Sau hơn nửa thập kỷ hình thành và phát triển, quan hệ ASEAN-Nhật Bản tiếp tục củng cố nền tảng, mở rộng hợp tác để vượt lên thách thức, tiến về phía trước.
Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio phát biểu tại Diễn đàn ASEAN-Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương bên lề Hội nghị cấp cao ASEAN thứ 43 tháng 9/2023 tại Indonesia. (Nguồn: Văn phòng Thủ tướng Nhật Bản) |
Giữa thập niên 1970, Thủ tướng Nhật Bản khi đó Tanaka Kakuei đối mặt với sự phản đối kịch liệt của dư luận trong nước khi lần đầu thăm thủ đô các nước Đông Nam Á.
Song, nửa thế kỷ sau, mọi chuyện đã hoàn toàn khác. Sự tương đồng về lợi ích và ảnh hưởng giữa Nhật Bản và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) là nền tảng quan trọng cho mối quan hệ bền chặt. Tuy nhiên, trong bối cảnh thế giới biến động nhanh, phức tạp hiện nay, nền tảng đó có còn phù hợp?
Củng cố nền tảng chính trị
Một trật tự thế giới biến động và đa tầng, với các trung tâm quyền lực mới và những tương tác phức tạp ngày càng tăng, đặt ra nhiều thách thức với tiến trình phát triển của mối quan hệ. Cạnh tranh căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc đề ra khó khăn chưa từng có tiền lệ cho ASEAN.
Trong bối cảnh đó, Tokyo cần hợp tác dựa trên tăng cường nhận thức và nhạy cảm chiến lược để giải quyết thách thức trên. Ở chiều ngược lại, quan hệ với Nhật Bản cũng mang tính cốt lõi trong bối cảnh ASEAN đối phó với thế lưỡng nan chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc.
Ngoài ra, khi Tokyo đang ngả về Washington, các sáng kiến ngoại giao liên tục và khéo léo giúp ASEAN cân bằng xung đột lợi ích, tránh phụ thuộc quá lớn vào bất kỳ cường quốc nào, bảo toàn vai trò trung tâm và tự chủ chiến lược.
Chìa khóa để quản lý các vấn đề phức tạp này là thông qua đối thoại, xây dựng lòng tin và tập trung vào các lợi ích chung. Nhằm nuôi dưỡng quan hệ hợp tác bền chặt, ASEAN và Nhật Bản cần giải quyết các thách thức như xung đột quyền lực khu vực, tranh chấp chủ quyền, cạnh tranh kinh tế và căng thẳng lịch sử.
Ngoài ra, một mặt, việc Nhật Bản tham gia cấu trúc an ninh tiểu đa phương như Bộ tứ có thể không phù hợp với lợi ích ASEAN. Mặt khác, cam kết của Tokyo khi tích cực tham gia diễn đàn đa phương trong khuôn khổ ASEAN như Hội nghị cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN, Hội nghị Bộ trưởng ASEAN+ và Diễn đàn Biển ASEAN, sẽ tạo nên dư địa hợp tác sâu sắc hơn với ASEAN.
Mở rộng liên kết kinh tế-văn hóa
Hợp tác kinh tế và văn hóa cũng là nền tảng trong quan hệ giữa ASEAN và Nhật Bản. Nhật Bản vẫn là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của ASEAN và là nguồn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chính, với dòng vốn FDI lên tới khoảng 20 tỷ USD và thương mại song phương đạt 240,2 tỷ USD năm 2022. Các nước ASEAN chiếm tới 30% tổng số công ty con ở nước ngoài của Nhật Bản.
Quan hệ đối tác kinh tế toàn diện ASEAN-Nhật Bản tạo điều kiện thuận lợi cho tự do hóa thương mại, tiếp cận thị trường và hội nhập kinh tế. Đồng thời, việc phát triển cơ sở hạ tầng như Đối tác vì cơ sở hạ tầng chất lượng cũng nhận được sự hỗ trợ tích cực từ Nhật Bản, góp phần thực hiện mục tiêu kết nối của ASEAN.
Trong bối cảnh đó, ASEAN và Nhật Bản có thể tập trung củng cố kết nối và số hóa, thúc đẩy thương mại, tăng cường chuỗi cung ứng khu vực, giải quyết biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Sự ủng hộ liên tục từ Tokyo góp phần bảo đảm tăng trưởng toàn diện và thu hẹp khoảng cách về trình độ phát triển giữa các nước ASEAN. Quỹ Hội nhập Nhật Bản-ASEAN thành lập năm 2006, và cơ chế Hợp tác Nhật Bản-Mekong thành lập năm 2008 có vai trò như thế.
Ngoài ra, việc làm sâu sắc quan hệ nhân dân thông qua trao đổi văn hóa, chương trình giáo dục và du lịch sẽ thắt chặt hơn nữa sự thấu hiểu lẫn nhau và tình hữu nghị. Đẩy mạnh hợp tác giáo dục và cung cấp học bổng sinh viên từ cả Nhật Bản và các nước ASEAN đóng góp vào việc xây dựng mối quan hệ lâu dài.
Thắt chặt hợp tác an ninh
Quan hệ Nhật Bản-ASEAN còn nhiều dư địa hợp tác về khía cạnh an ninh. Việc chia sẻ tin tức tình báo, chuyên môn và kinh nghiệm tạo ra cách tiếp cận toàn diện nhằm ngăn ngừa chủ nghĩa cực đoan, khủng bố, đồng thời củng cố an ninh biên giới, đóng góp vào hòa bình và ổn định tại khu vực. Năm 2014, nhằm tăng cường hợp tác trên khía cạnh này, Nhật Bản và ASEAN thông qua Tuyên bố chung về hợp tác chống chủ nghĩa khủng bố và tội phạm xuyên quốc gia.
Một yếu tố quan trọng không kém là hợp tác trong lĩnh vực hàng hải, một yếu tố quan trọng khu vực. Bảo đảm an ninh và tự do hàng hải trở thành lĩnh vực hợp tác đáng chú ý trong quan hệ giữa Nhật Bản và ASEAN. Tokyo ủng hộ tích cực các nước ASEAN tăng cường năng lực hàng hải, hỗ trợ trong các lĩnh vực như nhận thức hàng hải, xây dựng năng lực, tập trận chung cùng các trang thiết bị.
Vì Nhật Bản và một vài nước thành viên ASEAN thường xuyên gánh chịu thiên tai, hai bên có thể tăng cường hợp tác trong ứng phó và phục hồi thiên tai. Tokyo có kinh nghiệm trong phòng chống thiên tai, cảnh báo sớm và tái thiết hậu thảm họa. Do vậy, họ có thể giúp xây dựng năng lực của các nước ASEAN nhằm giảm thiểu tác động từ các thiên tai, qua đó không chỉ cứu sống nhiều người, mà còn góp phần thúc đẩy hợp tác, tình đoàn kết khu vực trong lúc khủng hoảng.
Theo những cách này, ASEAN và Nhật Bản có thể cùng nhau vượt qua thách thức và xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ và bền vững hơn nữa trong 50 năm tới.