TẬP TRUNG ĐÁNH GIÁ NĂNG LỰC HỌC SINH
Sau 15 năm áp dụng Chương trình GDPT 2006, thạc sĩ Nguyễn Phước Bảo Khôi, giảng viên Trường ĐH Sư phạm TP.HCM, cho rằng qua từng giai đoạn đề thi môn ngữ văn đã có những chuyển biến tích cực, bám sát diễn trình của thực tế dạy học.
Mới đây, Bộ GD-ĐT đã công bố đề thi tham khảo cho kỳ thi tốt nghiệp THPT của năm học 2024-2025. Theo thạc sĩ Khôi, ma trận, cấu trúc, những yêu cầu của đề thi môn văn đã được chi tiết hóa rất logic, bám sát yêu cầu cần đạt của Chương trình GDPT 2018.
Còn với các môn khoa học tự nhiên, trong đó có môn hóa học, thạc sĩ Phạm Lê Thanh, giáo viên (GV) Trường THPT Nguyễn Hiền (Q.11, TP.HCM), cho biết Chương trình GDPT 2018 mục tiêu giáo dục là đánh giá năng lực người học thông qua sự đáp ứng của học sinh (HS) đối với các biểu hiện hoặc chỉ báo của năng lực.
THAY ĐỔI CÁCH RA ĐỀ, ĐÁNH GIÁ
GV Trường Nguyễn Hiền cho rằng kiểm tra đánh giá phải phù hợp với mục tiêu đã được quy định. Trước khi xây dựng câu hỏi/lệnh hỏi liên quan đến kiến thức, GV nên tự trả lời rõ ít nhất 3 câu hỏi: thông qua kiến thức này mình định đánh giá mục tiêu nào được quy định trong chương trình? Biểu hiện của mục tiêu đó là gì? Làm thế nào để đánh giá được biểu hiện đó. “Trả lời được 3 câu hỏi đó xong, thầy cô bắt tay vào xây dựng câu hỏi/lệnh hỏi”, thầy Thanh nêu quan điểm.
“Trong quan điểm và mục tiêu dạy học không có cái “hay” mà phải đánh giá đúng, trúng năng lực phù hợp mục tiêu đo lường năng lực. Vì vậy, tránh sử dụng cảm giác “hay” đó trong xây dựng câu hỏi, lệnh hỏi trong khi còn rất nhiều yêu cầu cần đạt để đảm bảo thực hiện đúng mục tiêu giáo dục. Đừng lấy cảm giác đề “hay” gây ra áp lực cho HS và không đo lường được năng lực”, thạc sĩ Thanh nhấn mạnh.
Đáp ứng mục tiêu đánh giá năng lực HS, thạc sĩ Thanh cho rằng câu hỏi cần kết nối kiến thức và cuộc sống với những sự kiện, nhận thức thế giới tự nhiên gần gũi để HS hình dung được kiến thức phục vụ định hướng nghề nghiệp gì trong tương lai ứng với môn học các em lựa chọn.
Còn theo thạc sĩ Lê Minh Huy, GV Trường THPT Nguyễn Hiền, chương trình môn toán hướng đến phát triển năng lực toán học một cách toàn diện và hiệu quả. Do đó, GV cần có một chiến lược giảng dạy và cách soạn câu hỏi ra đề phù hợp để đánh giá năng lực của HS.
GV khi giảng dạy hoặc soạn câu hỏi cho một nội dung nào đó cần bám sát chương trình và mức độ cần đạt tương ứng. Không nên quá sa đà vào việc đưa ra các bài tập quá khó, mang tính học thuật cao mà các câu hỏi nên chú trọng vào việc phát triển năng lực toán học cho HS.
Thạc sĩ Huy lấy ví dụ, GV có thể đưa ra một số các bài toán có ứng dụng kiến thức đã học để giải quyết một số các bài toán thực tiễn, qua đó kiểm tra năng lực mô hình hóa toán học của HS. Đây cũng sẽ là xu hướng ra đề thi tốt nghiệp THPT mà Bộ GD-ĐT đã định hướng.
Theo thầy Huy, GV cũng cần đa dạng các hình thức câu hỏi bởi cấu trúc định dạng đề thi chương trình mới sẽ có thêm 2 dạng toán mới là câu hỏi đúng, sai và trả lời ngắn. Khi soạn câu hỏi, GV cần phân bố các ý, câu hỏi từ dễ đến khó, bám sát yêu cầu cần đạt của chương trình mới.
Đặc biệt, giáo viên Lê Minh Huy cho rằng người dạy cần trang bị thêm kiến thức chuyên môn cho bản thân trước khi giảng dạy cho HS. Phải nghiên cứu thật kỹ nội dung chương trình.
Nguồn: https://thanhnien.vn/day-theo-huong-moi-chuan-bi-cho-ky-thi-tot-nghiep-thpt-tu-nam-2025-185240724203342002.htm