Đoàn ĐBQH tỉnh tham gia thảo luận tại tổ
– Tiếp tục chương trình làm việc tại kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, ngày 5/6, Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn tham gia thảo luận tại tổ 13 với Đoàn ĐBQH các tỉnh: Bắc Ninh, Lạng Sơn, Hậu Giang, Đắk Lắk.
Tại tổ thảo luận, các ĐBQH đã tập trung thảo luận về 3 dự thảo luật gồm: Luật Nhà ở (sửa đổi); Luật Tài nguyên nước (sửa đổi); Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi). Đoàn ĐBQH tỉnh có 5 đại biểu phát biểu ý kiến vào các dự thảo luật sửa đổi, trong đó cơ bản các ý kiến đều nhất trí, tán thành với những nội dung ban soạn thảo đề xuất sửa đổi.
Đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Phát biểu ý kiến cụ thể vào dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), đồng chí Hoàng Văn Nghiệm, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo tiếp tục rà soát một số cụm từ tại Điều 3 về giải thích từ ngữ mang tính khái niệm làm sao cho chặt chẽ, khoa học hơn, đồng thời phù hợp với một số luật khác hiện hành và còn giá trị. Đồng thời rà soát một số câu từ tại các điều từ Điều 12 đến 15, có 1 số cụm từ nội dung có thể tích hợp vào Điều 3. Đối với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh, tại điều 21 và từ Điều 25 đến Điều 31, đồng chí cho rằng cần phải có sự rà soát chặt chẽ khoa học và thống nhất hơn về phân cấp trách nhiệm của cấp tỉnh để tránh chồng chéo, trùng lặp các nội dung liên quan đến các văn bản hành chính, quy hoạch kế hoạch sử dụng đất ở cấp tỉnh gây khó khăn cho việc tổ chức triển khai thực hiện các dự án cũng như khó khăn trong việc giao dịch mua bán của công dân. Cùng với đó, đồng chí đề nghị diễn đạt rõ hơn nội dung tại điểm 5 Điều 30 liên quan đến điều chỉnh chương trình kế hoạch phát triển nhà ở cấp tỉnh.
Đại biểu Chu Thị Hồng Thái, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi)
Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến tại thảo luận tổ
Đối với dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), ĐBQH tỉnh cũng quan tâm thảo luận nội dung liên quan đến đối tượng được xét cấp nhà ở công vụ; nguồn kinh phí để sử dụng xây dựng nhà ở công vụ tại các tỉnh; mở rộng đối tượng được tiếp cận các gói hỗ trợ nhà ở xã hội; rà soát kỹ nội dung sở hữu nhà ở đối với người nước ngoài; danh mục các dự án được bán cho người nước ngoài; huy động nguồn lực tham gia của tư nhân trong kế hoạch xây dựng nhà ở cấp tỉnh; quy định về sử dụng nguồn kinh phí từ Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đối với hỗ trợ mua nhà ở cho công nhân thu nhập thấp; vấn đề nhà lưu trú cho công nhân ở các khu công nghiệp; xem xét thành lập quỹ nhà ở xã hội tại các địa phương…
Đại biểu Lưu Bá Mạc, Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Tài nguyên nước (sửa đổi)
Đối với dự thảo Luật Tài nguyên nước, ĐBQH tỉnh đề nghị ban soạn thảo cân nhắc bổ sung, làm rõ một số từ, cụm từ tại khoản 4 Điều 3 và khoản 2, khoản 3 Điều 5 Dự thảo Luật về giải thích từ ngữ và chính sách của Nhà nước về tài nguyên nước, việc bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển nguồn nước và phát triển cơ sở hạ tầng về tài nguyên nước; bổ sung quy định “chấp thuận trả lại Giấy phép” đối với các quy định liên quan đến giấy phép về tài nguyên nước, đăng ký khai thác, sử dụng nước tại khoản 6 Điều 44; bổ sung thêm một khoản quy định về nội dung dòng chảy tối thiểu tại Điều 25 dự thảo luật; đối với các công trình thủy điện trên sông, suối phải thiết kế, xây dựng hạng mục điều tiết đảm bảo dòng chảy tối thiểu khi không có phát điện, trong đó bao gồm thiết bị giám sát kết nối hệ thống giám sát sử dụng tài nguyên nước và được cơ quan có thẩm quyền cấp phép khai thác tài nguyên nước, trước khi khởi công xây dựng tại điểm e khoản 2 Điều 76 và điểm e khoản 1 Điều 77 dự thảo Luật.
Đại biểu Triệu Quang Huy, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh phát biểu ý kiến thảo luận về dự thảo Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)
Đối với Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), ĐBQH tỉnh nêu ý kiến vào một số nội dung: nhóm vấn đề quản trị điều hành của tổ chức tín dụng; hoạt động của tổ chức tín dụng; các hạn chế trong đảm bảo hoạt động của tổ chức tín dụng; việc can thiệp sớm tổ chức giải thể, phá sản; về xử lý nợ xấu và tài sản đảm bảo xử lý nợ xấu; bổ sung đánh giá báo cáo tác động của sở hữu cổ phần; điều chỉnh giảm sở hữu cổ phần; về giới hạn cấp tín dụng, thực trạng cấp tín dụng hiện nay, báo cáo thêm mức độ rủi ro; cơ sở thực tiễn điều chỉnh giảm hạn mức tín dụng từ 15% xuống 10%, cần có lộ trình giảm để đảm bảo khách hàng có thời gian tiếp cận các nguồn vốn khác…
Theo chương trình, ngày mai 6/6, Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với 4 nhóm vấn đề trọng tâm.