Nhận định trên được nêu ra tại tọa đàm “Giảng dạy tiếng Anh tăng cường theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018”, do Trường ĐH Sư phạm TP HCM vừa tổ chức.
Bà Đinh Trần Hạnh Nguyên – Phó Khoa tiếng Anh, Phó Giám đốc Trung tâm Ngoại ngữ Trường ĐH Sư phạm TP HCM – cho rằng tiếng Anh không còn là một môn học đơn thuần mà đã trở thành công cụ để học sinh hội nhập toàn cầu.
Theo bà Hạnh Nguyên, TP HCM có nhiều thuận lợi với các đề án, chương trình. Theo Kết luận 91-KL/TW ngày 12-8 của Bộ Chính trị, các cấp học cần phải nâng cao năng lực ngoại ngữ của học sinh, sinh viên, từng bước đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học. Dù vậy, việc dạy tiếng Anh tăng cường trong trường phổ thông đang đối diện nhiều thách thức như: cơ hội tiếp xúc của học sinh bên ngoài lớp học còn hạn chế; khó khăn về cơ sở vật chất, đội ngũ chuyên trách, giáo trình, tài liệu, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá…
Bà Nguyễn Thị Tú, Hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành – Trường ĐH Sư phạm TP HCM, cho rằng chủ trương của Bộ Chính trị sẽ giúp việc dạy tiếng Anh tăng cường của trường đạt kết quả cao hơn. Theo bà, tiếng Anh luôn là thế mạnh của học sinh trong trường khi kết quả thi tốt nghiệp THPT môn này hằng năm luôn cao hơn điểm trung bình của học sinh TP khoảng 3 điểm. 90% học sinh của trường có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế IELTS từ 4,5 đến 8,5.
“Vấn đề đặt ra là tổ chức dạy tiếng Anh như thế nào để có được sự đồng thuận của phụ huynh. Qua khảo sát học sinh lớp 10, có đến 58% mong muốn đi du học. Do đó, học tiếng Anh không chỉ để giao tiếp mà còn để lấy được chứng chỉ quốc tế. Nhà trường phải tính toán xây dựng thời khóa biểu, tạo sự đồng thuận với phụ huynh…”- bà Tú nói.
Theo bà Hồ Mỹ Vân, Tổ trưởng Tổ tiếng Anh – Trường Trung học Thực hành, việc người nước ngoài dạy tiếng Anh cho học sinh là hết sức cần thiết, giúp các em tăng cường kỹ năng nghe, nói. Vấn đề là làm sao chọn được giáo viên nước ngoài phù hợp, giáo trình phù hợp, đảm bảo vừa quản lý được về mặt chuyên môn mà vẫn khuyến khích được học sinh phát triển.
Trong khi đó, ông Lại Huy Hoàng, giáo viên tiếng Anh Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa, cho rằng việc dạy tiếng Anh tăng cường gặp khó khăn về khâu kiểm tra, đánh giá khi đa số vẫn kiểm tra trên giấy về ngữ pháp, từ vựng, đọc hiểu; chưa kiểm tra được kỹ năng nghe, nói.
Trước những thực tế trên, bà Hạnh Nguyên nhấn mạnh cần phải có giải pháp đồng bộ để việc dạy tiếng Anh tăng cường đạt hiệu quả cao. Trước hết, muốn dạy hiệu quả phải có sự đầu tư, phát triển đội ngũ giáo viên chất lượng. Với chương trình dạy tiếng Anh tăng cường, sẽ có đội ngũ giáo viên hợp đồng, do đó cần có sự đảm bảo, kiểm soát về mặt chất lượng.
Với cơ sở vật chất, trường học cần sự đồng bộ trong việc lập kế hoạch, khuyến khích tận dụng khoa học công nghệ và các hệ thống phần mềm giảng dạy.
Phải lập kế hoạch về đội ngũ giáo viên giảng dạy, cần có sự phối hợp giữa các bên liên quan. Các lớp tiếng Anh tăng cường nếu có giáo viên nước ngoài thì sẽ có giáo viên của trường cùng tham gia. Do đó, cần có kế hoạch để đội ngũ giáo viên bản ngữ tham gia các hoạt động ngoại khóa, các câu lạc bộ…, để học sinh học hỏi kỹ năng giao tiếp, tạo sự gắn kết. Ngoài ra, cần phải có các buổi tập huấn, trao đổi chuyên môn với những người đồng giảng.
“Điều quan trọng là cần có giáo trình, tài liệu chuẩn hóa liên thông phù hợp, làm sao để chương trình tiếng Anh tăng cường đáp ứng tốt nhất, hiệu quả nhất khi thực hiện Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Việc sử dụng giáo trình phải có sự phân tích, đánh giá, điều chỉnh cho phù hợp với thực tế. Tài liệu phải có những bài tập tình huống để sử dụng ngôn ngữ, có sự liên thông giữa các lớp để có sự đồng bộ…” – một diễn giả gợi ý.
Nguồn: https://nld.com.vn/day-va-hoc-tieng-anh-tang-cuong-doi-dien-nhieu-thach-thuc-196240817104244813.htm