ĐBQH đề nghị bổ sung cơ chế ưu đãi cho sản phẩm khoa học công nghệ trong nước

Báo Tài nguyên Môi trườngBáo Tài nguyên Môi trường17/02/2025

(TN&MT) - Ngày 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội Khoá XV đã tổ chức phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.



Ngày 17/2, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội Khoá XV đã tổ chức phiên thảo luận ở hội trường về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số chính sách nhằm tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.

Phiên họp dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã thu hút sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH), với những ý kiến đóng góp sâu sắc về các cơ chế, chính sách ưu đãi để thúc đẩy hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số tại Việt Nam.

202502170832411127_z6324439008967_2bd6878d2e1171ec910df58b9b74c988.jpg

Nghị quyết thí điểm: Cơ chế, chính sách vượt trội

Dự thảo Nghị quyết được đưa ra nhằm tháo gỡ những vướng mắc hiện tại trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Mục tiêu chính là tạo ra những cơ chế, chính sách đặc thù để thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, biến chuyển đổi số thành động lực mạnh mẽ trong công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nghị quyết cũng khẳng định vai trò quan trọng của hạ tầng số tiên tiến và công nghiệp công nghệ số Việt Nam trong việc đạt mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững từ 8% trong năm 2025 và hướng tới tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết bao gồm việc xây dựng các cơ chế tháo gỡ chi tiêu tài chính từ ngân sách nhà nước đối với các tổ chức và nhân lực trong các tổ chức khoa học và công nghệ công lập. Cũng như các chính sách thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu, phát triển các công nghệ chiến lược và tạo ra cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, đấu thầu, tài chính cho chuyển đổi số quốc gia. Một trong những nội dung quan trọng là các biện pháp giúp tháo gỡ vướng mắc trong việc phát triển hạ tầng số và công nghiệp công nghệ số chiến lược.

Bảo đảm đầu ra cho nghiên cứu khoa học

202502170904572641_z6324575667892_d0fc89ee29ea1463985b35740aecfa51.jpg
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An

Tại phiên thảo luận, nhiều ĐBQH đã bày tỏ sự đồng thuận với sự cần thiết phải ban hành Nghị quyết này và thảo luận sâu về các chính sách đảm bảo "đầu ra" cho kết quả nghiên cứu khoa học trong nước. Đại biểu Hoàng Minh Hiếu – Đoàn ĐBQH tỉnh Nghệ An nhấn mạnh cần bổ sung các chính sách cụ thể để Nhà nước trở thành khách hàng đầu tiên và quan trọng nhất đối với các kết quả nghiên cứu khoa học và công nghệ trong nước. Ông đưa ra ví dụ điển hình về ngành công nghiệp sản xuất chip bán dẫn, cho rằng nếu không có các chương trình của Nhà nước trong việc tiêu thụ và sử dụng các sản phẩm nghiên cứu vào những thập kỷ 1950 và 1960, ngành công nghiệp chip bán dẫn sẽ không có đủ nguồn lực và động lực để phát triển như ngày nay.

Đại biểu Hoàng Minh Hiếu cũng cho biết, mặc dù hệ thống pháp luật hiện tại có đề cập đến vấn đề này nhưng các quy định trong Luật Đấu thầu và Luật Khoa học và Công nghệ vẫn chưa đủ cụ thể và chưa có tính khả thi cao trong thực tế. Do đó, cần phải nghiên cứu để tháo gỡ các vướng mắc, sớm đưa chính sách này vào thực tiễn.

Bổ sung cơ chế ưu đãi cho sản phẩm khoa học công nghệ trong nước

202502171021332898_z6324888715337_ef879583d6004261efebc716ab4a73f2.jpg
Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Đại biểu Trần Thị Nhị Hà – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội cũng đưa ra ý kiến về vấn đề này. Bà cho rằng, đối với sản phẩm và dịch vụ khoa học công nghệ được đặt hàng, sau khi nghiên cứu thành công và được nghiệm thu, đơn vị đặt hàng có thể ký kết hợp đồng trực tiếp với đơn vị nghiên cứu mà không cần phải tuân thủ các quy định của Luật Đấu thầu. Bà cũng đề nghị các Bộ, ngành, địa phương cần dành tối thiểu 20% ngân sách để đặt hàng các sản phẩm khoa học công nghệ trong nước. Các Bộ, ngành và địa phương cần ban hành hàng năm danh mục các sản phẩm khoa học công nghệ cần nghiên cứu để các tổ chức, đơn vị nhà nước, doanh nghiệp tư nhân, thậm chí cả các cá nhân có thể đăng ký tham gia và được hỗ trợ đầu ra khi nghiên cứu thành công.

Miễn trừ trách nhiệm trong nghiên cứu khoa học

202502170832411283_z6324454734047_73b1910b84411707194d3e978031dbac.jpg
Đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội

Trong phần đóng góp ý kiến về chính sách miễn trừ trách nhiệm đối với nghiên cứu khoa học, đại biểu Hoàng Văn Cường – Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội đã đánh giá cao sự đề xuất của Chính phủ trong việc quy định chấp nhận rủi ro trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Ông cho rằng điều này sẽ giúp tháo gỡ nhiều khó khăn và tạo niềm tin cho các nhà khoa học trong công tác nghiên cứu. Tuy nhiên, ông cũng băn khoăn về quy định tại Điều 6 của dự thảo Nghị quyết, liên quan đến việc miễn trách nhiệm nếu kết quả nghiên cứu không đạt yêu cầu khi đã thực hiện đúng quy trình và quy định.

Để làm rõ hơn nội dung này, đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị sửa đổi Điều 6 của dự thảo Nghị quyết theo hướng “khi đã thực hiện đúng quy trình nghiên cứu mà đề tài đã đăng ký nhưng không đạt kết quả, thì không phải hoàn trả lại kinh phí”. Đây là đề xuất nhằm làm rõ hơn trách nhiệm và quyền lợi của các nhà khoa học khi tham gia vào các nghiên cứu thử nghiệm.

Miễn trách nhiệm hình sự và dân sự trong nghiên cứu khoa học

202502170834409943_z6324466096893_5b5dff46959bdbbe8a50dd03bd72d4ec.jpg
Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai

Đại biểu Trịnh Xuân An – Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Nai cũng đã có những ý kiến sâu sắc về vấn đề này. Ông cho rằng việc miễn trách nhiệm dân sự trong nghiên cứu khoa học là hợp lý, nhưng nếu chỉ có cơ chế miễn trách nhiệm dân sự sẽ không bao quát hết các tình huống thực tế. Do đó, ông đề nghị cần nghiên cứu thêm việc miễn trách nhiệm hình sự đối với các tổ chức và cá nhân thực hiện đề tài nghiên cứu khoa học và công nghệ nếu đã tuân thủ đầy đủ quy trình và đảm bảo tính khách quan. Đây sẽ là yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro cho các nhà khoa học, giúp họ tự tin hơn trong quá trình nghiên cứu.

Đại biểu Trịnh Xuân An cũng cho rằng, trong trường hợp gây thiệt hại cho Nhà nước và các tổ chức cá nhân khác, cũng cần miễn trách nhiệm dân sự. Ngoài việc miễn trách nhiệm dân sự, việc miễn trách nhiệm hình sự cần được nghiên cứu để đưa vào thực hiện thí điểm trong Nghị quyết, làm cơ sở cho các quy định trong các văn bản pháp lý khác trong tương lai.

Bổ sung các biện pháp phòng ngừa rủi ro trong nghiên cứu

202502171034063933_z6324919490937_46bb14f81116395e29bcb1c2c6931e19.jpg
Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn

Một số ý kiến khác cũng nhấn mạnh rằng, việc miễn trừ trách nhiệm dân sự chỉ nên áp dụng đối với các đề tài nghiên cứu gây thiệt hại cho Nhà nước, trong khi đó nếu gây thiệt hại cho các tổ chức và cá nhân khác thì vẫn phải thực hiện việc bồi thường theo quy định của Bộ luật Dân sự. Đại biểu Nguyễn Thị Thủy – Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn đã phát biểu như vậy và đồng thời cũng bổ sung rằng việc miễn trách nhiệm dân sự cần đi đôi với việc áp dụng đầy đủ các biện pháp phòng ngừa và thử nghiệm trong quá trình nghiên cứu khoa học.

202502171016395133_z6324869519905_30ceeebd422bce574b6dcad6d90d2878.jpg
Toàn cảnh phiên họp

Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải đã đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội. Ông nhấn mạnh rằng tất cả các ý kiến đều có tính xây dựng, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc tháo gỡ các vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng và Nghị quyết số 57-NQ/TW. Các ý kiến về cơ chế tự chủ của tổ chức khoa học công lập, quản lý kinh phí ngân sách nhà nước, khoán chi sản phẩm và các quỹ phát triển khoa học công nghệ sẽ được cơ quan soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu kỹ lưỡng để hoàn thiện dự thảo nghị quyết.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng chỉ đạo Ủy ban Thường vụ Quốc hội phối hợp chặt chẽ với các cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo tiếp thu, giải trình đầy đủ các ý kiến đóng góp để trình Quốc hội xem xét, quyết định trong kỳ họp này.



Nguồn: https://baotainguyenmoitruong.vn/dbqh-de-nghi-bo-sung-co-che-uu-dai-cho-san-pham-khoa-hoc-cong-nghe-trong-nuoc-386692.html

Bình luận (0)

No data
No data

Cùng chuyên mục

Cùng tác giả

No videos available