Đại biểu Tạ Thị Yên (Điện Biên) cho rằng, thời gian qua chúng ta phải nhắc đến một số biến động bất thường của thị trường bất động sản. Điều này cho thấy sự không ổn định, cần sớm có sự chỉ đạo, tháo gỡ, bình ổn để tránh những tác động tiêu cực đến nền kinh tế, xáo động tâm lý của người dân.
Bà Yên nêu dẫn chứng về việc thiếu phân khúc nhà ở thương mại giá rẻ, giá trung bình hợp với khả năng tài chính của người dân, hoặc thực trạng nhà ở xã hội có nơi thừa, nơi thiếu.
“Gói tín dụng 120.000 tỷ cho nhà ở xã hội mới giải ngân được 83 tỷ đồng là rất thấp, cần làm rõ trách nhiệm các cơ quan có liên quan. Vì sao chính sách của chúng ta rất tốt, rất nhân văn nhưng lại chậm được triển khai thực hiện, trong khi người dân thì rất mong mỏi, chờ đợi?”, đại biểu Yên nêu quan điểm.
Đặc biệt, bà Yên nhấn mạnh về việc hàng chục nghìn căn nhà tái định cư ở TP.HCM, Hà Nội bị bỏ hoang phế, gây lãng phí lớn về nguồn lực tài chính công, trong khi người dân còn thiếu chỗ ở. “Tôi thấy chúng ta cần phải làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan”, bà Yên thẳng thắn bày tỏ.
Đồng tình quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định) cho biết, ông cũng chứng kiến hàng loạt căn hộ chung cư, tái định cư ở huyện Gia Lâm, Hà Nội trong tình trạng bỏ hoang, gây lãng phí rất lớn.
“Trong khi đó, giá chung cư vừa qua tăng cao, nhu cầu của người dân nhiều nhưng chúng ta lại để lãng phí. Vì vậy, cần có giải pháp quyết liệt để đưa những căn hộ này vào sử dụng”, ông Hiếu nói.
Cùng bàn luận về vấn đề này đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho biết, trong mấy năm gần đây, một loạt luật mới đã được sửa đổi, tạo nên nhiều chính sách mới cởi mở hơn, tốt hơn, chặt chẽ hơn trong việc quản lý đất đai, tài nguyên. Do vậy chúng ta phải đẩy mạnh hơn nữa công tác quản lý đất đai, tài nguyên để tránh lãng phí về đất đai, tài nguyên.
“Có tình trạng dự án, công trình nhà ở xây xong rồi bị bỏ hoang, gây lãng phí vô cùng. Vừa qua tôi đã đi khảo sát tại một số tỉnh và thấy có rất nhiều dự án, khu nhà ở được xây thô, thậm chí là đã hoàn thiện nhưng nhìn vào thực tế khu vực đó thì có thể dự đoán đến mươi năm nữa cũng không thể có người ở.
Ở Hà Nội cũng nhiều, nhất là ở khu vực cầu Đông Trù (Đông Anh) có một loạt khối nhà đã bỏ hoang mà không biết đến khi nào mới có người vào ở. Đây là một lãng phí rất lớn và tiếc vô cùng. Do vậy, cần phải xem xét để điều chỉnh lại những dự án bỏ hoang để tránh lãng phí, trong khi nhiều người có thu nhập thấp vẫn đang không có nhà ở”, đại biểu Trí nói.
Mới đây, theo số liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS), hiện tượng căn hộ tái định cư bị bỏ hoang xuất hiện nhiều tại các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng… Các tòa nhà xây dựng với quy mô lớn, đầu tư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại bị bỏ không hoặc sử dụng không hiệu quả khiến toàn bộ hạ tầng và các hạng mục bị xuống cấp nghiêm trọng.
Tại Hà Nội, khoảng 4.000 căn đang bị bỏ hoang. Nhiều dự án tái định cư có người dân về ở, có diện tích kinh doanh dịch vụ cũng vẫn bị bỏ trống nhiều năm, không có đơn vị nào thuê, sử dụng thương mại.
Tương tự, trên địa bàn TP.HCM cũng có hơn 14.000 căn hộ tái định cư bỏ trống, tập trung nhiều nhất tại khu tái định cư Bình Khánh (quận 2) với hơn 12.000 căn hộ và tại khu tái định cư Vĩnh Lộc B (huyện Bình Chánh) với hơn 2.000 căn hộ…
Lý giải về tình thực trạng này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch VARS phân tích: do nhiều khu tái định cư được xây dựng ở những khu vực xa trung tâm, thiếu tiện ích và dịch vụ công cộng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn và gây khó khăn cho người dân trong việc di chuyển và sinh hoạt.
Một số dự án tái định cư gặp vấn đề về chất lượng xây dựng như vật liệu kém chất lượng, thiết kế không hợp lý và thi công không đạt chuẩn. Những vấn đề này khiến người dân không muốn chuyển đến ở.
Bên cạnh đó, nhiều khu tái định cư thường thiếu hạ tầng cơ bản như trường học, bệnh viện, chợ và hệ thống giao thông…làm giảm chất lượng sống và sự tiện lợi cho cư dân.
Ngoài ra, mức đền bù chưa thỏa đáng và chính sách tái định cư theo Luật Đất đai hiện hành còn chưa hợp lý khiến nhiều người dân không muốn chuyển đến nơi ở mới hoặc không đủ khả năng để sống tại các khu tái định cư vì toàn bộ số tiền được đền bù không đủ để mua suất tái định cư được giao.
Để tránh lãng phí, VARS đề xuất bên cạnh quỹ nhà bán đấu giá, Nhà nước có thể nghiên cứu ghép nhà tái định cư và nhà ở xã hội vào cùng một phân khúc.