Tại hội thảo, ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển Nông nghiệp nông thôn, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn báo cáo khảo sát tình hình sản xuất lúa tại một số tỉnh, thành Long An, Đồng Tháp, An Giang và Cần Thơ phục vụ xây dựng đề án.
Các địa phương khảo sát thể hiện sự đồng thuận và đánh giá cao ý tưởng của đề án và có kế hoạch cụ thể tham gia giai đoạn 2025 và đến năm 2030. Trong đó, tỉnh An Giang sẽ tổ chức lại sản xuất, tăng cường liên kết trong sản xuất lúa; Đồng Tháp sẽ xây dựng chương trình chuyển đổi số trong phát triển nông nghiệp; Cần Thơ sẽ xây dựng kế hoạch hệ thống cơ sở thủy lợi cho sản xuất lúa đến từng giai đoạn 2025 đến 2030 và cho toàn bộ diện tích của địa phương và tỉnh Long An là vùng lúa ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Trần Công Thắng, các địa phương đang phát triển ngành lúa gạo và theo hướng bền vững hơn, giảm phát thải và đặc biệt góp phần nâng cao giá trị gia tăng, thu nhập của người nông dân. Phần lớn diện tích đăng ký tham gia đề án đến năm 2025 là những vùng lúa có điều kiện thích hợp sản xuất lúa, được đầu tư cơ sở hạ tầng tốt, tổ chức sản xuất hơn những vùng còn lại. Đến năm 2030 tổng diện tích của các tỉnh, thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long tham gia đề án hơn 1 triệu ha.
Theo đại diện của Ngân hàng thế giới, Việt Nam đã có kinh nghiệm triển khai VnSat và các giải pháp kỹ thuật sản xuất tốt. Ngân hàng thế giới mong muốn sẽ đồng hành với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành trong vùng để tham gia triển khai đề án 1 triệu ha lúa.
Với mục tiêu là thúc đẩy các biện pháp canh tác bền vững để sản xuất lúa chất lượng cao và giảm thải carbon ngày càng lớn trên thị trường trong nước và xuất khẩu. Đại diện của Ngân hàng thế giới tại Việt Nam cũng cho biết, cần phải phân tích nhu cầu thị trường trong nước, quốc tế; sản xuất được hài hòa với nhu cầu thị trường, nông dân có thể tăng doanh số, nâng cao năng lực cạnh tranh và cuối cùng là lợi nhuận; nghiên cứu chuỗi giá trị và chiến lược xây dựng thương hiệu.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, đề án là điểm nhấn và bước chuyển biến của ngành lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long, thích ứng với biến đổi khí hậu theo cam kết tại COP 26.
Đây sẽ là sự chuyển biến sang giai đoạn mới, thực hiện quy trình giảm chi phí sản xuất cho người dân, nâng cao lợi nhuận và tính chuyên nghiệp của người dân sẽ cao hơn. Và khi đạt được chứng chỉ Carbon thì thương hiệu gạo của Việt Nam sẽ tăng lên, giá bán sẽ cao, nâng được tầm thương hiệu và giá trị gạo của Việt Nam trên thị trường thế giới.
“Đề án phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long với mục tiêu lớn nhất là giảm chi phí, tăng giá trị sản xuất và đảm bảo môi trường sinh thái. Để thực hiện được mục tiêu này đòi hỏi sự vào cuộc của các cấp, các ngành, nhất là vai trò của chính quyền địa phương trong việc định hướng quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu chất lượng cao, hỗ trợ về cơ chế, chính sách để khuyến khích nông dân, hợp tác xã, doanh nghiệp tham gia vào vùng nguyên liệu”, Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Tin, ảnh: THÚY AN