Đến tham dự hội nghị có các ông, bà: Hà Văn Siêu, Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam; Cao Thị Ngọc Lan, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam; Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế; đại diện hơn 70 công ty du lịch, lữ hành trên cả nước.
Năm 2024 là năm thứ 8 ngành du lịch Thừa Thiên Huế triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Nghị quyết 08-NQ/TW, ngày 16/01/2017 của Bộ Chính trị và Nghị quyết 03-NQ/TU, ngày 08/11/2016 của Tỉnh ủy về phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn.
Bên cạnh đó, đây cũng là thời điểm tập trung triển khai hiệu quả Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 04-NQ/TU, ngày 24/5/2021 của Tỉnh ủy về xây dựng Thừa Thiên Huế xứng tầm là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của cả nước, khu vực Đông Nam Á về du lịch giai đoạn 2021-2025 và tầm nhìn đến năm 2030.
Ông Nguyễn Thanh Bình, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết, xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua chính quyền địa phương và ngành du lịch Thừa Thiên Huế đã và đang triển khai nhiều giải pháp thiết thực để hoàn thiện các sản phẩm, nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tại hội nghị được tổ chức lần này, địa phương mong muốn được nghe những trao đổi, thảo luận thẳng thắn của lãnh đạo các Tập đoàn, hiệp hội, doanh nghiệp trong lĩnh vực du lịch cũng như lắng nghe ý kiến của Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam và các chuyên gia đầu ngành để lãnh đạo tỉnh có thể đưa ra các giải pháp nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, tạo đột phá trong việc thu hút khách du lịch đến Huế, góp phần phát triển kinh tế xã hội của địa phương trong thời gian tới như kỳ vọng.
Theo ông Hà Văn Siêu, Phó Cục Trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, hội nghị này có ý nghĩa khi tỉnh Thừa Thiên Huế đang chuẩn bị đăng cai tổ chức Năm Du lịch quốc gia – Huế 2025. Thể hiện được sự vào cuộc chủ động của cộng đồng doanh nghiệp du lịch cùng chung tay với các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xúc tiến điểm đến, liên kết phát triển du lịch địa phương.
Với những tiềm năng du lịch vốn có, ông Hà Văn Siêu cho rằng, tỉnh Thừa Thiên Huế cần triển khai nhiều giải pháp hơn nữa để khẳng định vị thế du lịch. Theo đó, Hiệp hội du lịch Thừa Thiên Huế, các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn cần tập trung nghiên cứu, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, gắn với thế mạnh về bản sắc văn hóa, di sản vật thể và phi vật thể của địa phương để tạo tiền đề cho công tác xúc tiến quảng bá, liên kết phát triển sản phẩm, chương trình du lịch.
Sở Du lịch Thừa Thiên Huế cần định hướng cho các doanh nghiệp tăng cường phối hợp xúc tiến quảng bá điểm đến, xây dựng thương hiệu du lịch “Huế – Kinh đô văn hóa, di sản”. Nghiên cứu phát triển các loại hình sản phẩm du lịch mới, như du lịch nông nghiệp nông thôn, du lịch thể thao, hội nghị… Phục hồi và phát triển các đặc sản gắn với nghề truyền thống của địa phương.
Bên cạnh đó, địa phương cũng cần tăng cường quản lý điểm đến du lịch, hoàn thiện và phát huy hiệu quả các chính sách phát triển du lịch, thực hiện chuyển đổi số, ứng dụng thông minh trong lĩnh vực du lịch để khai thác hiệu quả các nguồn lực phát triển du lịch. Phát triển đa dạng các loại hình du lịch theo hướng tăng trưởng xanh như du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, khám phá, trải nghiệm các giá trị di sản tự nhiên và văn hóa, nghỉ dưỡng, chăm sóc sức khỏe, du lịch có trách nhiệm, tạo cơ hội việc làm và chia sẻ lợi ích với cộng đồng…
Ngoài ra, tỉnh Thừa Thiên Huế cũng cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng ở Trung ương, với các cơ quan đại diện ngoại giao, truyền thông, hàng không, doanh nghiệp lữ hành lớn để tuyên truyền, quảng bá hình ảnh du lịch của địa phương đến khách du lịch trong nước và quốc tế. Xây dựng những chương trình du lịch đặc sắc. Đồng thời, đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động liên kết phát triển du lịch, thúc đẩy các chương trình kích cầu du lịch nôi địa, quốc tế, có cơ chế để huy động các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh dịch vụ du lịch.
Tại phần thảo luận, hội nghị đã nhận được nhiều ý kiến đóng góp, những ý tưởng, sáng kiến của các doanh nghiệp du lịch trong cả nước. Nhiều giải pháp cụ thể đã được đề xuất để lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, lãnh đạo ngành du lịch nghiên cứu, định hướng cho các doanh nghiệp du lịch trên địa bàn hoạt động một cách có hiệu quả trong thời gian tới.
Bên lề hội nghị, trong hai ngày từ 18-19/9, hơn 70 doanh nghiệp lữ hành, hội lữ hành trong cả nước đã có chương trình famtrip tham quan, khảo sát, đánh giá các tour tuyến, điểm du lịch tại Thừa Thiên Huế như: Điện Kiến Trung, trải nghiệm thực tế ảo IV COM, trải nghiệm phi thuyền VR, trải nghiệm ẩm thực Huế; trải nghiệm văn hóa – con người đồng bào A Lưới…
Trong 8 tháng đầu năm 2024, lượng khách đến Huế ước đạt 2.739.496 lượt (Trong đó khách quốc tế ước đạt 931.801 lượt, khách nội địa ước đạt 1.807.695 lượt). Khách lưu trú ước đạt 1.397.040 lượt). Doanh thu từ du lịch ước đạt gần 6,000 tỷ đồng.
Hiện nay, Top 10 thị trường dẫn đầu du khách đến Thừa Thiên Huế gồm có: Đài Loan, Thái Lan, Mỹ, Malaysia, Pháp, Anh, Úc, Đức, Tây Ban Nha, Hàn Quốc.
Nguồn: https://toquoc.vn/day-manh-xuc-tien-quang-ba-va-ket-noi-khach-du-lich-den-hue-20240919210212824.htm