Trồng và chế biến các sản phẩm từ gỗ đang là hướng đi phát triển kinh tế mũi nhọn, đa mục đích của tỉnh. Tuy nhiên, sự phát triển của ngành công nghiệp chế biến gỗ đang mang tính tự phát, chạy theo nhu cầu ngắn hạn của thị trường gia công mà chưa có tính toán lâu dài.
Tỉnh Lào Cai hiện có hơn 79.000 ha rừng trồng sản xuất, trong đó gần 9.500 ha đã thành rừng, sản lượng gỗ khai thác bình quân đạt 300.000 m3/năm. Mặc dù toàn tỉnh có 345 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến lâm sản và đóng đồ mộc gia dụng, nhưng quy mô chủ yếu là nhỏ và vừa; trình độ công nghệ chế biến ở mức trung bình, mức tiêu hao nguyên liệu lớn.
Các sản phẩm gỗ được chế biến chủ yếu là ván bóc, ván dán, gỗ xẻ thanh, đồ mộc gia dụng, viên nén, đũa. Có rất ít doanh nghiệp xây dựng được thương hiệu để xuất khẩu trực tiếp sản phẩm ra nước ngoài, còn lại đa số bán cho các công ty trung gian tại Hà Nội, Hải Phòng. Các sản phẩm gỗ bóc có lượng lớn cung cấp cho các tư thương Trung Quốc hoặc bán cho một số doanh nghiệp trong nước để gia công, hoàn thiện sản phẩm rồi xuất đi nước khác. Do vậy, giá trị sản phẩm thấp, đầu ra thiếu ổn định.
Trung bình mỗi ngày, cơ sở sản xuất gỗ của ông Tạ Anh Tuấn, xã Xuân Quang (Bảo Thắng) tiêu thụ hơn 50 m3 gỗ nguyên liệu, để sản xuất ra khoảng 800 kg đũa gỗ và 20 m3 ván bóc. Ông Tuấn cho biết: Sản phẩm đầu ra của cơ sở chủ yếu ở dạng thô rồi xuất cho công ty khác ở dưới xuôi chế biến sâu. Do phụ thuộc vào khâu trung gian nên giá bán bấp bênh, nhiều khi khó dự báo thị trường, có lúc sản phẩm làm ra tồn đọng, phải dừng sản xuất.
Bên cạnh đó, do số lượng cơ sở chế biến gỗ quy mô vừa và nhỏ tăng nhanh dẫn đến mất cân đối giữa cung và cầu trong việc cung cấp nguyên liệu đầu vào. Ở nhiều địa phương, năng lực chế biến đã vượt khả năng cung ứng nguyên liệu nên xảy ra việc khai thác quá mức, sử dụng cây chưa đủ tuổi, gây lãng phí, tỷ lệ hao hụt cao, có lúc các cơ sở chế biến gỗ thiếu nguyên liệu, ảnh hưởng tới quá trình sản xuất. Số lượng cơ sở chế biến nhiều nhưng chỉ tập trung vào vài mặt hàng chế biến thô như ván bóc, ván dán, gỗ xẻ thanh có giá trị gia tăng thấp.
Bảo đảm nguồn nguyên liệu là yếu tố quan trọng để thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư nhà máy chế biến lâm sản, tạo chuỗi giá trị bền vững, xây dựng thương hiệu sản phẩm lâm sản. Cần nâng cao chất lượng gỗ nguyên liệu, trong đó chú trọng nâng cao chất lượng rừng trồng, tập trung trồng và chuyển hóa rừng gỗ lớn theo đúng lộ trình. Chứng chỉ rừng bền vững FSC được xem là công cụ marketing hỗ trợ thâm nhập các thị trường quốc tế và đạt giá cả tối ưu.
– Ông Vũ Hồng Điệp, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh.
Cũng theo ông Vũ Hồng Điệp, để tạo ra các sản phẩm đồ gỗ chất lượng cao, giá trị gia tăng lớn, đòi hỏi phải đầu tư về vốn, nguồn nhân lực và công nghệ chế biến. Các doanh nghiệp cần áp dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ 4.0 và hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến vào chế biến lâm sản nhằm kiểm soát được chất lượng, an toàn và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho chế biến nông sản theo hướng đào tạo, nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý doanh nghiệp và công nhân.
Cần đẩy mạnh nghiên cứu các xu thế phát triển thị trường, nhu cầu tiêu thụ các loại sản phẩm gỗ chế biến, lâm sản khác theo hướng “đi tắt, đón đầu”, khuyến khích sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm tinh chế, hoàn chỉnh. Phải hướng tới đa mục tiêu vừa tăng kim ngạch xuất khẩu, vừa đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nội địa. “Đối với thị trường nội địa, cần đẩy mạnh các kênh phân phối, tập trung sản xuất các sản phẩm hướng vào thị trường các thành phố lớn và các tỉnh lân cận. Đối với thị trường quốc tế, đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tham gia các chương trình hội chợ, liên kết với các tổ chức khác để sản xuất, tìm kiếm thị trường lâm sản xuất khẩu” – ông Điệp nói.