dưỡng khí. Khoảng 16h30 ngày 23-11, căn nhà...

Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ 2024 diễn ra thành công toàn diện

Sau hơn 20 ngày diễn ra, Diễn tập song phương giữa Việt Nam và Ấn Độ về gìn giữ hòa bình Liên Hiệp Quốc năm 2024 đã thành công toàn diện trên các mặt. ...

Mới nhất

Xây dựng chính sách phù hợp, đồng bộ thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất

Về phát triển công nghiệp hóa chất, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, cần thiết phải xây dựng các cơ chế, chính sách phù hợp, đồng bộ và khả thi để thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất. Chiều 23/11, tại Nhà Quốc hội, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội thảo luận tại hội...

Loại hạt giúp hạ đường huyết cực tốt, người bệnh tiểu đường ăn cần biết điều này để kéo dài tuổi thọ

GĐXH - Người bệnh tiểu đường vẫn có thể dùng bí hạt bí đỏ như là món ăn vặt, nên ăn với lượng phù hợp sẽ giúp kiểm soát đường huyết và giảm nguy cơ biến chứng bệnh tiểu...

Tài khoản bỗng dưng nhận được 3,5 tỷ đồng không rõ nguồn gốc, người đàn ông lo bị lừa đảo, hoảng hốt cầu cứu...

Một số tiền lớn bất ngờ được chuyển đến khiến người đàn ông ở Quảng Tây, Trung Quốc vô cùng hoang mang. ...

Nhiều người ở Gaza chỉ ăn một lần trong ngày, khi nạn đói lan rộng giữa các vấn đề viện trợ

(CLO) Yasmin Eid nấu một nồi đậu lăng nhỏ trên ngọn lửa đốt bằng cành cây và giấy vụn trong căn lều mà cô sống cùng chồng và 4 cô con...

Áo dài Huế được công nhận Di sản phi vật thể quốc gia

“Tri thức may, mặc áo dài Huế” được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ghi danh vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào tháng 8/2024. Sáng nay (23/11), tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Lễ đón nhận danh hiệu cao quý. Trải qua hơn 300 năm, các thế hệ nghệ nhân xứ...

Mới nhất