Không để học nghề là sự lựa chọn cuối cùng
Sáng 6/6, tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Đại biểu Quốc hội Huỳnh Thị Ánh Sương (đoàn Quảng Ngãi) đặt vấn đề: Theo báo cáo của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giải pháp của Bộ về giáo dục nghề nghiệp là có chính sách để thu hút học sinh khá, giỏi vào giáo dục nghề nghiệp. Vậy những chính sách này là gì, khi nào được thực hiện và khi nào giáo dục nghề nghiệp mới là một bậc học của giáo dục quốc dân? Và làm thế nào không để học nghề là sự lựa chọn cuối cùng?
Trả lời câu hỏi trên, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, nói về giáo dục nghề nghiệp, đây là một bậc trong hệ thống giáo dục quốc dân. Thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành đã hoàn thiện cơ cấu, hệ thống giáo dục, có sự liên thông giữa giáo dục phổ thông, giáo dục nghề nghiệp và giáo dục đại học. Quốc hội cũng đã thông qua 3 luật liên quan, đó là Luật Giáo dục đại học, Luật Giáo dục và Luật Giáo dục dạy nghề.
“Hiện nay, quy mô tuyển sinh của chúng ta có khoảng hơn 2 triệu sinh viên, học sinh vào học nghề. So với cách đây 5 năm thì bình quân mỗi năm là 500.000 người. Đây là sự tiến bộ rõ rệt. Trong số 2 triệu này có khoảng 25% là trung cấp, 26% là cao đẳng. Tuy nhiên, giáo dục nghề nghiệp hiện nay cả về quy mô và chất lượng còn nhiều vấn đề quan tâm. Trong đó, quy mô chưa lớn, chất lượng giáo dục nghề nghiệp chưa thực sự tốt, cần nhiều giải pháp để nâng cao. Các hệ thống chính sách pháp luật để ưu đãi, thu hút học sinh vào học nghề cũng chưa được quan tâm nhiều.
Theo tôi, muốn đổi mới giáo dục nghề nghiệp, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhận thức xã hội. Phần đa số học sinh, sinh viên học nghề rơi vào các trường hợp sau: Thứ nhất là số học sinh không có nhu cầu hoặc khó có nhu cầu học lên; thứ 2 là do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, các em học sinh muốn ra trường có việc làm ngay. Để thay đổi thực trạng này, vừa qua, chúng ta có nhiều chính sách khuyến khích học sinh học nghề, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đi học nghề sẽ được miễn phí hoàn toàn. Các em khi học nghề ra được ưu tiên tìm việc. Số học sinh tiên tiến, sau khi học nghề ra được tiếp tục đào tạo chương trình chất lượng cao miễn phí hoàn toàn. Đây là điều rất đáng mừng”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhấn mạnh.
Cùng tham gia chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Đại biểu Quốc hội Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) đề nghị Bộ trưởng nêu quan điểm về chỉ số lao động chưa qua đào tạo.
Đại biểu Tô Văn Tám cho biết, lao động đã qua đào tạo là yếu tố quan trọng tạo ra năng suất lao động. Tiêu chí đánh giá công nhận trình độ hiện nay chủ yếu trên văn bằng, chứng chỉ. Do vậy, chỉ số lao động qua đào tạo theo tỉ lệ % chưa cao. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy một bộ phận chưa qua trường lớp nhưng vẫn là người tạo ra năng suất lao động. “Đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm về vấn đề này? Có cần thiết xây dựng công cụ đánh giá trình độ của bộ phận lao động này không? Nếu có, đề nghị Bộ trưởng cho biết sẽ xây dựng như thế nào?”, Đại biểu Tô Văn Tám nêu câu hỏi.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, trên thực tiễn, việc đào tạo có chứng chỉ mới là một nội dung đánh giá, quan trọng nhất là nghiệp vụ, kỹ năng nghề nghiệp, khả năng tinh thông nghề nghiệp và hiệu quả công việc của người lao động.
Bộ trưởng cũng tán thành với quan điểm của Đại biểu Tô Văn Tám và cần có một cách nhìn toàn diện hơn, đầy đủ hơn về vấn đề này, cần có công cụ, tiêu chí đánh giá để xác định về chất lượng lao động cũng như tiêu chuẩn công nhận chứng chỉ, bằng cấp trong gian tới.
Bất cập trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp ngành nghề đào tạo
Đăng đàn chất vấn, Đại biểu Quốc hội Trần Thị Thanh Hương (đoàn An Giang) đề nghị làm rõ giải pháp chấn chỉnh tình trạng chồng chéo, trùng lắp ngành nghề đào tạo.
Đại biểu Trần Thị Thanh Hương cho biết, thời gian gần đây, số lượng người lựa chọn học nghề có chiều hướng gia tăng nhưng số lượng lao động được đào tạo nghề chưa đáp ứng nhu cầu. Mặc dù, mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp bước đầu đã được rà soát, sắp xếp nhưng vẫn còn nhiều bất cập. Nếu không chấn chỉnh tình trạng này sẽ là một sự lãng phí. Đề nghị Bộ trưởng cho biết, ngành lao động cần làm gì để nâng cao hơn nữa hiệu quả của việc phân luồng học sinh và chủ động dự báo nhu cầu đào tạo nghề theo từng lĩnh vực, trình độ làm căn cứ xây dựng kế hoạch tuyển sinh phù hợp với xu hướng chuyển dịch lao động hiện nay?
Bên cạnh đó, những bất hợp lý trong việc chồng chéo, phân tán, trùng lắp trong ngành nghề đào tao sẽ được chấn chỉnh như thế nào để giúp công tác giáo dục nghề nghiệp gắn chặt hơn với thị trường lao động và nhu cầu nguồn nhân lực trong thời gian tới?
Trả lời chất vấn về công tác tuyển sinh, công tác giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho biết, công tác này đã có nhiều bước tiến. Bộ đã có báo cáo với Ban Bí thư về vấn đề này, trong đó có báo cáo, đề cập đến quy mô, chất lượng đào tạo, từ đó cho thấy bên cạnh những bước tiến bộ, nhưng quy hoạch mạng lưới đào tạo còn nhiều bất cập.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, cùng trên một địa bàn có nhiều trường nghề khác nhau, có nhiều ngành nghề khác nhau, trùng nhau, dẫn đến số học viên không đáp ứng được yêu cầu, khó tìm việc sau khi đào tạo xong. Chính vì vậy, thời gian tới, đào tạo cần gắn với nhu cầu thị trường, cần làm quyết liệt hơn việc dự báo cung cầu, chỉ tiến hành đào tạo khi xác định được nhu cầu. Bên cạnh đó, các trường cần liên kết, hợp tác chặt chẽ, đặt hàng được các doanh nghiệp, để học viên đào tạo ra có việc làm, có nghề nghiệp ổn định.
Bộ trưởng cho rằng, hiện nay có tình trạng chồng chéo, trùng lắp trong ngành nghề đào tạo, các trường nghề, về cơ bản đang thực hiện theo tinh thần đào tạo được tự chủ, trừ một số ngành nghề đào tạo chất lượng cao, nhà nước đặt hàng thì đào tạo theo yêu cầu. Tình trạng chung của các trường nghề là tuyển sinh được thì đào tạo, chưa thực sự gắn với nhu cầu thị trường.
Thời gian qua, 63 tỉnh thành đã cùng với Bộ tiến hành quy hoạch lại mạng lưới giáo dục nghề nghiệp, sáp nhập các trường trung cấp, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp, một trường cao đẳng ở một địa phương có thể dạy nhiều hệ khác nhau, nhiều chương trình khác nhau theo đúng tinh thần Nghị quyết 19 của Trung ương. Cùng với đó, hệ thống trường nghề của các bộ, ngành, đoàn thể cũng được sắp xếp lại theo tinh thần quy về một đầu mối, theo đúng Chiến lược giáo dục nghề nghiệp đến năm 2030 tầm nhìn năm 2045, để tránh trùng lặp về chức năng, về ngành nghề đào tạo như hiện nay.