Ngày 12/7, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng 2024 tại cuộc họp Nội các của nước này.
Sách trắng Quốc phòng 2024 của Nhật Bản. (Nguồn: NHK News) |
Sách trắng dành một phần đáng kể để nhìn lại chặng đường phát triển của Lực lượng phòng vệ Nhật Bản, khi được ban hành đúng dịp kỷ niệm 70 năm thành lập lực lượng này (1/7/1954-1/7/2024).
Nổi bật trong chặng đường này là việc Tokyo công bố Chiến lược An ninh quốc gia mới cuối năm 2022, bổ sung “năng lực phản công”, cho phép Lực lượng phòng vệ tổ chức phản công vào các địa điểm phóng tên lửa của đối phương.
Dự kiến tháng 3/3025, Lực lượng phòng vệ Nhật Bản sẽ thành lập một đơn vị mới là Bộ Tư lệnh tác chiến liên hợp, đóng vai trò là cơ quan thường trực và chỉ huy tập trung các Lực lượng phòng vệ trên bộ, trên biển và trên không, qua đó tăng cường sự phối hợp chỉ huy hiệp đồng giữa nước này và Mỹ, cũng như chịu trách nhiệm về các lĩnh vực tác chiến mới như an ninh mạng và không gian.
Ngoài ra, Sách trắng cũng nhắc lại sự cần thiết của việc tăng chi tiêu quốc phòng lên tương đương 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2027, nhằm cải thiện những lĩnh vực cần thiết để củng cố năng lực phòng thủ của đất nước trong tình hình mới.
Về môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, tương tự đánh giá như năm ngoái, Sách trắng năm nay tiếp tục đánh giá cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với những thách thức an ninh lớn nhất kể từ sau Thế chiến II, trong đó, loại hình chiến tranh kết hợp giữa quân sự và phi quân sự sẽ trở nên phức tạp hơn.
Đáng chú ý, tài liệu cho rằng, tình hình an ninh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và có thể diễn biến khó lường hơn, đặt ra những thách thách thức “đặc biệt rõ ràng” cho khu vực.
Các vấn đề liên quan Biển Đông tác động trực tiếp đến hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và là mối quan tâm chính đáng của không chỉ Tokyo mà còn của cộng đồng quốc tế.
Sách trắng năm nay vẫn giữ dung lượng 40 trang để đề cập hợp tác liên minh Nhật-Mỹ, trong đó đánh giá, sự hiện diện của lực lượng quân sự Mỹ tại quốc gia Đông Bắc Á này là một biện pháp răn đe và mối quan hệ đồng minh giữa hai nước là nền tảng của quốc phòng Nhật Bản.
Văn bản nêu rõ, “trong trường hợp xảy ra một cuộc tấn công vũ trang nhằm vào đất nước, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ hoạt động trong khuôn khổ huy động phòng thủ”, bao gồm các hoạt động bảo vệ không phận, các vùng biển lân cận, đất liền và đảm bảo các tuyến đường vận tải hàng hải.
Nhật Bản sẽ tập trung vào chính sách mở rộng hợp tác với Mỹ “để tận dụng tốt hơn khả năng tấn công trả đũa” và thực hiện các chiến dịch chung trong mọi lĩnh vực, bao gồm không gian, không gian mạng, tác chiến điện tử, chiến dịch không vận, thu thập thông tin, hoạt động giám sát và trinh sát, hỗ trợ hậu cần.
Đáng chú ý, Sách trắng quốc phòng năm nay của Nhật Bản tăng dung lượng từ 50 trang lên 70 trang khi mô tả quan hệ quốc phòng an ninh với 51 quốc gia, tổ chức, đồng thời khẳng định tầm quan trọng của việc đẩy mạnh hợp tác với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Bốn quốc gia được bổ sung vào danh mục các nước đang thúc đẩy hợp tác an ninh quốc phòng với Nhật Bản gồm có Latvia và Lithuania thuộc khu vực Bắc Âu và Baltic, Romania thuộc khu vực Đông Nam Âu, Maldives ở Ấn Độ Dương.
Đặc biệt, lần đầu tiên Sách trắng nêu rõ, Hàn Quốc “là quốc gia láng giềng quan trọng mà Nhật Bản cần phải tăng cường hợp tác với tư cách là một đối tác”, phản ánh những kết quả tích cực trong việc cải thiện quan hệ Nhật-Hàn trong lĩnh vực an ninh dưới thời chính quyền Tổng thống Yoon Suk Yeol.
Về Triều Tiên, Bộ Quốc phòng Nhật Bản nhấn mạnh sự cần thiết phải thận trọng trước những nỗ lực xây dựng quân đội của Bình Nhưỡng, được đánh dấu bằng việc tăng cường năng lực hạt nhân và tên lửa, bao gồm đa dạng hóa các nền tảng tên lửa và cải thiện hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát.
Trong quan hệ giao lưu, hợp tác quốc phòng với Việt Nam, Sách trắng nhấn mạnh, sau khi hai nước nâng cấp lên “Đối tác Chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và trên thế giới” vào tháng 11/2023, hai bên đã có những phát triển mạnh mẽ trong lĩnh vực quốc phòng an ninh.
Hai bên đang thúc đẩy các thủ tục hướng tới chuyển giao thiết bị và công nghệ quốc phòng cũng như thảo luận về Viện trợ An ninh chính thức (OSA) và mở rộng hơn nữa các hoạt động giao lưu, hợp tác quốc phòng.
Nguồn: https://baoquocte.vn/sach-trang-quoc-phong-nhat-ban-2024-day-manh-hop-tac-voi-nato-canh-bao-tinh-hinh-an-do-duong-thai-binh-duong-noi-gi-ve-han-quoc-278493.html