Tiến sĩ, bác sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Đột quỵ Bệnh viện Bạch Mai, cho hay trong ngày 21.3, Trung tâm Đột quỵ tiếp nhận 6 bệnh nhân trẻ. 5/6 bệnh nhân đến sớm hồi phục tốt, 1 bệnh nhân đến sau 24 giờ thì khả năng bình phục hạn chế.
Trong số 6 bệnh nhân trên, bệnh nhân nam 32 tuổi ở Q.Cầu Giấy (Hà Nội) đang bình phục tốt. Bệnh nhân này trước khi vào cấp cứu bị đau nửa đầu, choáng, mệt mỏi.
Bác sĩ Dũng cho hay, nam bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng đột quỵ nặng với triệu chứng thức rối loạn, liệt nửa người bên trái. Kết quả chụp mạch cho thấy bệnh nhân đã tắc mạch máu não lớn.
“Bệnh nhân bị nhồi máu não do tắc mạch máu lớn, là mạch nuôi dưỡng nửa bán cầu não. Nếu không thông được mạch này, khả năng sẽ khó qua khỏi”, bác sĩ Dũng cho hay.
Cũng theo bác sĩ Dũng, từ khi đến bệnh viện cho đến khi được can thiệp lấy huyết khối cơ học, tái thông mạch máu não chỉ trong vòng 60 phút. Sau khi lấy huyết khối, bệnh nhân hồi phục rất tốt.
Trước đột quỵ, bệnh nhân này có bệnh tim mạch, dùng thuốc chống đông máu, nhưng đã tự ý dừng thuốc do thấy bệnh ổn định. Bác sĩ Dũng lưu ý, sau đột quỵ, người bệnh cần tuân thủ điều trị theo đơn của bác sĩ để ngăn ngừa nguy cơ tái đột quỵ.
Trung tâm của ông Dũng cũng tiếp nhận một ca đột quỵ là bệnh nhân nữ 42 tuổi. Khi ở nhà, người này dậy sớm để đi chợ thì đột ngột yếu chi, méo miệng, nói khó và được chẩn đoán đột quỵ, có nguyên nhân là huyết áp cao. Trường hợp khác là một nam bệnh nhân trẻ ở Hà Nội, bị đột quỵ khi đang chơi cầu lông.
Bác sĩ Dũng lưu ý: “Đột quỵ ở người dưới 45 tuổi trung tâm gặp tương đối nhiều. Nhưng gần đây, ngày 21.3, chúng tôi bất ngờ khi 5/6 ca đột quỵ là bệnh nhân dưới 45 tuổi. Cộng đồng cho rằng đột quỵ ít gặp ở người trẻ và họ cũng chủ quan. Tuy nhiên, người trẻ cần nhận biết các triệu chứng đột quỵ để đến bệnh viện càng sớm càng tốt”.
Trước thực tế vẫn có các ca đột quỵ nhập viện muộn và tái đột quỵ, bác sĩ Dũng chia sẻ: triệu chứng thường gặp ở người bị đột quỵ là méo miệng (đột ngột méo miệng một bên); bệnh nhân nói khó, nói ngọng, tay chân đột nhiên yếu, liệt.
Khi xuất hiện các triệu chứng này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Để kịp giờ vàng, bác sĩ sẽ tái tưới máu sớm nhất, sau đó đánh giá xét nghiệm và điều trị.
Sau điều trị đột quỵ, người bệnh cần dùng thuốc theo đơn của bác sĩ để tránh nguy cơ tái phát, tuyệt đối không tự bỏ thuốc.