Trong những năm qua, đội ngũ văn nghệ sĩ Quảng Ninh đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật, khẳng định vai trò to lớn của văn học nghệ thuật trong phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên, dường như chất lượng các tác phẩm đó vẫn còn chưa xứng tầm với tầm vóc, bề dày văn hóa và cả sự kỳ vọng của công chúng Quảng Ninh.
Bằng sự mẫn cảm với thời cuộc, với thực tiễn đổi mới, ý thức được vai trò, trách nhiệm công dân của mình, văn nghệ sĩ Quảng Ninh luôn nâng cao nhận thức xã hội và phát huy lao động sáng tạo văn học nghệ thuật và cống hiến những tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao, đóng góp cho sự phát triển kinh tế – xã hội cho tỉnh. Thời gian gần đây, số lượng tác phẩm có giá trị đạt giải thưởng của bộ, ngành, Trung ương, giải thưởng của tỉnh tăng lên đáng kể. Các hoạt động phong trào có bước phát triển sâu rộng, thu hút ngày càng đông các nghệ sĩ, tầng lớp nhân dân tham gia, phục vụ có hiệu quả các sự kiện chính trị của tỉnh, góp phần định hướng tư tưởng, thẩm mỹ của nhân dân. Trung bình mỗi năm, Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh đều tổ chức và phối hợp tổ chức từ 5-6 trại sáng tác; 5-6 chuyến đi thực tế sáng tác cho hội viên ở trong và ngoài tỉnh.
Nhìn chung, đội ngũ văn nghệ sĩ của tỉnh đã tích cực sáng tạo phản ánh chân thật mọi lĩnh vực đời sống, nỗ lực đổi mới tư duy tìm tòi phương thức mới để khám phá cuộc sống. Dòng mạch chủ đạo xuyên suốt các hoạt động văn học nghệ thuật Quảng Ninh là chủ nghĩa yêu nước và nhân văn, ý thức dân tộc sâu sắc. Nhiều tác phẩm đã được trao giải thưởng cao, góp phần tích cực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội nhanh, bền vững gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng – an ninh của tỉnh.
Đội ngũ các văn nghệ sĩ đã cống hiến hàng nghìn tác phẩm ở các lĩnh vực khác nhau, góp phần hun đúc, phát huy các giá trị tốt đẹp trong truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm”. Tuy nhiên, Quảng Ninh có một tầng văn hóa rất dày về di sản Hạ Long, về văn hóa ngành Than và văn hóa các dân tộc thiểu số. Bối cảnh đời sống kinh tế – xã hội sôi động và những đổi mới tiên phong của Quảng Ninh cũng đã tạo nguồn cảm hứng phong phú và không bao giờ vơi cạn cho văn nghệ sĩ sáng tác nhưng chưa được hiện thực hóa thành tác phẩm.
Thêm nữa, với vùng đất đổi mới như Quảng Ninh cần có tác phẩm xứng tầm. Công chúng yêu văn học nghệ thuật và du khách vẫn đang mong chờ có nhiều hơn nữa những tác phẩm có giá trị cao về tư tưởng, đạo đức và nghệ thuật, phản ánh chân thực, sâu sắc, toàn diện bước chuyển mạnh mẽ của đời sống xã hội, đúng tầm vóc, tương xứng với những thành tựu phát triển của tỉnh.
Để nâng tầm các tác phẩm có chất lượng cao hơn, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh và các hội cấp huyện cần tổ chức nhiều hơn nữa các cuộc thi sáng tác văn học nghệ thuật với yêu cầu cao hơn nhằm tuyên truyền, quảng bá văn hóa nghệ thuật, vùng đất con người Quảng Ninh. Theo họa sĩ Nghiêm Vinh, hội viên Hội Văn học nghệ thuật Quảng Ninh thì việc tổ chức các trại sáng tác hay hỗ trợ kinh phí sáng tạo tác phẩm nên tổ chức có trọng tâm, trọng điểm chứ không nên dàn trải như hiện nay. Việc này cần làm theo phương thức đặt hàng cụ thể thay vì đang làm theo cách cào bằng không thực sự hiệu quả.
Đặc biệt, trong bối cảnh ngày càng có nhiều khó khăn, thách thức mới, đòi hỏi văn học nghệ thuật phải khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa tinh thần yêu nước, ý chí tự cường, tinh thần đoàn kết, khát vọng phát triển trong nhân dân; phát huy cao độ những giá trị văn hóa và tinh thần cống hiến của mọi người dân Quảng Ninh. Tác phẩm phải đem đến những giá trị tinh thần sống mãi với thời gian và góp phần xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc của Quảng Ninh. Văn học nghệ thuật phải trở thành nguồn cổ vũ, động viên nhân dân phát huy nội lực, thi đua lao động sáng tạo, xây dựng Quảng Ninh ngày càng văn minh, giàu đẹp, hiện đại.
Ngoài một số văn nghệ sĩ của tỉnh đã khẳng định được tên tuổi của mình qua các tác phẩm có giá trị cao, Hội Văn học nghệ thuật tỉnh cần có những giải pháp tìm kiếm phát hiện các tài năng và phát triển hội viên trẻ. Đồng thời, khuyến khích quần chúng nhân dân những người không phải là hội viên tham gia sáng tạo văn học nghệ thuật, phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng phát triển năng khiếu, quan tâm đào tạo văn nghệ sĩ vùng đồng bào dân tộc thiểu số.