Về chữa lành, nhà báo Trương Anh Ngọc chia sẻ: “Trước dịch Covid-19 không ai nói đến tâm lý hay chữa lành, sau 2 năm bệnh dịch, hầu như mọi người đều thấy thiếu vắng trống trải, nhất là mối quan hệ với người xung quanh, đồng thời nhận ra họ đang thiếu điều gì, từ thiếu vận động đến thiếu tiếp xúc với mọi người, và cảm nhận yêu thương thiên nhiên hơn và yêu con người hơn.
Cụm từ “chữa lành” (healing) hiện nay được dùng phổ biến, rộng khắp và đang trở thành trào lưu. Từ nhu cầu thực tế của việc rối loạn, âu lo, trầm cảm từ bệnh dịch, tin tức tiêu cực, áp lực công việc, suy kiệt tinh thần bởi rạn nứt tình cảm từ gia đình, dẫn tới tổn thương về thể chất của nhiều người, các dịch vụ “chữa lành” cũng phát triển, mở rộng muôn hình vạn trạng. Cũng chính vì thiếu hiểu biết, nhiều người tốn số tiền lớn cho các hình thức chữa lành nhưng tinh thần, sức khỏe không phục hồi, mà càng thương tổn hơn…
Cũng từ những tháng ngày dịch bệnh, khi chứng kiến mọi thứ xảy ra bất ngờ, cuộc sống thật bấp bênh… vì thế tâm lý con người trở nên mong manh. Khi được và mất trở nên dễ dàng, nhanh chóng, mọi người biết trân trọng cuộc sống hơn.
Thời gian này, chúng ta ở một mức độ nào đó đều bị chấn động về tâm lý. Bạn bè tôi, trước đây không hề nói đến Phật pháp, giờ họ đi theo các đoàn tu, đến với các thánh địa. Còn với tôi, tôi có niềm tin vào những điều tốt lành, khi mình làm điều tốt thì mình sẽ gặp điều tốt.
Việc chữa lành thì không phải bây giờ mới cần, vì thực ra nó diễn ra lâu rồi, ai cũng bị tổn thương, sang chấn và cần được chữa lành. Nhưng rõ ràng sau đại dịch, sự tổn thương mới trầm trọng và thể hiện ra rất nhiều. Các cuốn sách của Thiền sư Thích Nhất Hạnh đến sách của tác giả John Vũ bán rất tốt. Chưa khi nào sách nói về phương cách sống, tâm linh lại có mặt trên các quầy sách phong phú đến như vậy. Mọi người cũng mua đọc rất nhiều. Khi đã tổn thương, người ta cần nơi nương tựa. Có người tìm bác sĩ tâm lý, có người tìm đến thể thao, có người đi du lịch, có người tìm đến đạo.
Thiền sư Thích Nhất Hạnh từng nói: Ta là tất cả tâm ta tạo ra. Đúng là thế, mọi thứ ở trong ta, đều do ta tạo thành, ta cảm nhận mọi thứ thế nào thì nó là như thế. Thời gian này, mọi người hay nói vui về chữa lành, nhưng họ có thực sự chữa lành không, có đến đúng chỗ không. Như đối diện với vấn đề tâm linh, bạn có thể bỏ ra nhiều tiền để cầu cúng, nhưng nếu bạn không làm được điều tốt lành, thường gây ra tội lỗi, làm tổn thương người khác, thì bạn sẽ không thể có bình an. Bạn sẽ thường phải sống trong cảnh bất toàn, lo lắng. Nhất là thời kỳ này kinh tế đang khó khăn nên áp lực lên mỗi người càng mạnh”.
Nhà báo Trương Anh Ngọc ưa thể thao, thích vận động. Anh thích đạp xe, đi bộ, gặp gỡ bạn bè. Khi leo núi, anh cảm nhận được sự tích cực từ những bạn đồng hành. Với anh, nếu không thể thao, thiếu vận động, không đi đến các vùng đất khác nhau, thì rất dễ tiêu cực. Năng lượng tích cực đến từ những tinh thần tích cực, cách sống tích cực và một cơ thể khỏe mạnh.
Anh Ngọc chia sẻ: “Mọi người tôi gặp có lẽ cũng gặp nhiều vấn đề trong cuộc sống, nhưng họ đã chọn niềm vui. Khi vui, khi tích cực, họ sẽ chọn được đúng mối quan hệ, công việc. Tôi cũng thế, tôi biết mình làm gì và không nên làm gì. Tôi chơi thể thao, chơi với người tích cực, đọc sách hay báo tôi cũng đọc những câu chuyện tích cực. Nếu trong cuộc sống có gặp sự tiêu cực thì tôi cũng nhìn vào mặt tích cực. Nếu chuyện gì xảy ra, tôi nghĩ rằng có thể do mình đã tạo ra, hoặc đó là bài học tôi cần trải qua. Khi gặp việc tiêu cực, ta cáu giận, trút lên người khác, hoặc lên mạng nói, thì vô tình lại truyền tiêu cực cho người khác, và cho chính mình. Tôi không làm như thế. Giả sử như tôi thường xuyên bị máy bay chậm trễ trì hoãn, lúc chờ, tôi sẽ lấy sách ra đọc.
Trên mạng, tôi thường chia sẻ những trải nghiệm cuộc sống của mình, những nơi tôi đi, những món mình ăn, những bạn mình gặp, những câu chuyện tích cực. Với tôi, an ở đây, là trong có những lúc nguy nan hay thảm cảnh thì vẫn sẽ cảm nhận được sự an đấy. Và tôi truyền những sự an này lên mạng xã hội, nhiều người đọc, họ chia sẻ rằng họ thấy tích cực trong tinh thần hơn. Tôi ưa vận động, luôn luôn ở ngoài thiên nhiên, chọn cách sống chia sẻ và chân thành”.
Theo trải nghiệm của nhà báo Trương Anh Ngọc, càng sống, anh càng nghiệm ra, con người sinh ra không tích cực ngay, mà đó là một quá trình luyện tập:
“Nhìn nhiều câu chuyện tiêu cực của xã hội không phải tôi không bức xúc, nhưng tôi không chọn đưa ra để nói với người khác, hay lan truyền, mà phải đối mặt với chính mình, để xử lý cảm xúc của cá nhân. Nghĩ sâu xa trong cuộc sống này, khi mọi thứ càng khó khăn, càng áp lực thì chúng ta càng cần thông cảm cho mọi người hơn, mang đến niềm vui cho mọi người hơn.
Cũng như trong cuộc sống, ra ngoài, cần xem mình có làm phiền người khác không. Bản thân chúng ta khi có vấn đề tâm lý thì hãy đến bác sĩ tâm lý, hoặc đến với người bạn thân thiết nhất để nói vấn đề đó. Cách tiếp theo là luyện tập tinh thần tâm trí mình, việc này cần kiên nhẫn và lâu dài. Nếu bạn không thay đổi được người khác thì hãy thay đổi chính mình. Cần đối mặt với vấn đề, giải quyết nó và đừng trốn tránh. Khi có kết quả tích cực hãy lan tỏa với mọi người. Chơi với những người bạn tích cực, bạn sẽ thấy mình thay đổi tâm trạng rất nhiều, họ có thể giúp đỡ, mang đến cho bạn sự vui tươi hứng khởi. Còn khi ở bên người tiêu cực, tinh thần bạn sẽ ngập tràn trạng thái tổn thương đó.
Đặc biệt, tôi muốn khuyên mọi người chơi thể thao. Hãy dành thời gian trong ngày chơi thể thao như đi bộ đạp xe chạy, tập gym… với nhiều hình thức. Vì khi bạn vận động, đổ mồ hôi, cơ thể thông suốt, sẽ giúp bạn cân bằng rất tốt. Bản thân tôi khi gặp những chuyện không vui, rất dễ bức xúc, cáu bẳn. Nhưng khi cơ thể khỏe mạnh, tôi thấy giải quyết mọi việc dễ dàng, mọi thứ đều trở nên tuyệt vời”.
Nguồn: https://daidoanket.vn/nha-bao-truong-anh-ngoc-de-co-tinh-than-tich-cuc-can-luyen-tap-tam-tri-10280474.html