Các sản phẩm OCOP của tỉnh được ngành chức năng hỗ trợ bán tại các cửa hàng.
Tỉnh lồng ghép việc thực hiện cuộc vận động với các phong trào thi đua yêu nước, các hoạt động cao điểm của Ban Dân vận, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị – xã hội; tăng cường thông tin, tuyên truyền trên các website, mạng xã hội… để vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân tích cực hưởng ứng cuộc vận động.
Địa phương đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm hàng hóa Việt, đưa hàng Việt vào các hội chợ dịp lễ, hội, các phiên hàng Việt về nông thôn; kết nối cung cầu tiêu thụ, trưng bày, giới thiệu sản phẩm đặc trưng, sản phẩm thuộc Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), hàng thủ công mỹ nghệ… đồng thời, quảng bá các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trong nước có sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được người tiêu dùng ưa thích. Ngành chức năng cũng thực hiện các chính sách bảo vệ thị trường phân phối hàng hóa trong nước; xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; vận động các siêu thị, trung tâm thương mại tổ chức các chương trình khuyến mại, tri ân khách hàng để thu hút người tiêu dùng ưu tiên sử dụng hàng hóa nội địa.
Tỉnh cũng tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, thương mại điện tử vào quản lý, giới thiệu, quảng bá và bán sản phẩm hàng hóa trên môi trường mạng; hướng dẫn các cơ sở, doanh nghiệp tham gia xây dựng, cập nhật gian hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử.
Cùng với đó, ngành chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát hàng hóa không rõ nguồn gốc, phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo an toàn thực phẩm và những hành vi gian lận thương mại; thông tin các trường hợp vi phạm, phân phối hàng giả, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, hàng không bảo đảm an toàn,… để người tiêu dùng biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ.
Ông Kiên Banh, Phó Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Trà Vinh, Phó trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” tỉnh cho biết, thời gian qua, thông qua Cuộc vận động, nhận thức của các ngành, các cấp, địa phương trong tỉnh có nhiều chuyển biến. Bên cạnh đó, ý thức sử dụng hàng Việt của người dân được nâng lên, người tiêu dùng có cơ hội tìm hiểu, nhận biết các mặt hàng sản xuất trong nước, quan tâm hơn đến các sản phẩm OCOP.
Đến cuối tháng 6/2023, tỉnh Trà Vinh có 184 sản phầm OCOP của 118 chủ thể là các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh; trong đó, có 03 sản phẩm đạt hạng 5 sao, 38 sản phẩm đạt 4 sao. Hiện trên địa bàn có 06 cửa hàng giới thiệu và kinh doanh sản phẩm OCOP.
|
Từ đầu năm đến nay, tỉnh đã tổ chức 02 phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, thu hút hơn 5.000 lượt khách tham quan, mua sắm/phiên; tạo điều kiện doanh nghiệp tham gia 04 cuộc hội chợ ngoài tỉnh. Ngoài ra, ngành chức năng cũng vận động doanh nghiệp dự trữ hàng hóa đảm bảo nguồn cung các mặt hàng thiết yếu phục vụ người dân địa phương dịp tết Nguyên đán với giá bình ổn…
Bài, ảnh: THANH HÒA