Ðẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất lúa
Vụ Ðông Xuân 2022 – 2023, Trung tâm Khuyến nông (Sở NN&PTNT) phối hợp cùng Công ty TNHH TMDV Sài Gòn Kim Hồng (TP Hồ Chí Minh) tổ chức trình diễn mô hình sạ cụm trên cây lúa tại xã Nhơn Thọ (TX An Nhơn) và Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn). Ðây là một trong những mô hình khuyến nông mới nhằm đẩy mạnh việc cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp ở Bình Ðịnh hiện nay.
Vụ Đông Xuân 2022 – 2023, Trung tâm Khuyến nông chọn HTXNN 2 Nhơn Thọ (TX An Nhơn) và HTXNN Hoài Mỹ (TX Hoài Nhơn) triển khai thí điểm trình diễn mô hình máy sạ cụm kết hợp dùng thiết bị bay không người lái (drone) phun thuốc bảo vệ thực vật. Thực tế triển khai cho thấy nhiều kết quả khả quan, bà con nông dân phấn khởi đón nhận.
Máy sạ cụm góp phần giải quyết được vấn đề nhân công trong quá trình xuống giống đồng loạt, đặc biệt là ở các cánh đồng lớn, cánh đồng mẫu lớn và cánh đồng liên kết. Ảnh: THU DỊU |
Ông Phạm Văn Tân, Giám đốc HTXNN 2 Nhơn Thọ, phân tích: Sử dụng máy sạ cụm trong xuống giống mang lại nhiều lợi ích. Đầu tiên là giảm được gần 50% lượng giống so với sạ lan thông thường (sạ lan cần 120 kg giống/ha, sạ cụm chỉ cần 60 kg giống/ha); giảm giống đồng nghĩa với giảm chi phí đầu tư (phân, thuốc bảo vệ thực vật. Điểm dễ nhận thấy nhất của mô hình sạ cụm là giảm nhân công lao động và thời gian. Quy trình canh tác của sạ cụm cũng có những thay đổi, cụ thể là khoảng cách hàng và cụm lúa, nhờ vậy giảm được sâu bệnh hại, cây lúa sinh trưởng tốt và phát triển đều hơn. Ngay vị trí mà HTXNN 2 Nhơn Thọ chọn làm ruộng mô hình là chân ruộng nhão bùn, thử rất nhiều giống lúa đều bị ngã đổ. Năm nay, nhờ áp dụng sạ cụm, cây lúa không còn bị ngã đổ nữa, năng suất rất ổn định.
Theo tính toán của HTXNN 2 Nhơn Thọ, mỗi năm HTX có khoảng 200 ha liên kết sản xuất lúa giống, với đặc thù sử dụng cùng loại giống, cùng ngày xuống giống, cần rất nhiều nhân công để đáp ứng khối lượng công việc. Hiện nay, lực lượng lao động nông nghiệp chủ yếu là người lớn tuổi, do vậy khi ứng dụng kỹ thuật, công nghệ mới kết hợp với máy móc sẽ giúp ích rất nhiều cho bà con.
Diễn biến phát triển của cây lúa trong mô hình sạ cụm cho thấy sâu bệnh hại giảm rõ rệt. Ảnh: NGUYỄN CƯỜNG |
Sau vụ Đông Xuân vừa qua, được xem trực tiếp tại đồng ruộng, nhiều thành viên HTX mạnh dạn đăng ký thực hiện trong vụ Thu tới đây. Ông Nguyễn Đình A, tham gia mô hình ở HTXNN 2 Nhơn Thọ, cho biết: Lúc mới sạ thấy cụm thưa, tôi e là lúa sẽ không tốt. Nhưng nay thực tế thu hoạch cho thấy năng suất cao hơn, chân ruộng này chưa khi nào lúa chín mà đứng được cả, vậy mà với cách làm mới lúa chín đẹp, đứng thẳng! Vụ tới, tôi sẽ đăng ký tiếp tục sạ cụm để đánh giá cả 2 vụ so với làm theo cách cũ xem cái nào tốt hơn.
Tương tự, theo đánh giá của HTXNN Hoài Mỹ, diện tích trong mô hình trình diễn bằng máy sạ cụm cho năng suất cao.
Ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông, cho biết, máy sạ cụm là mô hình kỹ thuật mới, lần đầu áp dụng nên khi vận động người dân thực hiện có gặp đôi chút khó khăn. Bởi bà con đã quen với tập quán sạ lúa theo kiểu cũ (sạ lan). Hơn nữa, diện tích ruộng ở tỉnh Bình Định manh mún, nhỏ lẻ nên việc áp dụng máy móc, cơ giới hóa vào sản xuất không dễ. Những năm qua, Trung tâm đã từng bước đưa máy móc vào canh tác như sử dụng máy trong thu hoạch lúa, máy cuốn rơm và bây giờ máy sạ cụm kết hợp drone trong phun thuốc bảo vệ thực vật. Trung tâm đi từ mô hình trình diễn, lấy đây làm mẫu để bà con thực chứng, học hỏi và vận dụng vào điều kiện cụ thể của mình, hướng đến đẩy mạnh cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp; đồng thời góp phần giải bài toán nhân lực cho sản xuất nông nghiệp đang thiếu trầm trọng ở khu vực nông thôn hiện nay. Từ kết quả vụ Đông Xuân, vụ Hè Thu năm nay, Trung tâm tiếp tục cùng các HTX nhân rộng mô hình này nhằm đáp ứng tốt hơn mục tiêu ứng dụng cơ giới hóa toàn diện vào sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
THU DỊU