Phó chủ tịch HĐND tỉnh Lê Văn Khê thăm và tặng quà cho người cao tuổi ở xã Nhơn Thạnh, TP. Bến Tre. Ảnh: Trần Quốc.
Chi trả không dùng tiền mặt còn khó khăn
Theo Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đoàn Thị Phúc, việc chi trả chính sách trợ giúp xã hội hàng tháng được thực hiện thông qua hệ thống Bưu điện (đại diện chi trả) từ năm 2017 và chi trả chính sách ưu đãi cho người có công từ năm 2021 đến nay. Việc chi trả chính sách an sinh xã hội (ASXH) được thực hiện thông qua hệ thống bưu điện đã tạo điều kiện thuận lợi cho đối tượng thụ hưởng được nhận trợ cấp xã hội nhanh chóng, kịp thời và hạn chế việc chậm nhận, sai sót xảy ra.
Hiện nay, cơ sở dữ liệu về ASXH của ngành đã được triển khai, kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, tạo điều kiện thuận lợi trong việc quản lý các nhóm đối tượng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với hệ thống Bưu điện, các huyện, thành phố tiến hành cập nhật, xác định thông tin về tài khoản ban đầu của các đối tượng hưởng chính sách ASXH trên địa bàn tỉnh. Kết quả có 1.663 đối tượng bảo trợ xã hội có thẻ ngân hàng ATM (chiếm tỷ lệ 2,86%), 468 người có công với cách mạng có thẻ ngân hàng ATM (chiếm tỷ lệ 2,49%).
Kết quả rà soát, cập nhật cho thấy, người hưởng chính sách ASXH của ngành quản lý chủ yếu là người có công với cách mạng (lớn tuổi), trẻ em mồ côi, người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, người cao tuổi từ đủ 80 tuổi trở lên. Nên số đối tượng đủ điều kiện, sức khoẻ đi nhận trực tiếp rất thấp mà chủ yếu thông qua người ủy quyền hoặc cán bộ bưu điện đến trực tiếp tận nhà để chi tiền trợ giúp hàng tháng.
Do đó, để triển khai thúc đẩy chuyển đổi số trong thực hiện chính sách chi trả không dùng tiền mặt (KDTM), ngành gặp không ít khó khăn như: Những người hưởng trợ cấp, chính sách ưu đãi hàng tháng đa phần là người lớn tuổi, bệnh tật gặp khó khăn trong đi lại, quên nhớ trong sử dụng mật khẩu thẻ, tài khoản ngân hàng; số tiền nhận trợ cấp hàng tháng quá ít (đa phần đối tượng hưởng mức 360 ngàn đồng/tháng). Hệ thống ngân hàng chưa lắp đặt đủ máy ATM, chủ yếu lắp đặt ở khu vực đô thị, trung tâm nên việc vận động mở thẻ đa phần người hưởng trợ cấp không đồng ý, với lý do nơi ở xa điểm rút tiền…
Giải pháp thực hiện chi trả chính sách ASXH KDTM
Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đoàn Thị Phúc cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của các bộ, ngành trung ương và UBND tỉnh, dự báo tình hình sẽ gặp không ít khó khăn khi triển khai thực hiện chi trả chính sách ASXH KDTM. Nhưng Sở Lao động – Thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bưu điện tỉnh, UBND các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch chi trả ASXH KDTM cho các đối tượng hưởng trợ giúp xã hội và người có công với cách mạng giai đoạn 2023 – 2030 trên địa bàn tỉnh và triển khai thực hiện trong tháng 6-2023. Với mục tiêu trong năm 2023 – 2025, tổ chức triển khai xây dựng mô hình thí điểm ở các phường, thị trấn và triển khai thực hiện công tác chi trả KDTM trong toàn tỉnh. Phấn đấu đến cuối năm 2025, triển khai thực hiện chi trả chính sách ASXH KDTM đối với khu vực thành thị (các phường của TP. Bến Tre và thị trấn của các huyện) đạt trên 50% và trong toàn tỉnh đạt trên 30%. Từ năm 2026 – 2030, triển khai thực hiện trong toàn tỉnh, phấn đấu đến cuối năm 2030 đạt 100% đối với đối tượng đủ điều kiện.
Để thực hiện đạt hiệu quả công tác chi trả chính sách ASXH KDTM, thời gian tới Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh, hệ thống ngân hàng, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các huyện, thành phố đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền làm thay đổi nhận thức của cán bộ, đảng viên, đối tượng, gia đình đối tượng và cộng đồng về việc chuyển đổi hình thức chi trả chính sách ASXH bằng tiền mặt sang hình thức KDTM để mọi người tham gia thực hiện. Xây dựng tài liệu hướng dẫn về quy trình chi trả KDTM cho cán bộ cấp xã, các trưởng ấp, khu phố; các thủ tục, hồ sơ chuẩn bị cho việc mở tài khoản thanh toán cho đối tượng.
Đối với nhóm đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền đã có thẻ ATM ngân hàng thì vận động đăng ký mở tài khoản ngân hàng để chi trả trợ giúp xã hội thông qua thẻ ATM phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương. Cập nhật thông tin cá nhân, số điện thoại, cung cấp số căn cước công dân để mở tài khoản…,
Đối với nhóm chưa có thẻ ATM, tổ chức rà soát, tổng hợp danh sách đối tượng đủ điều kiện vận động đối tượng, người giám hộ, người được ủy quyền thực hiện việc nhận tiền ASXH thông qua thẻ ATM để đăng ký mở tài khoản cho đối tượng hưởng chính sách ASXH, người giám hộ, người được ủy quyền, tổ chức cấp tài khoản số, tài khoản ngân hàng.
Sở Lao động – Thương binh và Xã hội phối hợp với Bưu điện tỉnh lựa chọn ngân hàng phù hợp với tình hình các địa phương tham gia xây dựng phương án chi trả, bảo đảm hạ tầng và công nghệ triển khai chi trả KDTM. Thực hiện đa dạng hóa phương thức chi trả qua tài khoản ngân hàng, đảm bảo mạng lưới chi trả tại cấp xã. Đối với các trường hợp đặc biệt như: Người già yếu, người khuyết tật không thể đi lại được, không sử dụng được điện thoại và trường hợp đặc biệt khác…, thực hiện việc chi trả thông qua tài khoản người đại diện hợp pháp theo quy định của pháp luật (được đối tượng ủy quyền).
Thường xuyên rà soát, chuẩn hoá thông tin đối tượng thực hiện cập nhật đối tượng hưởng chính sách ASXH và hệ thống phần mềm misposasoft.molisa.gov.vn của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, phần mềm của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (đối tượng tăng, giảm hằng tháng), nhằm phục vụ cho công tác quản lý, chi trả chính sách ASXH KDTM, đảm bảo đúng, đủ, kịp thời.
“Đề nghị Ngân hàng Nhà nước tỉnh chỉ đạo các ngân hàng bố trí, sắp xếp, đẩy mạnh phát triển mạng lưới cây ATM, nhất là khu vực các xã, thị trấn…, tạo điều kiện thuận lợi cho người hưởng các chế độ trợ cấp nhận qua tài khoản ATM. Hệ thống bưu điện tích cực hơn trong công tác phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương tuyên truyền, vận động người hưởng nhận từ tiền mặt sang thẻ ATM, góp phần thúc đẩy công tác chuyển đổi số đạt mục tiêu đề ra”, Phó giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Đoàn Thị Phúc đề xuất.
Trần Quốc