Nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình, UBND thành phố Hồ Chí Minh vừa ban hành Kế hoạch 6418/KH-UBND về tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực và Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn thành phố đến năm 2030.
Kế hoạch nhằm xác định cụ thể nội dung công việc, thời gian thực hiện, trách nhiệm và cơ chế phối hợp của các cơ quan, đơn vị trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030, bảo đảm kịp thời, đồng bộ, thống nhất, hiệu lực, hiệu quả. Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và Nhân dân trong việc triển khai, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh; qua đó đảm bảo thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu được giao tại các đề án, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện công tác gia đình trên địa bàn Thành phố.
Theo Kế hoạch, giai đoạn từ nay đến năm 2025: Đổi mới về nội dung, hình thức và nâng cao chất lượng hoạt động tuyên truyền. Đẩy mạnh truyền thông, giáo dục trên các phương tiện thông tin đại chúng và hệ thống thông tin cơ sở; ứng dụng khai thác những lợi thế của công nghệ thông tin và các loại hình truyền thông trên nền tảng số. Nội dung truyền thông, giáo dục chú trọng về pháp luật, chính sách về gia đình nhằm nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật, nhận thức, chuyển đổi hành vi về phòng, chống bạo lực gia đình, về vị trí, vai trò của gia đình và công tác xây dựng gia đình trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; thực hiện Bộ tiêu chí xây dựng gia đình trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh tạo nền tảng xây dựng xã hội hạnh phúc và động lực cho sự phát triển bền vững Thành phố góp phần “xây dựng gia đình no ấm, tiến bộ, hạnh phúc, văn minh”.
Giai đoạn 2025 – 2030: Trên cơ sở kết quả việc triển khai thực hiện Kế hoạch đến năm 2025, tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm và điều chỉnh bổ sung Kế hoạch (nếu cần thiết). Tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động tuyên truyền; tập trung khai thác, phát triển những lợi thế của công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số. Tăng cường truyền thông, giáo dục và tư vấn nâng cao kiến thức và kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc đến các nhóm đối tượng. Huy động mọi nguồn lực, triển khai mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ các hoạt động truyền thông ở các cấp, các ngành.
Để thực hiện được các mục tiêu trên đây, Kế hoạch đã đề ra 07 nhiệm vụ và giải pháp cụ thể, đó là:
Thứ nhất, tăng cường cung cấp thông tin, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách và kết quả thực hiện công tác gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân. Tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền phù hợp cho các nhóm đối tượng theo định kỳ và vào các đợt cao điểm hằng năm.
Thứ hai, đổi mới về hình thức và phương tiện truyền thông, đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số, đa dạng hóa các loại hình, sản phẩm trong công tác truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình. Cụ thể là tổ chức các hoạt động truyền thông về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình với các hình thức phong phú, đa dạng, phù hợp với từng nhóm đối tượng, địa bàn dân cư; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, tuyên truyền trên không gian mạng Internet thông qua Cổng/Trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương; trên mạng xã hội (Youtube, Zalo, Facebook…). Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi giao lưu, tọa đàm trên các kênh truyền hình, phát thanh với sự tham gia của các nhà quản lý và các chuyên gia về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Thực hiện các sản phẩm truyền thông về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trên Đài Truyền hình Thành phố, Đài Tiếng nói Nhân dân Thành phố, Đài truyền thanh cấp huyện, hệ thống phát thanh cấp xã…
Thứ ba, đẩy mạnh xã hội hóa công tác truyền thông, huy động nguồn lực, phương tiện và sự tham gia, hưởng ứng của cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người dân, đặc biệt là các nhà lãnh đạo, quản lý, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, những người có uy tín và ảnh hưởng lớn trong xã hội.
Thứ tư, mở rộng và đẩy mạnh công tác giáo dục về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc trong gia đình, nhà trường, cộng đồng và thúc đẩy sự tham gia của trẻ em. Cụ thể: Nghiên cứu đưa nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị, quản lý nhà nước, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ nhằm nâng cao nhận thức cho đội ngũ lãnh đạo, quản lý và cán bộ, công chức, viên chức của Thành phố; Nghiên cứu đưa nội dung về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc vào các bài giảng trong các trường học, đặc biệt ở cấp trung học phổ thông, trung học cơ sở và tiểu học; Tổ chức các hoạt động ngoại khóa định kỳ, sinh hoạt dưới cờ, sinh hoạt chính trị có lồng ghép các nội dung tuyên truyền về phòng, chống bạo lực gia đình; xây dựng gia đình hạnh phúc bằng các hình thức phong phú, hấp dẫn, phù hợp với từng lứa tuổi (trẻ em, học sinh, sinh viên); Xây dựng và triển khai các mô hình giáo dục kiến thức, kỹ năng về sức khỏe giới tính, kiến thức tiền hôn nhân… cho đối tượng thanh, thiếu niên nhất là nam giới nhằm thu hút nam giới tham gia thúc đẩy phòng, chống bạo lực gia đình, thực hiện bình đẳng giới.
Thứ năm, hoàn thiện phương thức đánh giá sự hài lòng hạnh phúc áp dụng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (Xây dựng tài liệu hướng dẫn và tổ chức tập huấn nghiệp vụ triển khai thực hiện phương thức đánh giá sự hài lòng hạnh phúc tại địa bàn thí điểm và sau đó mở rộng trên toàn địa bàn Thành phố; Triển khai chuỗi hoạt động truyền thông thực hiện phương thức đánh giá sự hài lòng hạnh phúc; Tổ chức thực hiện; tổng hợp, đánh giá, báo cáo kết quả thực hiện phương thức đánh giá sự hài lòng hạnh phúc; Hoàn thiện phương thức đánh giá sự hài lòng về hạnh phúc trình cấp có thẩm quyền ban hành chính thức và áp dụng trên toàn địa bàn Thành phố).
Thứ sáu, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình, đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên; người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình (Tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình; báo cáo viên, tuyên truyền viên về công tác gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; thành viên các mô hình phòng, chống bạo lực gia đình; cộng tác viên dân số kiêm công tác gia đình và trẻ em…; Tổ chức bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng phòng, chống bạo lực gia đình cho người tham gia phòng, chống bạo lực gia đình tại cơ sở khác tham gia trợ giúp phòng, chống bạo lực gia đình).
Thứ 7, tăng cường kiểm tra, giám sát công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình và Bộ tiêu chí xây dựng gia đình hạnh phúc trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030; nhân rộng các mô hình truyền thông có hiệu quả (Các đơn vị, địa phương đưa nội dung thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật và công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình trong chương trình, kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát chuyên ngành, liên ngành và thanh tra, kiểm tra hành chính, công vụ; Phối hợp triển khai thực hiện các cuộc khảo sát, điều tra, đánh giá về gia đình và phòng, chống bạo lực gia đình; Tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện kế hoạch, khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; các mô hình hiệu quả, cách làm sáng tạo).
Nguồn: https://bvhttdl.gov.vn/tphcm-day-manh-tuyen-truyen-pho-bien-phap-luat-ve-gia-dinh-phong-chong-bao-luc-gia-dinh-va-bo-tieu-chi-xay-dung-gia-dinh-hanh-phuc-den-nam-2030-20241022153811285.htm