Đó là yêu cầu của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 của Cục Đường cao tốc VN diễn ra chiều 20/12.
Tiếp tục hoàn thành mạng lưới trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Duy Lâm cho biết, 2 năm qua, Cục Đường cao tốc VN vừa ổn định tổ chức, cơ sở vật chất sau khi thành lập, vừa thực hiện nhiệm vụ tham mưu cho Bộ GTVT trong quản lý đầu tư xây dựng cao tốc.
Trong đó, Cục Đường cao tốc VN đã phối hợp với các đơn vị liên quan để tham mưu, xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật. Trong đó, có Luật Đường bộ đã trình Quốc hội và được thông qua. Điểm mới tại Luật Đường bộ này là đã có chương riêng về đường cao tốc
Đồng thời, phối hợp với các cơ quan tham mưu dự thảo các Nghị định, thông tư hướng dẫn thực hiện Luật Đường bộ, cũng như tham mưu Bộ GTVT điều chỉnh, ban hành các quy chuẩn về đường cao tốc, các định mức, đơn giá kỹ thuật. Theo Thứ trưởng Lâm, đây là điều quan trọng, đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ và Quốc hội.
Trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, lãnh đạo Bộ GTVT đánh giá cao sự phối hợp của Cục với các cơ quan chuyên môn và địa phương hoàn thành nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu về thời gian, chất lượng.
“Là cơ quan được giao ký kết hợp đồng các dự án BOT, Cục đã chủ động tiếp thu các ý kiến, hoàn thiện tham mưu Bộ GTVT trình Chính phủ để xử lý các khó khăn vướng mắc về các dự án BOT”, Thứ trưởng Lâm đánh giá.
Riêng với nhiệm vụ xây dựng mạng lưới trạm dừng nghỉ cao tốc, lãnh đạo Bộ GTVT đề nghị Cục Đường cao tốc VN cần quyết liệt bám sát, sớm hoàn thành công tác GPMB, bàn giao cho nhà đầu tư để thực hiện.
Cùng đó, Thứ trưởng Lâm yêu cầu Cục tiếp tục phối hợp để hoàn thiện, hoàn thành mạng lưới trạm dừng nghỉ trên tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông, phục vụ công tác điều hành, quản lý giao thông.
Tiếp thu chỉ đạo của lãnh đạo Bộ GTVT, ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc VN nhấn mạnh thời gian tới sẽ thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ được giao, khắc phục các hạn chế còn tồn tại.
3.034km đường cao tốc được đưa vào khai thác tới năm 2025
Trước đó, báo cáo tại hội nghị, ông Nguyễn Viết Huy, Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, để đạt mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng và chỉ đạo của Chính phủ, Cục đã phối hợp rà soát, báo cáo Bộ trưởng kết quả triển khai thực hiện mục tiêu đến năm 2025 hoàn thành 3.000km cao tốc.
Đến nay, đã hoàn thành 2.021km, còn lại 1.013km đang triển khai thi công, trong đó có 325km tại 7 dự án cần tháo gỡ khó khăn về nguồn cát, giải phóng mặt bằng (GPMB). Qua đó, nâng tổng số đường cao tốc đưa vào khai thác khoảng 3.034km.
Theo ông Huy, năm 2024, Cục đã tham mưu Bộ GTVT phê duyệt đầu tư dự án cao tốc Dầu Giây Tân Phú. Đây là dự án PPP triển khai đấu thầu theo Luật PPP mới đầu tiên trong cả nước. Đồng thời, phối hợp với các vụ, cục chuyên ngành trong quá trình tham mưu chủ trương đầu tư, báo cáo nghiên cứu khả thi các dự án cao tốc.
Với các dự án do địa phương là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, Cục đã tham mưu trình cấp có thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án và hoàn thành thẩm định Báo cáo NCKT 4 dự án, cũng như phối hợp, hỗ trợ địa phương hoàn chỉnh thủ tục đầu tư 8 dự án cao tốc.
Riêng với các dự án cao tốc do Bộ GTVT là cơ quan có thẩm quyền/cơ quan chủ quản, Cục đã thực hiện thẩm định về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở với 3 dự án gồm Lộ Tẻ – Rạch Sỏi, Chợ Mới – Bắc Kạn, Mỹ An – Cao Lãnh. Đồng thời, giải quyết các nội dung liên quan với một số hạng mục điều chỉnh thuộc 2 dự án đang thi công là Khánh Hoà – Buôn Ma Thuột và Chơn Thành – Đức Hoà.
Cơ quan này cũng đã thực hiện thẩm định về xây dựng giai đoạn sau thiết kế cơ sở cho 2 dự án Cao Lãnh – An Hữu (thành phần 2) cùng tiểu dự án sử dụng vốn Nhà nước hỗ trợ xây dựng công trình, hệ thống CSHT trong Dự án thành phần 3 thuộc đầu tư xây dựng đường vành đai theo phương thức đối tác công tư vùng Thủ đô Hà Nội để các chủ đầu tư, Ban QLDA phê duyệt, đáp ứng tiến độ khởi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Hiện nay, Cục Đường cao tốc VN đang thẩm định về xây dựng, hoàn thành thẩm định thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở của 2 dự án là một số đoạn thuộc dự án ĐTXD tuyến cao tốc Đồng Đăng – Trà Lĩnh (giai đoạn 1) và dự án cao tốc Ninh Bình – Nam Định – Hải Phòng đoạn qua tỉnh Ninh Bình theo hình thức PPP để các địa phương kịp thời triển khai.
Phó cục trưởng Cục Đường cao tốc VN thông tin, Cục đang tham mưu công tác quản lý hợp đồng các dự án thành phần cao tốc Bắc – Nam phía Đông, giai đoạn 2017 – 2020 đầu tư theo phương thức PPP, hợp đồng BOT gồm Diễn Châu – Bãi Vọt, Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo.
Cùng đó, phối hợp với Cục Quản lý đầu tư xây dựng kịp thời xử lý các vướng mắc phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng. Đến nay, dự án thành phần Nha Trang – Cam Lâm, Cam Lâm – Vĩnh Hảo đã hoàn thành đưa vào khai thác và thu phí, dự án Diễn Châu – Bãi Vọt đã hoàn thành, đưa vào khai thác năm 2024.
Nhằm hoàn chỉnh cơ sở pháp lý khi xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT, thời gian qua, ông Huy cho biết, Cục đã phối hợp với cơ quan tham mưu của Bộ KH&ĐT, nghiên cứu, hoàn chỉnh Luật PPP sửa đổi và được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Trong đó, đã bổ sung quy định về sử dụng vốn nhà nước thanh toán khi chấm dứt hợp đồng (riêng quy định về bổ sung vốn nhà nước giai đoạn khai thác sẽ hoàn chỉnh trong quá trình xây dựng Đề án).
Trên cơ sở Luật PPP sửa đổi và kết quả đàm phán với các nhà đầu tư, tổ chức tín dụng, hiện cơ quan này đang tổng hợp, hoàn chỉnh Đề án, dự kiến trình lãnh đạo Bộ thông qua, báo cáo Bộ Chính trị cho ý kiến trong tháng 3/2025, trình Quốc hội xem xét ban hành Nghị quyết để triển khai thực hiện.
Theo mạng trạm dừng nghỉ trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông được Bộ GTVT phê duyệt, 36 trạm được cập nhật trên cơ sở bao gồm các trạm đã đưa vào khai thác sử dụng và các trạm thuộc các dự án đầu tư trước đây.
Với các dự án thành phần trên cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017 – 2020 (giai đoạn 1) và giai đoạn 2021- 2025 (giai đoạn 2) có 21 trạm dừng nghỉ chưa được đầu tư.
Thực hiện nhiệm vụ xây dựng mạng lưới trạm dừng nghỉ, ông Huy thông tin đến nay, có 8 trạm dừng nghỉ đã hoàn thành lựa chọn nhà đầu tư và ký kết hợp đồng dự án, các nhà đầu tư tiếp tục hoàn thiện công tác thiết kế.
Hiện có 522/8 trạm dừng nghỉ đã trình hồ sơ thiết kế. Cục Đường cao tốc VN đã thẩm định về xây dựng làm cơ sở các nhà đầu tư phê duyệt dự án, còn 3/8 trạm vướng mặt bằng nên các nhà đầu tư chưa hoàn chỉnh hồ sơ thiết kế để trình duyệt.
Công tác GPMB đang được các nhà đầu tư, Ban QLDA tiếp tục phối hợp các địa phương để đẩy nhanh tiến độ. Bộ GTVT đã có công điện gửi các địa phương để tiếp tục phối hợp, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh việc đền bù GPMB, sớm bàn giao cho dự án.
Với 1324 trạm dừng nghỉ còn lại đã được các Ban QLDA phê duyệt và mở thầu trong tháng 12/2024.
“Các Ban QLDA và Cục sẽ nỗ lực rút ngắn tối đa thời gian chọn nhà đầu tư, dự kiến sẽ hoàn thành trong tháng 1/2025 nếu thuận lợi. Tương tự như 8 trạm đang triển khai sẽ đàm phán, đề nghị các nhà đầu tư trúng thầu rút ngắn tiến độ thi công, phấn đấu hoàn thành cơ bản các công trình dịch vụ công thiết yếu khi các dự án thành phần trên tuyến cao tốc đưa vào khai thác sử dụng”, ông Huy nhấn mạnh.
Nguồn: https://www.baogiaothong.vn/day-tien-do-xay-dung-mang-luoi-tram-dung-nghi-tren-cao-toc-192241220165520296.htm