Một nội dung đặc biệt quan trọng trong 6 giải pháp được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh đó là: Phải chú trọng bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ Quân đội theo tinh thần “7 dám”: “Dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung”. Đây là yêu cầu vừa mang tính cấp thiết, vừa xuyên suốt đối với cán bộ quân đội trong giai đoạn hiện nay.

Theo tôi, để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, người cán bộ trong quân đội dù ở cương vị nào cũng cần phải hội tụ đầy đủ bốn phẩm chất, đó là: Đạo đức, bản lĩnh, trí tuệ và trách nhiệm. Trong đó đề cao vai trò trách nhiệm, không chỉ để hoàn thành chức trách, nhiệm vụ của bản thân, mà mỗi người phải có ý thức, trách nhiệm với tập thể, cộng đồng. Trách nhiệm vừa là động lực, vừa là “bánh lái” giúp mỗi cán bộ vượt qua mọi khó khăn để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao.

Trung tá Đỗ Văn Hùng, Phó chính ủy Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân phát biểu chỉ đạo tại buổi tọa đàm của Đoàn cơ sở Lữ đoàn 101. Ảnh: HỮU MÙI

Thời gian qua, vì nhiều lý do, mà đâu đó còn một số ít cán bộ với tuổi đời và cương vị công tác khác nhau có thời điểm trách nhiệm trong công việc còn hạn chế. Biểu hiện như: Còn nể nang, né tránh, ngại va chạm, nói chưa đi đôi với làm; thiếu nhiệt huyết, làm việc cầm chừng, đùn đẩy trách nhiệm, tranh công đổ lỗi; đường mòn lối cũ, thiếu linh hoạt, sáng tạo; so bì hơn thiệt, chọn việc, chọn vị trí, ngại khó khăn, gian khổ; sa vào chủ nghĩa cá nhân, thu vén lợi ích cho bản thân… Những biểu hiện tiêu cực trên ảnh hưởng rất lớn đến bản chất, truyền thống, hình ảnh người cán bộ Quân đội. Làm suy giảm sự đoàn kết thống nhất, sức mạnh chiến đấu, khả năng hoàn thành nhiệm vụ của đơn vị.

Thực tế, tại Lữ đoàn 101, Vùng 4 Hải quân với nhiệm vụ chính là huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu, làm lực lượng cơ động chi viện bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc, trọng tâm là quần đảo Trường Sa và các nhiệm vụ khác được giao. Tính chất nhiệm vụ đặc thù của lực lượng hải quân đánh bộ với nhiều khó khăn, phức tạp. Môi trường hoạt động khắc nghiệt gắn liền với biển, đảo. Đời sống bộ đội và hậu phương quân đội mặc dù đã được các cấp quan tâm, từng bước được cải thiện, song vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn cuộc sống. Nếu người cán bộ thiếu trách nhiệm hoặc trách nhiệm không cao thì không thể hoàn thành nhiệm vụ.

Thời gian tới, với yêu cầu nhiệm vụ xây dựng đơn vị cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại và nâng cao sức mạnh, khả năng sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo Tổ quốc ngày càng cao. Do vậy, để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, các đơn vị cần quan tâm bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ cán bộ quân đội thực hiện tốt “7 dám” theo tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

 Chỉ huy Lữ đoàn 101 trò chuyện, động viên đội ngũ cán bộ trẻ ở đơn vị. Ảnh: HỮU MÙI

Công tác quản lý, chỉ huy đơn vị của cán bộ cơ sở hiện nay chịu rất nhiều áp lực, cường độ công việc lớn, yêu cầu cao, kinh tế gia đình khó khăn, giải quyết các mối quan hệ xã hội… tạo ra nhiều lo lắng, áp lực lớn đối với mỗi cá nhân. Nếu không dám đương đầu với khó khăn thử thách, đề cao trách nhiệm của bản thân, dễ dẫn đến chùn bước, nản chí, sa vào chủ nghĩa cá nhân. Vì vậy, mỗi cán bộ dù ở cương vị nào cũng phải tích cực tu dưỡng, rèn luyện bản lĩnh chính trị, học tập nâng cao trình độ, kiến thức, năng lực toàn diện, đề cao tinh thần, trách nhiệm đối với công việc.

Bên cạnh đó, mỗi cấp ủy, chỉ huy các cấp cần sâu sát quan tâm, chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ về mọi mặt. Quán triệt, thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, hiệu quả quy chế, quy trình công tác cán bộ. Có chính sách phù hợp khích lệ, động viên, cất nhắc, bổ nhiệm cán bộ dám đương đầu với khó khăn thử thách, dám chịu trách nhiệm, tạo động lực để cán bộ phấn đấu vươn lên, sẵn sàng nhận và quyết tâm hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Có như vậy mới đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ, xây dựng Hải quân nhân dân Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, làm nòng cốt bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

DUY HIỂN (ghi)