Trong bối cảnh học thêm vẫn đang là nhu cầu đối với nhiều học sinh cuối cấp thì việc siết dạy thêm chỗ này cũng sẽ dễ dẫn đến tình trạng phình ra ở chỗ khác. Do vậy, nhiều ý kiến cho rằng, các địa phương cần tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng các trung tâm dạy thêm ngoài nhà trường nhằm đảm bảo quyền lợi cho người học.
Phụ huynh loay hoay tìm chỗ học thêm cho con cuối cấp
Mặc dù Thông tư số 29 của Bộ GD&ĐT quy định nhà trường được tổ chức dạy thêm nhưng không thu tiền đối với 3 đối tượng học sinh, trong đó có học sinh cuối cấp. Tuy vậy, nhiều phụ huynh có con đang học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10 tại Hà Nội vẫn cảm thấy lo lắng việc không thu tiền ôn tập đối với học sinh cuối cấp và hạn chế thời lượng không quá 2 tiết/tuần như trong quy định sẽ ảnh hưởng đến động lực của giáo viên và chất lượng giảng dạy tại các nhà trường. Do đó, nhiều phụ huynh vẫn có nhu cầu tìm chỗ học thêm để con có thời gian, cơ hội củng cố và mở rộng kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu của kỳ thi có tính cạnh tranh cao như thi vào lớp 10. Tại nhiều diễn đàn dành cho phụ huynh có con đang học phổ thông, việc tìm các trung tâm dạy thêm, luyện thi uy tín đã trở thành một trong những chủ đề nóng.
Chị Nguyễn Lê Phương, phụ huynh có con đang học lớp 9, chuẩn bị thi vào lớp 10 tại quận Hoàng Mai (Hà Nội) cho biết: “Chỉ còn vài tháng nữa kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 công lập, được ví như khó hơn cả thi đại học sẽ diễn ra. Các con đang học thêm tại trường để ôn thi giờ tự dưng bị dừng, tôi lo con mình không đỗ được vào lớp 10 công lập với khối lượng kiến thức nhiều như vậy mà không học thêm. Theo chị Phương, việc bồi dưỡng, nâng cao kiến thức là nhu cầu lớn đối với học sinh cuối cấp, khi các con phải bước vào những kỳ thi tuyển sinh quan trọng. Do đó, nếu không được học thêm ở trường thì chắc chắn học sinh sẽ phải tìm đến các trung tâm. Tuy nhiên, việc đánh giá chất lượng và mức học phí tại các trung tâm cũng là điều khó khăn đối với nhiều phụ huynh. Trong khi đó, nếu được học các thầy cô ở trường, phụ huynh sẽ yên tâm hơn vì thầy cô sẽ hiểu rõ điểm mạnh, điểm yếu trong việc tiếp thu kiến thức và khả năng học tập của học sinh, đồng thời phụ huynh cũng tiết kiệm được chi phí do tận dụng được cơ sở vật chất hiện có của nhà trường.
Không chỉ phụ huynh cuối cấp, một số phụ huynh có con học lớp 6, 7, 8 cũng có nhu cầu cho con học thêm Tiếng Anh và các lớp kỹ năng vào các buổi chiều trong tuần khi nhiều trường dừng dạy thêm các môn văn hóa và không tổ chức bán trú. Tuy vậy, theo nhiều phụ huynh, trên mạng hiện nay có rất nhiều trung tâm quảng cáo các khóa học về kỹ năng sống, kỹ năng lập trình và hàng loạt các CLB thể thao, mỹ thuật, nghệ thuật với mức học phí khác nhau song chất lượng thực tế như thế nào, nên chọn trung tâm nào để con theo học là điều không dễ đối với nhiều cha mẹ học sinh.
Tránh tình trạng cấp phép ồ ạt, không kiểm soát được chất lượng
Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay điều mà nhiều giáo viên, phụ huynh học sinh và dư luận xã hội hết sức quan tâm là những vướng mắc phát sinh trong thực tế triển khai Thông tư 29. Trong đó, băn khoăn lớn nhất là cùng với việc “nở rộ” các trung tâm dạy thêm khi mà tại rất nhiều tỉnh, thành phố lớn, lượng hồ sơ đăng ký kinh doanh liên quan đến lĩnh vực giáo dục đều tăng mạnh thì liệu một mặt bằng học phí mới có được thiết lập và gánh nặng tài chính này sẽ đổ hết lên vai phụ huynh học sinh? Ngoài ra, việc đánh giá, kiểm soát chất lượng đội ngũ giáo viên, từ trình độ chuyên môn, bằng cấp, năng lực sư phạm và nội dung các chương trình học tại trung tâm sẽ thế nào? Phụ huynh học sinh có thể dựa vào những căn cứ nào để biết đâu là chương trình phù hợp, đảm bảo chất lượng? Do đó, nhiều ý kiến cho rằng, bên cạnh việc quản lý dạy thêm trong nhà trường, các tỉnh, thành phố cũng cần có kế hoạch nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát các trung tâm dạy thêm, tránh tình trạng cấp phép ồ ạt mà không kiểm soát được chất lượng, đồng thời cũng phải đảm bảo quyền lợi của giáo viên khi đăng ký dạy thêm.
Chia sẻ với PV Báo CAND về vấn đề này, PGS.TS Trần Thành Nam, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội cho biết: Để quản lý tốt việc dạy thêm ngoài nhà trường, có một số vấn đề cần làm rõ. Thứ nhất, ai là người được phép và đủ điều kiện được dạy thêm tại các trung tâm? Thứ hai, chương trình như thế nào được xem là phù hợp, đạt chuẩn để dạy, các chương trình có nội dung trùng với mục tiêu chương trình GDPT mới có được dạy thêm hay không? Thứ ba, việc quảng cáo, quảng bá chương trình, khóa học như thế nào là phù hợp và như thế nào là không phù hợp? Ai sẽ quản lý được việc này nhằm tránh tình trạng quảng cáo thổi phồng lên như quảng cáo thực phẩm chức năng hiện nay?
Từ những phân tích trên, PGS.TS Trần Thành Nam cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc kiểm tra, đăng ký đối với các trung tâm dạy thêm phải minh bạch. Và để làm được điều này, cần sử dụng công nghệ, số hóa để cơ quan chức năng có thể quản lý được. Ví dụ, chúng ta cần nghĩ đến một cơ chế để quản lý việc học thêm và dạy thêm trên nền tảng trực tuyến thống nhất toàn quốc và theo từng địa phương. Bất cứ một chương trình dạy thêm nào đều phải đăng ký trên hệ thống này, trong đó nêu rõ đề cương chi tiết học phần, các chuẩn đầu ra để đảm bảo không trùng với chương trình chính khóa, không trùng lắp về yêu cầu cần đạt đã được thỏa mãn trong chương trình GDPT. Hệ thống cũng thể hiện rõ lịch sử, kinh nghiệm của giáo viên giảng dạy, kinh nghiệm, bằng cấp chứng chỉ như thế nào; khóa học có đối tượng nào đăng ký, chi phí như thế nào, kết quả đạt được như thế nào sau khi học… Nếu không làm được điều này sẽ rất khó kiểm soát chất lượng. Hệ quả là gánh nặng tài chính của các gia đình không được giải quyết khi phải chi tiền nhiều hơn nhưng không đạt được kỳ vọng, học sinh vẫn thụ động. Ngoài ra, việc quản lý dạy thêm cũng cần hướng tới việc làm thế nào để bảo vệ được quyền lợi cho nhà giáo tham gia dạy thêm tại các trung tâm với điều kiện chương trình do thầy cô thiết kế phù hợp với yêu cầu, tập trung vào các năng lực chưa được thể hiện đầy đủ ở chương trình GDPT mới. Còn với các đối tượng khác như giáo viên tự do thì phải quản lý bằng các chứng chỉ cần có theo đúng quy định.
PGS.TS Trần Thành Nam cũng cho biết, cũng cần hướng tới việc quy định rõ hơn các trung tâm chỉ được dạy thêm cái gì bởi hiện nay Thông tư 29 đã quy định rõ, việc bồi dưỡng kiến thức cho các đối tượng học sinh không đạt chuẩn hay học sinh tài năng đều thuộc trách nhiệm của giáo viên và nhà trường. Cùng với đó, quy hoạch các nội dung nào, chương trình, môn học nào cần thiết mà các trung tâm cần khai thác để tránh trùng lấn, lãng phí. Chẳng hạn như các trung tâm có thể tập trung vào giảng dạy các kỹ năng của công dân ở thế kỷ 21 như thiết kế tư duy, tư duy tài chính, giải quyết vấn đề sáng tạo, ứng phó với bạo lực học đường…
Nguồn: https://cand.com.vn/giao-duc/day-them-ngoai-nha-truong-chat-luong-ai-kiem-dinh--i759490/
Bình luận (0)