SGGPO
Chiều 23-5, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi), tại đây, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM) đã có phát biểu đáng chú ý về vấn đề điều tiết giá của Nhà nước, đặc biệt là đối với giá điện.
Nguyên Bí thư Thành ủy TPHCM cho rằng, ông đã có 3 lần góp ý dự thảo Luật Giá (sửa đổi) và ban soạn thảo đã tiếp thu một số nội dung. Tuy nhiên, có một nội dung về các nguyên tắc nhà nước quản lý, điều tiết giá thì Vụ Tài chính – Ngân sách (Văn phòng Quốc hội) phản hồi không thể tiếp thu vì ngân sách nhà nước còn nhiều khó khăn.
ĐB Nguyễn Thiện Nhân đã phân tích sâu về kiến nghị bổ sung một nguyên tắc Nhà nước quản lý, điều tiết giá. Đó là, Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp khi điều tiết giá. Điều đó nhằm bảo đảm việc Nhà nước điều tiết giá là phù hợp với quan hệ quy luật cung cầu hàng hóa, dịch vụ là khả thi, không gây thiệt hại cho các doanh nghiệp và người dân.
Đại biểu Nguyễn Thiện Nhân (TPHCM). Ảnh: QUANG PHÚC |
Dẫn chứng về việc cung cấp điện cho người dân và doanh nghiệp theo cơ chế thị trường ở các nước, ĐB Nguyễn Thiện Nhân cho biết, năm 2022 khi giá dầu, giá than, giá khí tăng làm cho chi phí sản xuất, cung cấp điện tăng, để người tiêu dùng và doanh nghiệp vẫn có thể sử dụng điện ở mức cần thiết mà không phải trả thêm tiền điện quá khả năng chi trả thì có 2 cách giải quyết.
Thứ nhất, như ở Nhật Bản, cứ 1kW điện tiêu dùng của hộ gia đình thì Chính phủ trả 7 Yen, còn lại gia đình phải trả.
Thứ hai, như ở Pháp, các công ty điện tăng giá điện khi giá dầu, giá khí đốt tăng, song mức giá thực tế giảm 4% năm 2022 và 15% năm 2023 so với mức giá các công ty sản xuất hiện đề xuất, vì Chính phủ Pháp trợ cấp cho các doanh nghiệp điện 49 tỷ USD từ ngân sách.
Theo ĐB, Luật Giá 2012 của Việt Nam và dự thảo Luật Giá 2023 đều không có nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công hoặc dự trữ hàng hóa để điều tiết giá. Vì vậy, trong trường hợp Nhà nước điều tiết giá điện ở Việt Nam, chỉ có một giải pháp là bằng mệnh lệnh hành chính, Nhà nước quy định giá điện qua Bộ Công thương và Chính phủ. Không có nguồn ngân sách nào được chuẩn bị để hỗ trợ EVN khi họ bị lỗ vì không được tăng giá điện, trong khi giá đầu vào là giá dầu, giá khí, giá than tăng rất mạnh. “Chúng ta điều tiết giá điện bằng mệnh lệnh hành chính chứ không chi một đồng nào”, ĐB phát biểu.
Kết quả là năm 2021, EVN lỗ trong sản xuất, bán điện 981 tỷ đồng; năm 2022 là 36.294 tỷ đồng và năm 2023 dự kiến lỗ 63.620 tỷ đồng, dù từ tháng 5-2023 giá bán điện bình quân tăng 3%. Tổng lỗ sản xuất điện 3 năm 2021-2023 dự kiến khoảng hơn 100.000 tỷ đồng, bằng 49% vốn điều lệ 205.390 tỷ đồng của EVN. Nếu tính đến thu nhập của tập đoàn qua các hoạt động không sản xuất kinh doanh điện và hơn 10.000 tỷ đồng thì tổng lỗ giảm còn hơn 90.000 tỷ đồng, tức bằng 44% vốn điều lệ của EVN. Bên cạnh đó, tập đoàn đang nợ khách hàng 19.700 tỷ đồng đến hạn phải trả nhưng không có tiền để trả.
Đến năm 2024, nếu giá điện không tăng thì dự báo tổng lỗ tích lũy qua 4 năm sẽ khoảng 112.000-144.000 tỷ, tức là mất 54-70% vốn điều lệ của EVN. Còn nếu giá điện tăng 3% năm 2024 thì dự kiến lỗ 94.000-126.000 tỷ đồng, tức là mất 46-61% vốn chủ sở hữu.
Theo ĐB Nguyễn Thiện Nhân, nếu dự thảo Luật Giá được thông qua với các nguyên tắc điều tiết giá của Nhà nước như dự thảo thì năm 2024, EVN với lỗ dự kiến khoảng 94.000 -126.000 tỷ đồng, mất khoảng 46%-60% vốn chủ sở hữu, sẽ không thể hết lỗ trong năm 2025, không thể là một tập đoàn mạnh và phát triển bền vững như Chính phủ yêu cầu.
Từ phân tích đó, ĐB đề nghị bổ sung một nguyên tắc quản lý điều tiết giá của Nhà nước vào dự thảo Luật Giá 2023, là Nhà nước phải có nguồn lực tài chính công và dự trữ hàng hóa phù hợp với điều tiết giá để EVN, doanh nghiệp nhà nước quan trọng nhất ngành điện năm 2024 sẽ không rơi vào trạng thái sắp phá sản.