Loại hình truyền thống dân gian đứng trước nguy cơ mai một
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Quân (Đoàn tỉnh Long An) cho biết, thời gian qua, với sự phát triển, hội nhập, các loại hình biểu diễn nghệ thuật đương đại, các loại hình biểu diễn nghệ thuật truyền thống dân gian đang đứng trước nguy cơ mai một. Việc triển khai các hoạt động, chính sách bảo tồn nghệ thuật truyền thống còn gặp nhiều khó khăn về nguồn lực, về thu hút lực lượng trẻ. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nêu giải pháp duy trì và phát huy giá trị loại hình nghệ thuật truyền thống mang đậm nét văn hóa dân tộc?
Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL Nguyễn Văn Hùng thừa nhận đây là câu chuyện không đơn giản. Vì vậy, thời gian tới, cần tập trung đào tạo năng khiếu, tiếp tục phát triển loại hình này theo hướng nghệ thuật đỉnh cao, ban hành chính sách riêng, trong đó không nên thực hiện tự chủ để loại hình này được phát triển.
Ở cấp Trung ương sẽ thực hiện công tác đào tạo công tác bồi dưỡng có tính chất đỉnh cao. Còn ở địa phương,khuyến khích phát triển các loại hình theo hướng tập trung có chính sách cho nghệ nhân – bởi họ chính là những người giữ hồn, giữ lửa cho loại hình này.
Cùng với đó, tập trung kết nối với du lịch, coi sản phẩm quan du lịch phải dựa trên tài nguyên văn hóa, để tạo ra hiệu ứng lan tỏa và thông qua đó giải quyết bài toán kinh tế trong văn hóa, để có điều kiện phát triển loại hình này.
Chung mối quan tâm này, đại biểu Quốc hội Châu Quỳnh Dao (Đoàn tỉnh Kiên Giang) chia sẻ, hiện nay, một số sản phẩm du lịch có hiện tượng lai căng, sao chép đặc trưng của nước ngoài, mặc dù thu hút được một bộ phận khách du lịch và tạo ra lợi nhuận nhưng về lâu dài sẽ tạo ra hệ lụy làm mất đi vẻ đẹp đặc trưng bản sắc dân tộc Việt Nam. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này và những giải pháp để khắc phục?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho rằng, Nghị quyết 82/NQ-CP của Thủ tướng Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh phục hồi, tăng tốc phát triển du lịch hiệu quả, bền vững; đặc biệt là Chỉ thị 08/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển du lịch toàn diện, nhanh và bền vững thời gian tới, trong đó Thủ tướng đã xác định: sản phẩm du lịch độc đáo, môi trường du lịch văn minh, thân thiện, giá cả phải cạnh tranh và phải hợp tác, liên kết nhân dân để phát triển du lịch.
Khi thực hiện Nghị quyết và Chỉ thị này, tình hình du lịch của nước ta đã được cải thiện trong 5 tháng đầu năm và có mức tăng trưởng nhất định. Bộ sản phẩm du lịch hiện được nhận diện mà đang áp dụng là đi đúng hướng.
“Ví như du lịch biển đảo là một hướng đi rất đúng, du lịch cộng đồng và du lịch nghỉ dưỡng và nhiều sản phẩm du lịch khác… đều là hướng đi phù hợp. Ở đâu đó có một vài sản phẩm cá biệt, sẽ thanh tra, kiểm tra để chấn chỉnh trong thời gian tới”- Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng nêu rõ.
Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số
Tham gia phiên chất vấn, các đại biểu Quốc hội dành nhiều câu hỏi đến chính sách để phát phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số; giải pháp thực hiện phát triển du lịch cộng đồng tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trong thời gian tới?…
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thu Dung (Đoàn tỉnh Thái Bình) phản ánh hiện tượng thương mại hóa, lạm dụng trẻ em tại các phiên chợ vùng cao đã làm mai một và biến tướng nét đẹp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL nêu quan điểm về vấn đề trên; đồng thời có chính sách và khuyến cáo để vừa bảo tồn, phát huy được nét đẹp vừa giúp văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số hội nhập với hiện đại?.
Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL cho biết, văn hóa của mỗi đồng bào có phong tục, tập quán và nét đẹp riêng. Vấn đề mà đại biểu nêu có thể là lợi dụng việc này, cố ý làm sai, còn thực tế chợ tình đó không phải như vậy. Do đó giải pháp đưa ra là cần tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân – đặc biệt là người dân vùng đồng bào dân tộc để họ biết tôn trọng, phát huy và bảo tồn văn hóa của chính dân tộc mình, từ phong tục, tập quán đến cách ứng xử. Đồng thời cần có chế tài để xử lý nghiêm minh việc lợi dụng vấn đề này để đưa vào khuôn khổ nhằm hạn chế, khắc phục được tình trạng lợi dụng trẻ em.
Giải pháp xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn và phát huy di sản
Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn tỉnh Bắc Kạn) phản ánh tình trạng các di sản văn hóa khi trở thành sản phẩm du lịch đều trải qua quá trình hàng hóa hóa di sản. Quá trình này diễn ra không theo mùa vụ, không theo chu kỳ hoạt động mà chủ yếu đáp ứng nhu cầu của du khách. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về thực tế này cũng như có giải pháp nào để xử lý tốt mối quan hệ giữa bảo tồn, phát huy di sản văn hóa với phát triển kinh tế – xã hội?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, đối với các di tích, di sản được công nhận bao giờ chính quyền địa phương – nơi được giao trách nhiệm quản lý đều có chương trình hành động đi kèm để bảo vệ các di tích, di sản. Giải pháp căn cơ cho vấn đề này là chúng ta phải tôn trọng các cam kết, các phương án bảo vệ di tích, di sản sau khi được công nhận, phát hành cam kết; tổ chức thực hiện nghiêm để điều này đi vào trong tiềm thức và sẽ không lợi dụng các di tích, di sản, làm xấu đi hình ảnh của các di tích, di sản… Bên cạnh đó, khi các di sản được công nhận, tôn vinh rồi, chúng ta cũng cần biết khai thác một cách hợp lý, xây dựng được các sản phẩm gắn liền với di tích, di sản có tính văn hóa…
Liên quan đến phát triển du lịch liên quan đến chính sách dân tộc và công tác dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh khẳng định: Đảng và Nhà nước luôn quan tâm đến phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trong đó có phát triển lĩnh vực văn hóa, bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc. Đây là một chủ trương lớn và có rất nhiều chính sách trong từng giai đoạn khác nhau được tổ chức thực hiện.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh đồng tình với các giải pháp huy động nguồn vốn, quản lý cũng như phát triển các sản phẩm du lịch văn hóa như phần trả lời của Bộ trưởng Bộ VH-TT&DL; đồng thời nhấn mạnh: trong thời gian tới, Ủy ban Dân tộc sẽ phối hợp chặt chẽ với Bộ VH-TT&DL triển khai nghiêm túc và đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước đã ban hành.
Bộ trưởng Hầu A Lềnh cho biết, trong năm 2025 Bộ sẽ phối hợp với Bộ VH-TT&DL tổng kết toàn diện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030, trong đó có dự án về phát triển văn hóa; từ đó đề ra các giải pháp thực hiện trong giai đoạn 2026-2030.
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dbqh-lo-ngai-du-lich-lai-cang-se-lam-mat-di-ban-sac-dan-toc.html