Phóng viên (PV): Sơn La được đánh giá là địa phương có nhiều tiềm năng để phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn. Ông cho ý kiến về vấn đề này?
Ông Nguyễn Thành Công: Khi chúng ta làm nông nghiệp gắn với du lịch canh nông thì mỗi vùng, miền đều có tiềm năng, lợi thế, nếu biết phát huy sẽ đem lại hiệu quả kinh tế. Ví dụ Sơn La có vùng Ngọc Chiến (huyện Mường La), vùng Pa Phách (huyện Mộc Châu) với nét văn hóa đặc trưng vùng đồng bào dân tộc Mông, đặc trưng dân tộc Thái. Chúng ta giữ được bản sắc văn hóa thì mới phát triển được du lịch nông nghiệp, nông thôn. Để làm được du lịch thì phải đầu tư cơ sở hạ tầng. Làm du lịch không đầu tư cơ sở hạ tầng rất khó thu hút khách và khai thác tiềm năng du lịch. Lấy ví dụ, người dân Ngọc Chiến nhặt đá ở suối để làm đường phục vụ đi lại thuận tiện, hai bên đường trồng hoa để tạo cảnh quan. Đó cũng là cách nhằm phục vụ, thu hút du khách đến với địa phương.
PV: Vậy người dân được hưởng lợi gì từ việc tham gia phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Công: Phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn và người dân được hưởng lợi thì Nhà nước phải định hướng ở đây là du lịch gì? Để phát triển du lịch, Nhà nước phải đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời cần sự tham gia của người dân thì mới có thể làm được du lịch. Ví dụ ở Pa Phách, xã Đông Sang, thuộc vùng cao nguyên huyện Mộc Châu (được ví như thiên đường của hoa) có nhiều rừng đào, mận. Mùa hoa đào, hoa mận rất đẹp thì người dân phải trồng, giữ gìn và chăm sóc những cây đào, cây mận; Nhà nước đầu tư cơ sở hạ tầng, đường sá; cùng với đó người dân kinh doanh các dịch vụ để góp phần phát triển du lịch: Nhà nghỉ cộng đồng, homestay, ẩm thực, văn hóa… Hay vùng Ngọc Chiến có cây sa mu cổ thụ 1.000 năm tuổi (một loại cây thuộc họ thông), người ta đã xây đền thờ cây (tục thờ cây-PV) với sự tham gia của cộng đồng, sự hỗ trợ của doanh nghiệp. Nếu không có thu nhập thì người dân sẽ không thể làm được, đây là yếu tố quan trọng trong phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn.
PV: Để làm du lịch nông thôn thì nông dân rất cần Nhà nước hỗ trợ. Thời gian tới, Sơn La sẽ hỗ trợ gì cho người dân để khai thác loại hình du lịch này, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Công: HĐND tỉnh Sơn La đã ban hành Nghị quyết số 128/2020/NQ-HĐND về chính sách khuyến khích đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh. Trên cơ sở này, tỉnh có hỗ trợ đề án phát triển du lịch, dịch vụ, trong đó có đề án phát triển du lịch lòng hồ Thủy điện Sơn La. Đề án phát triển du lịch miền núi, xây dựng khu du lịch cộng đồng ở các địa bàn có tiềm năng, lợi thế; sử dụng ngân sách nhà nước để hỗ trợ điểm bản, hộ gia đình, giúp người dân xây dựng lại nhà cửa, các tuyến đường bản, đường hoa, xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn.
PV: Sơn La đã có chủ trương xây dựng, phát triển trở thành một trong những vùng trọng điểm về cây ăn quả. Vấn đề này sẽ được Sơn La tiếp tục triển khai như thế nào để mang lại hiệu quả kinh tế và du lịch nông nghiệp?
Ông Nguyễn Thành Công: Định hướng đến năm 2025, diện tích cây ăn quả của Sơn La là 100.000ha, trong đó riêng xoài là 20.000ha. Tuy nhiên, để đạt hiệu quả kinh tế thì vùng trồng phải gắn với vùng sản xuất, chế biến và tiêu thụ. Nếu không chúng ta cứ trồng, cứ làm đến lúc không tiêu thụ được thì lại phải giải cứu. Do vậy, chúng tôi thực hiện quyết liệt ý kiến của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chỉ trồng những cây chủ lực với diện tích phù hợp, sau đó đi vào chiều sâu, tập trung chế biến, nâng cao chất lượng, hướng tới vùng trồng ổn định, cây trồng ổn định. Với 100.000ha cây ăn quả đến năm 2025 sau khi trồng, chúng tôi sẽ tạo tán, thâm canh tăng năng suất, đặc biệt là thực hiện các biện pháp kỹ thuật để rải vụ. Tỉnh đã áp dụng kỹ thuật này với mận rải vụ, na rải vụ. Sơn La cũng đã tạo, ghép giống na mới với tên gọi na sầu riêng, trọng lượng khoảng 2-3kg/quả, giá bán tại vườn khoảng 500.000 đồng/kg.
PV: Ứng dụng chuyển đổi số, thương mại điện tử đang diễn ra khá mạnh mẽ trong lĩnh vực nông nghiệp. Vậy còn ở Sơn La thì sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Thành Công: Với công nghệ 4.0, kinh tế số là một xu hướng tất yếu, ứng dụng chuyển đổi số trong nông nghiệp Sơn La đã và đang làm. Sơn La đã ban hành quyết định công bố sàn giao dịch của tỉnh: nongsansonla.vn. Trên sàn giao dịch này có thể truy xuất được nguồn gốc nông sản của Sơn La, kể cả sản phẩm OCOP. Việc ứng dụng khoa học-công nghệ, trong đó có công nghệ thông tin là điều phải làm. Bà con nông dân Sơn La hiện đã bán một số sản phẩm nông sản trên sàn thương mại điện tử: Voso, Postmart. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng chuyển đổi số vào nông nghiệp trong thời gian tới.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
NGUYỄN KIỂM (ghi)