Ngành vận tải ô tô chiếm 60-70% tổng chi phí logistics
Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, ngành vận tải ô tô hiện chiếm 60-70% trong tổng chi phí logistics, trong khi đó chi phí logistics chiếm khoảng 20% GDP của nước ta. Việc đẩy mạnh các ứng dụng khoa học-công nghệ, nâng cao chất lượng, tối ưu hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông và hoạt động vận tải để phấn đấu giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế đang là chủ trương nhất quán của Chính phủ và ngành giao thông vận tải.
Nhận thức được tầm quan trọng đó, các doanh nghiệp hoạt động vận tải ô tô đang tích cực ứng dụng công nghệ trong nhiều khâu như: Giám sát về hành trình, ki-lô-mét xe chạy; theo dõi về tiêu thụ nhiên liệu, doanh thu trong vận tải; quản lý tiền lương lái xe; công tác bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện; giám sát hàng hóa trong quá trình vận chuyển…
Nhờ đó, hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn, thu nhập của lái xe tăng lên và giờ làm việc giảm đi, hiệu quả khai thác phương tiện tốt hơn, giảm chi phí đầu tư phương tiện, cơ sở hạ tầng giao thông, phương tiện hoạt động ít đi giúp giảm lượng khí thải. Bên cạnh đó, công nghệ còn hỗ trợ quản lý nhà nước về an toàn giao thông như: Thực hiện quy định về tốc độ tối đa cho phép phương tiện lưu thông trên đường, thời gian làm việc của lái xe…
Dịch vụ taxi của Công ty Cổ phần Di chuyển xanh và thông minh GSM hoạt động tại Hà Nội. Ảnh: MAI HÀ |
Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Đỗ Công Thủy, Phó trưởng phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam (Bộ Giao thông vận tải), việc triển khai ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải ô tô nói riêng và lĩnh vực giao thông vận tải nói chung hiện nay gặp một số khó khăn. Ðó là, các ứng dụng công nghệ thông tin mới đáp ứng được những yêu cầu nghiệp vụ đơn lẻ, thiếu tính kết nối; chưa hình thành các cơ sở dữ liệu nền tảng dùng chung và chuẩn hóa các cơ sở dữ liệu nghiệp vụ phục vụ chia sẻ dữ liệu và hỗ trợ ra quyết định.
Tình trạng ứng dụng công nghệ phục vụ công tác quản lý chuyên ngành còn nhiều hạn chế và chưa được xây dựng theo quy định trong một số văn bản quy phạm pháp luật. Nguồn nhân lực về ứng dụng công nghệ trong các đơn vị kinh doanh vận tải và tại cơ quan quản lý nhà nước còn thiếu và yếu. Đa số các ứng dụng công nghệ còn khó khăn về nguồn kinh phí đầu tư, xây dựng và duy trì, vận hành.
Xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về vận tải đường bộ
Để đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong ngành vận tải ô tô, ông Đỗ Công Thủy đề xuất, Việt Nam cần xây dựng cơ sở dữ liệu dùng chung về vận tải đường bộ, gồm: Đơn vị kinh doanh vận tải, phương tiện, loại hình kinh doanh, hiệu lực của phù hiệu, biển hiệu… bảo đảm đồng bộ, thống nhất trong toàn quốc, từng bước kết nối và liên thông dữ liệu với các hệ thống khác có liên quan.
Bên cạnh đó, các đơn vị cần cung cấp các công cụ ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý nhà nước và chuyển đổi số để theo dõi, giám sát hoạt động kinh doanh vận tải, phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm nhằm nâng cao ý thức của lái xe và doanh nghiệp trong việc thực hiện quy định về kinh doanh vận tải ô tô. Các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp cũng cần chú trọng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để nghiên cứu và sử dụng công nghệ hiệu quả.
Ông Nguyễn Văn Quyền kiến nghị, tăng cường phối hợp giữa các bên như doanh nghiệp kinh doanh vận tải, bến xe, trạm dừng nghỉ để khai thác tiềm năng, lợi thế về thương mại điện tử của ngành vận tải ô tô. Hình thành sàn giao dịch vận tải hành khách, sàn giao dịch vận tải hàng hóa nhằm tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, công bằng và minh bạch; cung cấp dịch vụ vận tải thuận tiện, an toàn và tin cậy. Việc sử dụng xe tự lái trong những phạm vi nhất định; sử dụng công nghệ hỗ trợ lái xe trong vận tải đường dài đang phát triển ở một số nước cũng là tiềm năng để các doanh nghiệp công nghệ và vận tải nghiên cứu, khai thác.
Theo các chuyên gia, các địa phương cần đẩy mạnh áp dụng giao thông thông minh để nâng cao hiệu quả của hoạt động giao thông vận tải như áp dụng giao thông thông minh vào đèn điều khiển tín hiệu giao thông ở các đô thị. Tích hợp, kết nối các tuyến vận tải khách liên tỉnh với tuyến nội tỉnh hoặc xe buýt để phục vụ việc tìm kiếm, lựa chọn hành trình đi lại hợp lý của hành khách.
Cơ quan nhà nước có dự án, đặt hàng hoặc đấu thầu để có sản phẩm là phần mềm giao thông thông minh dùng chung cho các đô thị trong cả nước; khi phần mềm hoàn thành, Nhà nước chuyển giao cho chính quyền các đô thị (nhất là các đô thị đang có kế hoạch xây dựng đô thị thông minh) sẽ tiết kiệm rất nhiều so với để từng đô thị đặt hàng gây chồng chéo, lãng phí.
Nguồn:https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/day-manh-ung-dung-cong-nghe-trong-nganh-van-tai-o-to-733736