(TN&MT) – Ngày 12/4, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân đã chủ trì cuộc họp về tình hình triển khai lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển Quốc gia.
Tham dự cuộc họp có ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Bộ; Vụ Pháp chế; Viện Chiến lược Chính sách Tài nguyên Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.
Báo cáo tại cuộc họp ông Nguyễn Đức Toàn – Cục trưởng Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho biết, thực hiện Quyết định số 48/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình công tác năm 2023, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đã gấp rút, tích cực cập nhật, hoàn thiện hồ sơ quy hoạch trên cơ sở góp ý kiến góp ý kiến của Uỷ ban Trung ương Mật trận Tổ quốc Việt Nam; 19/20 bộ, cơ quan ngang Bộ và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biển.
Đồng thời Cục cũng đã cập nhật, bổ sung và chỉnh lý hồ sơ quy hoạch theo Nghị quyết số 81/2023/QH15 của Quốc hội về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; Quyết định số 892/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 26/7/2022 phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển đến năm 2030…
Theo ông Nguyễn Đức Toàn, Quy hoạch vùng bờ được xây dựng phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế biển, bảo vệ môi trường, các hệ sinh thái biển, hải đảo gắn với bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, hải đảo.
Cơ sở thực tiễn để lập quy hoạch bao gồm các thông tin, dữ liệu, kết quả phân tích, đánh giá về đặc điểm tự nhiên, kinh tế – xã hội, tài nguyên, môi trường; nhu cầu khai thác, sử dụng tài nguyên; công tác quản lý tài nguyên, môi trường; các yếu tố tác động bao gồm biến đổi khí hậu, nước biển dâng và bối cảnh Biển Đông; kinh nghiệm quốc tế về quy hoạch, phân vùng biển và vùng bờ.
Cụ thể việc lập Quy hoạch dựa trên cơ sở xây dựng Quy hoạch vùng bờ tham khảo hướng dẫn của IOC/UNESCO và của PEMSEA về cách tiếp cận và phương pháp lập quy hoạch, cũng như kinh nghiệm quốc tế về xây dựng và triển khai quy hoạch vùng bờ của Mỹ, Anh, Đức, Đan Mạch, Na Uy, Úc, Trung Quốc và một số nước trong ASEAN.
Cùng với đó là xây dựng hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh với bảo tồn các giá trị tự nhiên, sinh thái, đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và phát huy các giá trị văn hóa, xã hội, kỳ quan thiên nhiên, là tư tưởng xuyên suốt quy hoạch. Quy hoạch vùng bờ dựa trên tiếp cận hệ thống, tiếp cận quản lý dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế – xã hội, hệ sinh thái, tiếp cận thích ứng, tiếp cận đa tỷ lệ phù hợp với mức độ chi tiết dữ liệu có được; tiếp cận liên ngành – liên vùng…
Cụ thể hóa các mục tiêu, nội dung và giải pháp chính của Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, phù hợp với các chủ trương, định hướng của Đảng, quy hoạch quốc gia có liên quan và Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Khai thác và sử dụng hiệu quả, bền vững tài nguyên vùng bờ trong khả năng chống chịu, phục hồi của hệ sinh thái và chịu tải của môi trường để thúc đẩy phát triển các ngành kinh tế biển theo hướng xanh, tuần hoàn, hiện đại, tạo động lực phát triển kinh tế đất nước, góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh và an toàn.
Bảo đảm hài hòa giữa phát triển kinh tế – xã hội với bảo vệ môi trường, bảo tồn, phục hồi đa dạng sinh học và gìn giữ giá trị, phát huy truyền thống lịch sử, bản sắc văn hóa biển; chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
Tăng cường năng lực quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ; bảo đảm quyền tiếp cận, tham gia, hưởng lợi và trách nhiệm của người dân với biển.
Nâng cao hiệu quả hợp tác quốc tế, ưu tiên thu hút các nhà đầu tư chiến lược hàng đầu thế giới có công nghệ nguồn, trình độ quản lý tiên tiến trên nguyên tắc bình đẳng, cùng có lợi, tôn trọng độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam…
Phát biểu tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu Cục Biển và Hải đảo Việt Nam cần nêu rõ các mục tiêu, quan điểm trong việc xây dựng Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển Quốc gia.
Thứ trưởng Lê Minh Ngân đề nghị Cục Biển và Hải đảo Việt Nam phối hợp với Văn phòng Bộ, Vụ Pháp chế, Viện Chiến lược, Chính sách Tài nguyên Môi trường, đơn vị tư vấn… đẩy nhanh hơn nữa tiến độ lập Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Quy hoạch không gian biển Quốc gia, đồng thời sớm có báo cáo lên lãnh đạo Bộ xem xét, chỉ đạo kịp thời vấn đề này.
Bên cạnh đó, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam và đơn vị tư vấn cũng cần xem xét, nghiên cứu khái niệm mặt nước ven biển phù hợp đối với Luật đất đai làm cơ sở để các địa phương, tỉnh thành có biển dễ hơn trong việc quản lý, cũng như tạo điều kiện thuận lợi cho người dân ven biển phát triển kinh tế.
Cũng tại cuộc họp Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân chỉ đạo Cục Biển và Hải đảo Việt Nam sớm có các văn bản gửi các Bộ ngành liên quan và một số tỉnh, thành phố ven biển có tên trong Danh sách Hội đồng thẩm định quy hoạch để xin ý kiến về Hồ sơ quy hoạch.