Rèn luyện chữ Tầm
Sinh năm 1984, năm 2005, anh Linh tốt nghiệp Khoa Kinh tế, Đại học Luật Hà Nội. Tháng 6 năm đó, Tòa án nhân dân tỉnh Tuyên Quang mở kỳ thi tuyển chọn công chức, nhưng lúc đó chưa bằng tốt nghiệp nên anh không thể tham gia. Anh tâm sự: Lúc đó mình buồn lắm, bởi kỳ vọng vào kỳ thi rất nhiều nhưng do thời gian tốt nghiệp và đợt thi lại trùng nhau nên không đủ điều kiện. Một năm ở nhà, mình cố gắng ôn tập và trau dồi kiến thức quyết tâm đi theo con đường đã chọn.
Anh Lê Tuấn Linh, Phó Chánh án, Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương tại gặp mặt 100 người trẻ tiêu biểu của tỉnh năm 2023.
Sau khi trúng tuyển kỳ thi tuyển công chức Tòa án nhân dân 2 cấp năm 2006, đến tháng 2-2007, anh Linh bắt đầu những bước đi chập chững với vai trò Thư ký Tòa hình sự, Tòa án nhân dân Thành phố Tuyên Quang. Ngồi ghế nhà trường kiến thức đồ sộ bao nhiêu thì ra làm thực tế lại bỡ ngỡ bấy nhiêu. Anh nhớ nhất ngày mới đi làm, khi làm quyết định về Bản án có hiệu lực, nhiều khi nhầm lẫn ngày, tháng từ khi bi cáo bị tạm giam để cộng vào tổng hình phạt tù. Khi nhầm phải làm đính chính, sửa chữa, lúc đó thực sự áp lực rất nhiều, nhưng với anh những lỗi sai đó là bài học cho mình tự hoàn thiện mình nhiều hơn.
Do nằm trên địa bàn trung tâm, Tòa án nhân dân Thành phố mỗi năm xét xử trên 150 vụ án hình sự đã tôi luyện cho anh bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh.
Sau 9 năm công tác, năm 2015 anh được cử đi học lớp Đào tạo nghiệp vụ xét xử, và đến cuối năm 2016, anh có quyết định bổ nhiệm Thẩm phán và được điều chuyển sang Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương công tác và trở thành Phó Chánh án Tòa án nhân dân huyện từ 12 – 2021. Đây là điều mà ít người trẻ công tác trong ngành làm được.
Anh tự hào kể, cầm cán cân công lý là việc vô cùng khó, đòi hỏi người Thẩm phán phải có trí sáng, đạo đức và công tâm. Từ năm 2016 đến năm 2022, mình đã giải quyết được 699 vụ, việc, chỉ có 1 vụ phải hủy án do lỗi chủ quan của Hội đồng xét xử, nhưng đó cũng là bài học cho cá nhân anh và cả tập thể cán bộ Tòa án nhân dân huyện Sơn Dương tự hoàn thiện hơn trong quy trình xét xử. Chính vì điều này, đầu năm 2018, anh Linh đã mạnh dạn đề ra giải pháp “Nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa hình sự sơ thẩm”. Nhiều đêm thức trắng để viết đề cương thuyết trình, anh đã chủ động đề xuất thay đổi bằng cách thay vì Chủ tọa phiên tòa, Hội thẩm nhân dân nghiên cứu hồ sơ, các tình tiết trong vụ án để luận tội theo quy định pháp luật thì bây giờ sẽ tìm ra những điểm mâu thuẫn giữa các chứng cứ và cho các bên tranh luận để làm sáng tỏ vụ án, từ đó Hội đồng xét xử mới có quyết định cuối cùng.
Anh chia sẻ, làm Thẩm phán phải có quan niệm, hồ sơ vụ án chỉ là tài liệu do cơ quan điều tra thu thập chưa chắc đã phải là chính xác. Do vậy nên tạo điều kiện cho bị cáo tranh luận với Kiểm sát viên, các cơ quan tiến hành tố tụng và cũng cho bị cáo có thời gian chuẩn bị hoặc nhờ Luật sư bào chữa. Có như vậy mới tránh những oan sai không đáng có.
Một phiên tòa trực tuyến do thẩm phán Lê Tuấn Linh chủ trì.
Đề cao chữ Tâm
Từ năm 2016, anh đảm nhiệm thêm công tác xét xử các vụ việc liên quan đến hôn nhân và gia đình và các vụ án dân sự. Anh bảo, làm hình sự quen khô khan, áp dụng quy định pháp luật mang tính thượng tôn thì khi sang lĩnh vực mới điều ấn tượng, trăn trở nhất là những vụ án ly hôn có yếu tố trẻ em. Huyện Sơn Dương cũng là địa phương có án về Hôn nhân gia đình nhiếu nhất trong tỉnh với trên 500 vụ mỗi năm, phần lớn trong các vụ án này, bậc làm cha, làm mẹ đôi khi mới chỉ nghĩ đến bản thân mình, họ muốn ly hôn là sự giải thoát. Nhưng những đứa trẻ trong các cuộc hôn nhân đổ vỡ lại không dám chắc về một tương lai tươi sáng.
Anh kể, mới đây tòa thụ lý vụ án về ly hôn giữa 2 vợ chồng đều là giáo viên tại thôn Hưng Thịnh, xã Trường Sinh (Sơn Dương), có 2 con chung, một cháu sinh năm 2015, một cháu sinh năm 2021, 2 con chia đều cho bố và mẹ chăm sóc. Anh tâm sự, lúc đó mình cũng khó xử, bởi theo luật quy định trẻ em trên 7 tuổi thì được hỏi ý kiến về nguyện vọng muốn ở với ai, cháu bé vẫn mặc bộ đồng phục học sinh trả lời, con muốn ở với 2 bố mẹ và òa khóc. Tiếng khóc lúc đó khiến anh thực sự bối rối, ám ảnh.
Hay một vụ án hình sự với người chưa thành niên phạm tội của một gia đình tại thôn Đồng Giếng, xã Đại Phú (Sơn Dương). Bố nghiện ma túy đã 10 năm nay, mẹ bỏ đi làm ăn xa, gia đình có 2 anh em ở với ông bà, người con đầu đang chấp hành án phạt tù, còn người con thứ 2 năm nay chưa tròn 17 tuổi đã có hành vi trộm cắp 1 xe máy trị giá hơn 18 triệu đồng của cậu ruột.
Tại phiên tòa, bị cáo nói với anh trong nước mắt, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, bố mẹ ly hôn nên ảnh hưởng nhiều đến tâm lý, dẫn đến việc cháu sa đà vào những tệ nạn xã hội rồi thực hiện hành vi phạm pháp.
Thú thật lúc đó mình muốn xử cho cháu được đi trường giáo dưỡng, nhưng đích thân mẹ cháu đứng lên xin Hội đồng xét phạt tù để có thể răn đe, giáo dục bị cáo thành công dân có ích cho xã hội.
Trước khi chia tay chúng tôi, anh Linh khoe một tập tài liệu hội thảo anh mới đi dự “Hội thảo quốc tế tham vấn đối với Dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên” ở Hà Nội. Khi hình thành Luật sẽ có quy định phù hợp với xã hội hiện đại, hình phạt tù sẽ là cuối cùng được áp dụng. Nhưng nếu có phạt tù sẽ có một nơi riêng cho người chưa thành niên, tránh tình trạng người chưa thành niên học thói hư tật xấu của người trưởng thành, khi trở lại xã hội sẽ lại phạm tội.
Anh Linh bảo, mình chỉ mong thế là đủ rồi.