Chương trình OCOP đã thúc đẩy phát triển các sản phẩm đặc trưng, truyền thống, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương thông qua các sản phẩm chất lượng, đúng quy chuẩn. Ông Nguyễn Văn Quân, Phó giám đốc Sở NN&PTNT, cho biết: “Hiện nay đơn vị đang tham mưu UBND tỉnh phân công sở, ngành, đơn vị cấp tỉnh phụ trách địa bàn huyện thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ nâng hạng sản phẩm OCOP và hỗ trợ sản phẩm tiềm năng có khả năng đạt 4 sao trở lên trong năm 2023. Ðồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, hỗ trợ các cơ sở sản xuất nâng tầm những sản phẩm đạt chuẩn OCOP”.
Theo ông Nguyễn Bá Thuấn, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh, thời gian qua, việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn đã thu hút nhiều cơ sở, HTX và doanh nghiệp tham gia. Hầu hết các sản phẩm đều mang tính đặc trưng riêng của từng vùng, từng địa phương, được đông đảo người tiêu dùng ưa chuộng, có khả năng cạnh tranh trên thị trường cao và phát triển tốt, như: bánh phồng tôm, tôm khô, tôm chà bông, gạo hữu cơ, dưa bồn bồn, cua biển Năm Căn, ba khía…
Ông Thuấn nhận định: “Nếu trước đây mạnh ai nấy làm, mỗi người một kiểu thì nay nhiều doanh nghiệp, HTX đã xây dựng vùng nguyên liệu để chủ động nguồn nguyên liệu, vì thế đầu ra các sản phẩm nông nghiệp cũng ổn định và bảo đảm cuộc sống tốt hơn cho nông dân”.
Chả tôm sinh thái, sản phẩm OCOP của HTX Tài Thịnh Phát Farm (ấp Lung Ðước, xã Tam Giang, huyện Năm Căn) đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Bà Mai Thị Thuỳ Trang, Giám đốc HTX, cho biết: “Sau khi được công nhận sản phẩm OCOP, HTX đã nâng cấp, mở rộng nhà xưởng với diện tích 250 m2, tăng số lượng lao động từ 10 người lên 20 người. HTX được cấp giấy chứng nhận HACCP, đã có chứng nhận hữu cơ cho sản phẩm tôm sú với diện tích 50 ha. Hiện nay, HTX đang tích cực tham gia nhiều hoạt động quảng bá sản phẩm tại các hội chợ trong và ngoài tỉnh. Qua đó, sản phẩm được bày bán tại các siêu thị lớn, doanh thu tăng bình quân 38%/năm”.
Công đoạn tách vỏ lấy thịt cua sinh thái của HTX Tài Thịnh Phát Farm. Ảnh: VĂN TƯỞNG |
Ông Mai Văn Sáu, Giám đốc Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Vĩnh Hoà Phát (Ấp 2, xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), cho biết, từ khi sản phẩm bánh phồng tôm được công nhận 3 sao năm 2020, công ty mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị để nâng cấp và mở rộng quy mô sản xuất. Công ty đã được cấp giấy chứng nhận HACCP, hiện nay đang được Sở Khoa học và Công nghệ hỗ trợ ISO 22000:2018; nâng cấp loại hình sản xuất từ Công ty TNHH Thương mại Dịch vụ lên thành Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu, đang tập trung sản xuất và nâng cấp bao bì sản phẩm hướng tới xuất khẩu. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh, quy mô sản xuất của công ty tăng bình quân 25%/năm, doanh thu bình quân tăng 11%/năm.
“Sản phẩm OCOP đã được quảng bá rộng rãi trên phạm vi cả nước. Khi sản phẩm được công nhận OCOP, hàng hoá đảm bảo chất lượng, có xuất xứ rõ ràng nên được khách hàng ưu tiên lựa chọn so với các sản phẩm cùng loại. Nhờ chất lượng sản phẩm được đảm bảo, công ty đã có sự tăng trưởng rất nhanh trên thị trường dù chịu không ít sự cạnh tranh”, ông Sáu cho biết thêm.
Ông Mai Văn Sáu (áo đỏ), Giám đốc Công ty XNK Vĩnh Hòa Phát, ấp 2, xã Hàng Vịnh, cho biết công ty sẽ nâng hạn sản phẩm Bánh phồng tôm lên 4 sao trong năm 2023. Ảnh: VĂN TƯỞNG
Theo kế hoạch năm 2023, tỉnh Cà Mau tổ chức Diễn đàn kết nối sản phẩm OCOP vùng ÐBSCL thường niên với chủ đề “Liên kết cùng phát triển – Cà Mau 2023”. Ông Nguyễn Văn Quân thông tin, trong chuỗi sự kiện này có hội thi dành cho các sản phẩm OCOP đạt 4 sao, 5 sao, nhưng số lượng sản phẩm OCOP của tỉnh đạt 4 sao thì chỉ có 6 sản phẩm, chưa có sản phẩm đạt 5 sao. Nhằm kịp thời hỗ trợ các chủ thể tháo gỡ khó khăn, Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan đề xuất hỗ trợ 17 chủ thể/30 sản phẩm có tiềm năng nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao và một số sản phẩm dự kiến tham gia Chương trình OCOP năm 2023 có khả năng đạt 4 sao, 5 sao. Cụ thể gồm 2 nhóm: nhóm 1 gồm 16 chủ thể/25 sản phẩm nâng hạng từ 3 sao lên 4 sao; nhóm 2 gồm 2 chủ thể/4 sản phẩm, trong đó có 1 sản phẩm/1 chủ thể (Công ty Cổ phần Landvifood) phấn đấu sản phẩm tiềm năng đạt 5 sao.
Ðể tập trung hỗ trợ các sản phẩm tiềm năng phấn đấu đạt 4 sao, 5 sao từ năm 2023 đạt chất lượng, hiệu quả, ông Nguyễn Văn Quân đề xuất: “Trên cơ sở thực trạng, giải pháp và các khó khăn, vướng mắc của các chủ thể (vùng nguyên liệu, đất đai, nhà xưởng, hạ tầng, bảo vệ môi trường, chứng nhận quản lý chất lượng, sở hữu trí tuệ, đánh giá vùng trồng, vùng nuôi….), đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Liên minh HTX và các đơn vị có liên quan khẩn trương rà soát xây dựng kế hoạch hỗ trợ cụ thể. Ðồng thời, lồng ghép các chính sách hỗ trợ các chủ thể hoàn thiện các tiêu chí đạt chuẩn theo quy định”.
Theo ông Quân, mặc dù công tác xúc tiến thương mại sản phẩm OCOP thời gian qua được các cấp, các ngành quan tâm triển khai nhưng còn manh mún, thiếu đồng bộ, dàn trải, chưa hình thành được hệ thống quảng bá, xúc tiến thương mại mang tính kết nối, chuyên sâu về sản phẩm OCOP trở thành giải pháp hỗ trợ tích cực cho các chủ thể tham gia chương trình. Do đó, Sở NN&PTNT đề xuất UBND tỉnh xem xét giao cho 1 đơn vị đầu mối để tập trung nguồn lực, nhân lực… để đẩy mạnh xúc tiến thương mại đạt chất lượng, hiệu quả hơn./.
Phan Trung Ðỉnh