Ðẩy mạnh nhân rộng cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết
Ðến nay, toàn tỉnh đã có 204 cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng liên kết sản xuất lúa và cây trồng cạn ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ vào sản xuất, góp phần tăng năng suất và sản lượng cho cây trồng; giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận và nâng cao yếu tố sản xuất an toàn.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT), bắt đầu thực hiện từ năm 2012, đến nay chương trình cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã đem lại những kết quả tích cực: Chuyển giao nhanh tiến bộ KHKT đến nông dân trên diện rộng; tập hợp những diện tích sản xuất nhỏ thành cánh đồng lớn để có điều kiện tham gia hình thành các chuỗi liên kết với DN trong sản xuất lúa, các loại cây trồng cạn…, đem lại hiệu quả cao, phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngành nông nghiệp của tỉnh.
Đến nay, các địa phương đã xây dựng được 204 CĐML/7.748 ha, trong đó có 196 CĐML/7.396 ha trồng lúa và 8 CĐML/352 ha trồng đậu phụng. Tại vụ Đông Xuân 2022 – 2023, năng suất bình quân của CĐML sản xuất lúa đạt 72,5 tạ/ha, cao hơn diện tích canh tác thông thường 5 tạ/ha; cây đậu phụng là 42 tạ/ha, cao hơn ngoài mô hình 3 tạ/ha; thu nhập tăng lên từ 4 – 23 triệu đồng/ha.
Cánh đồng mẫu lớn thúc đẩy ứng dụng tiến bộ KHKT, công nghệ giúp tăng năng suất cho bà con nông dân. Ảnh: THU DỊU |
Theo ông Đoàn Thành Chung, Giám đốc HTXNN 1 Nhơn Lộc (xã Nhơn Lộc, TX An Nhơn), khi thực hiện CĐML, các thành viên HTX cùng sử dụng một bộ giống tốt, được hướng dẫn kỹ thuật thâm canh cây lúa, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hợp lý, góp phần nâng cao trình độ trong canh tác lúa, giảm ô nhiễm môi trường, nguồn nước, giảm tích tụ hóa chất độc hại trong nông sản phẩm, giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, bảo vệ môi trường, sức khỏe cộng đồng; tăng thu nhập lên từ 20 – 30% so với sản xuất bình thường. Lợi ích thấy rõ như thế nên HTX tiếp tục duy trì chuỗi liên kết sản xuất giống lúa thuần VNR20 với Tổng công ty Tập đoàn Giống cây trồng Trung ương (Vinaseed).
Tương tự, ông Nguyễn Đình A, thành viên HTXNN Nhơn Thọ 2 (xã Nhơn Thọ, TX An Nhơn) tâm đắc, việc áp dụng cùng một bộ giống, một quy trình sản xuất giúp nông dân tiết kiệm được nhiều chi phí đầu vào, tăng lợi nhuận. Đó là hiệu quả thấy rõ của việc tham gia mô hình sản xuất liên kết trong CĐML.
Ông Phan Văn Khiêm, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tuy Phước cho hay, với vùng lúa Tuy Phước việc triển khai mô hình CĐML góp phần giúp nông dân tăng thu nhập. Từ việc triển khai CĐML, Tuy Phước có 7 HTX tham gia vào dự án liên kết sản xuất lúa giống của cả tỉnh.
Việc triển khai mô hình CĐML là một chủ trương phù hợp trong bối cảnh sản xuất nông nghiệp nhiều biến động hiện nay. Mô hình liên kết sản xuất lúa giống tạo điều kiện tốt để nông dân tiếp nhận và áp dụng nhiều tiến bộ KHKT. Ông Lê Hoài Lam, Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật phân tích, thực hiện mô hình CĐML còn giúp triển khai thực hiện đồng loạt nhiều việc, đồng bộ trên một diện tích lớn, không chỉ tiết kiệm chi phí đầu tư mà còn giảm chênh lệch về kỹ thuật, năng suất giữa các hộ nông dân, các vùng sản xuất; giúp nông dân quen dần với cách thức làm việc nhóm từ gieo sạ, chăm sóc đến thu hoạch trên toàn vùng; tăng lợi nhuận do năng suất, chất lượng tăng.
Tuy nhiên, hiện nay mới có các CĐML trong sản xuất lúa. Diện tích CĐML sản xuất cây trồng cạn được nhân rộng chậm, chưa gắn kết được với việc thực hiện các chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng cạn trên đất lúa của tỉnh. Cùng với đó, số lượng DN tham gia liên kết quá ít nên khó có điều kiện xây dựng các CĐML, do vậy chưa hình thành được nhiều chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm; mối liên kết giữa nông dân, HTXNN với DN chưa chặt chẽ.
Theo ông Trần Văn Phúc, Giám đốc Sở NN&PTNT, trong năm 2023, Sở xúc tiến kêu gọi các DN tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm với HTXNN và nông dân, hình thành nên các CĐML, cánh đồng liên kết. Phía ngành nông nghiệp tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư, trang bị và chuyển giao KHKT, công nghệ cho nông dân, nâng cao vai trò của các HTX trong chuỗi liên kết để thúc đẩy sự phát triển.
THU DỊU