Trong cuộc làm việc với Đoàn khảo sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn kiến nghị đẩy nhanh công tác quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2035, để đáp ứng yêu cầu phát triển của di sản.
Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2008 – 2020 đã hết thời gian thực hiện. Quy hoạch bảo tồn và phát huy giá trị Khu di tích Mỹ Sơn giai đoạn 2021 – 2030, định hướng đến năm 2035 đang trong quá trình xây dựng. Thông báo số 135/TB-VPCP ngày 6.5.2022 về kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam có nội dung giao UBND tỉnh Quảng Nam chủ động xây dựng các đề án để bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới đô thị cổ Hội An và khu đền tháp Mỹ Sơn theo hình thức xã hội hóa. Tuy nhiên, khi được giao thực hiện nhiệm vụ này với khu đền tháp Mỹ Sơn, “chúng tôi không biết phải làm theo hướng nào”, Giám đốc Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn Phan Hộ chia sẻ với Đoàn khảo sát.
Lý do là bởi chưa có quy hoạch mới. Ông Phan Hộ giải thích, quy hoạch giai đoạn trước nghiêng về công tác bảo tồn di sản, muốn xây dựng các sản phẩm du lịch, dịch vụ để phát huy giá trị di sản cũng không được. Vì thế, quy hoạch mới được xây dựng theo hướng mở rộng không gian di sản ra vùng lân cận, từ đó mới có thể “xây dựng hạ tầng, phát triển du lịch, hướng ra cộng đồng và đáp ứng yêu cầu phát triển của di sản”.
Các hạng mục phân khu trong đề án quy hoạch mới sẽ xác định cụ thể các khu vực cần đầu tư phát triển dịch vụ, vùng bảo vệ nghiêm ngặt. Quy hoạch sẽ cho phép tư nhân, công ty, doanh nghiệp được tham gia cùng với nhà nước đầu tư phát triển dịch vụ theo hình thức hợp tác công tư.
“Vì vậy, khâu đột phá đối với di sản văn hóa Mỹ Sơn hiện nay là công tác quy hoạch. Khi chưa có quy hoạch thì không thực hiện được đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản thế giới Mỹ Sơn theo hình thức xã hội hóa, còn khi đã có quy hoạch không cần thiết phải xây dựng đề án xã hội hóa, vì có thể tổ chức thực hiện hợp tác công – tư để phát triển”, ông Phan Hộ nói.
Khu di tích Mỹ Sơn thuộc xã Duy Phú, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam, được UNESCO chính thức công nhận là Di sản thế giới năm 1999, là quần thể kiến trúc nổi tiếng nhất của người Chăm ở Việt Nam, được xây dựng từ cuối thế kỷ IV – XIII. Sau bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, sự tàn phá của chiến tranh, thời tiết, từ những di tích kiến trúc có nguy cơ sụp đổ, trở thành phế tích, đến nay đến nay Mỹ Sơn đã chuyển sang giai đoạn ổn định, nhiều công trình nghiên cứu và dự án được thực hiện đã giúp cho di tích được phục hồi có kết cấu kiến trúc bền vững.
Nguồn thu tại Mỹ Sơn được thực hiện theo Quyết định số 632/QĐ-UBND ngày 1.3.2017 của UBND tỉnh Quảng Nam về quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan công trình văn hóa, bảo tàng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam; quy định mức thu: 40.000 đồng/công trình văn hóa. Việc sử dụng nguồn thu từ phí tham quan được nộp vào ngân sách Nhà nước 50%, để lại 50% cho công tác quản lý di sản. Ban Quản lý di sản văn hóa Mỹ Sơn kiến nghị để lại toàn bộ phí tham quan phục vụ công tác trùng tu, bảo tồn di tích…
Đoàn khảo sát ghi nhận những kết quả mà Mỹ Sơn đã đạt được thời gian qua, đặc biệt trong tăng cường hợp tác quốc tế để phục hồi, tôn tạo, phát huy giá trị của di sản thế giới này. Hợp tác quốc tế không chỉ có nguồn lực mà còn có thêm kinh nghiệm trong thực hiện nhiệm vụ này.
Khẳng định giá trị về lịch sử, kiến trúc, văn hóa, khảo cổ học… của khu di tích Mỹ Sơn, song Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Phan Viết Lượng – Trưởng đoàn khảo sát cũng cho rằng, thách thức đối với di sản này rất lớn, về năng lực nghiên cứu, tu bổ, nguồn lực, trong bối cảnh yêu cầu về quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị đã khác giai đoạn trước. Trước mặt, đề nghị Ban quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn tích cực tham gia quá trình xây dựng quy hoạch di sản Mỹ Sơn giai đoạn mới; tham mưu cho tỉnh Quảng Nam xây dựng quy chế bảo tồn, phát huy giá trị di sản; ưu tiên thực hiện và sớm hoàn thành cắm mốc khoanh vùng để làm tốt công tác quản lý. Bên cạnh đó, tham mưu để thu đúng, thu đủ, sử dụng hiệu quả nguồn thu phục vụ bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa Mỹ Sơn…
Nguồn: https://daibieunhandan.vn/day-nhanh-quy-hoach-di-san-van-hoa-my-son-giai-doan-moi-post334941.html