Với vị thế là một ngân hàng có vai trò chủ đạo, chủ lực trong hệ thống, Vietcombank đã tiên phong đi đầu trong hành trình chuyển đổi số ngành ngân hàng, triển khai quyết liệt, mạnh mẽ nhằm mục tiêu đạt mức độ trưởng thành chuyển đổi số trong Top các ngân hàng dẫn đầu ASEAN vào năm 2025, mang lại giá trị cho khách hàng, người dân và xã hội.
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang diễn ra mạnh mẽ trên quy mô toàn cầu, chuyển đổi số không chỉ là xu hướng mà đã trở thành yêu cầu tất yếu khách quan đối với mỗi quốc gia và trong mọi lĩnh vực. Trong giai đoạn hiện nay, các doanh nghiệp trên thế giới đang có sự thay đổi rõ rệt trong nhận thức về chuyển đổi số. Đặc biệt sau đại dịch Covid-19, chuyển đổi số đang dần trở thành một khái niệm quen thuộc và là xu hướng tất yếu để doanh nghiệp có thể phát triển và sinh tồn.
Đảng ủy Vietcombank luôn xác định công nghệ và số hoá là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh. |
Yếu tố then chốt quyết định duy trì năng lực cạnh tranh
Tại Việt Nam, chuyển đổi số được Đảng, Nhà nước ta rất coi trọng và xem đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên hàng đầu. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề cập về chuyển đổi số trong các mục tiêu, quan điểm phát triển và đột phá chiến lược, khẳng định phải “thực hiện quyết liệt chuyển đổi số, xây dựng nền kinh tế số, xã hội số”.
Để thích ứng với tình hình mới và tận dụng cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư mang lại, ngày 27/9/2019, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó nhấn mạnh yêu cầu cấp bách để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số. Ngày 3/6/2020, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến 2030. Năm 2020 là năm bản lề quan trọng, mở ra một giai đoạn phát triển mới của đất nước. Đây là năm dấu mốc của Chương trình Chuyển đổi số quốc gia, là năm định hình tầm nhìn cho sự phát triển của ngành Thông tin và Truyền thông trong 10 năm tới.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã có Quyết định 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021, thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ công tác Chuyển đổi số ngành Ngân hàng để triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp của ngành Ngân hàng về công tác chuyển đổi số; đồng thời chọn ngày 11/5 là Ngày Chuyển đổi số ngành Ngân hàng. Trong đó, mục tiêu đối với Chính phủ và NHNN phấn đấu thực hiện 100% các dịch vụ công tích hợp trên Cổng Dịch vụ công quốc gia và 90% hồ sơ NHNN được xử lý và lưu trữ điện tử. Mục tiêu đối với các tổ chức tín dụng được cụ thể:
Từ rất sớm, Đảng ủy Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) luôn xác định công nghệ và số hoá là những yếu tố then chốt, quyết định việc duy trì năng lực cạnh tranh.
Nhận thức được tầm quan trọng của chuyển đổi số trong ngành Ngân hàng, hành trình mang tới các trải nghiệm tuyệt vời cho khách hàng, ngay từ năm 2018, Đảng ủy Vietcombank đã chủ động đánh giá tác động của Chuyển đổi số đối với môi trường kinh doanh tài chính ngân hàng, xây dựng và ban hành Đề án chuyển đổi số trong hoạt động của Vietcombank (theo Nghị quyết số 369/NQ-VCB-HĐQT ngày 02/08/2018). Năm 2019, Vietcombank đã phê duyệt Đề án phát triển hoạt động Ngân hàng số tới năm 2025 (theo Nghị quyết số 555/NQ-VCB-HĐQT ngày 28/11/2019), thành lập Ban Chỉ đạo chuyển đổi số, Trung tâm ngân hàng số nhằm quản lý tập trung, thúc đẩy chiến lược chuyển đổi số và văn hóa ngân hàng số toàn ngân hàng. Vietcombank đã triển khai mạnh mẽ 52 chương trình, dự án chuyển đổi, trong đó chủ yếu là dự án công nghệ thông tin để làm nền tảng cho việc phát triển số hóa trong cung ứng dịch vụ ngân hàng.
Năm 2020, Vietcombank đã phê duyệt dự án ban đầu cho Chuyển đổi ngân hàng số (theo Nghị quyết số 80/NQ-VCB-HĐQT ngày 25/02/2020).
Bám sát định hướng của Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương (DNTW) theo Nghị quyết số 02-NQ/ĐUK ngày 07/6/2021 về “Thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp, đơn vị trong Khối DNTW đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”; và Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 ban hành theo Quyết định số 810/QĐ-NHNN ngày 11/5/2021 của Thống đốc NHNN; trên cơ sở kế thừa các nội dung của Đề án phát triển hoạt động ngân hàng số trước đây, Ban Chấp hành Đảng bộ Vietcombank đã ban hành Nghị quyết số 339-NQ/ĐU ngày 01/7/2021 về chuyển đổi số trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Trên cơ sở đó, Hội đồng quản trị (HĐQT) Vietcombank đã ban hành: (i) Chương trình hành động chuyển đổi số của Vietcombank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Nghị quyết số 363/VCB-HĐQT ngày 07/07/2021); và (ii) Kế hoạch hành động chuyển đổi số của Vietcombank đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 (theo Nghị quyết 608/VCB-HĐQT ngày 03/12/2021). Vietcombank đã xây dựng chương trình hành động chuyển đổi số đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 cụ thể:
– Chuyển đổi số toàn diện trên cơ sở ứng dụng và khai thác hiệu quả công nghệ mới;
– Dẫn đầu về chuyển đổi số trong ngành ngân hàng và đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về chuyển đổi số của Ngân hàng nhà nước và Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Trung ương;
– Đạt mức độ trưởng thành về chuyển đổi số trong các ngân hàng dẫn đầu của ASEAN.
Các chi bộ tại Chi nhánh Vietcombank đã xây dựng có nhiều chương trình hành động cụ thể để đưa sản phẩm số đến khách hàng. |
Đẩy mạnh sản phẩm ngân hàng số tại Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh
Nắm vững định hướng của Đảng ủy Khối và Ban Lãnh đạo Vietcombank, Đảng ủy, Ban Giám đốc Vietcombank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh đã xác định nhiệm vụ triển khai các sản phẩm ngân hàng số nhiệm vụ trọng tâm cần đẩy mạnh. Các chi bộ tại Chi nhánh đã xây dựng có nhiều chương trình hành động cụ thể để đưa sản phẩm số đến khách hàng như các buổi hội thảo giới thiệu sản phẩm Vietcombank Cashup, digibiz, VCBCC (Dịch vụ Tài trợ thương mại trực tuyến), các chương trình phát hành Digibank tập trung,…
Song song với đó, công tác nâng cao nhận thức của người lao động cũng được chú trọng, trong năm 2022, Chi nhánh thường xuyên tổ chức nhiều buổi đào tạo, truyền thông về các sản phẩm mới trực tiếp tại trụ sở công ty khách hàng, trường đại học, …. Và các công tác kiểm bán liên tục thực hiện để kịp thời khắc phục, đưa ra giải pháp để triển khai hiệu quả.
Một số chỉ tiêu chính được đề ra trong chương trình chuyển đổi số tại Vietcombank Chi nhánh TP. Hồ Chí Minh: – Số lượng các nghiệp vụ ngân hàng cho phép khách hàng có thể thực hiện hoàn toàn trên môi trường số: 70%; – Số lượng khách hàng có sử dụng dịch vụ trên các kênh điện tử, trong đó kênh điện tử bao gồm IB, MB, thẻ Ecom (không bao gồm ATM, POS vật lý): 75%; – Tỷ trọng % giao dịch của khách hàng trên kênh số so với tổng lượng giao dịch của khách hàng: 70%; – Tỷ lệ tối thiểu quy trình nghiệp vụ kinh doanh được số hóa: 80%; – Tỷ lệ tối thiểu hồ sơ của khách hàng, nội bộ được tiếp nhận xử lý và lưu trữ điện tử: 70%; – Tỷ trọng doanh thu từ kênh số 35%; – Số 1 về số lượng khách hàng sử dụng các sản phẩm ngân hàng số online banking (IB/MB), ước đạt 18 triệu khách hàng năm 2025, tăng trưởng bình quân 19,2%/năm; – Doanh số giao dịch đạt trên 341 tỷ USD năm 2025; – Doanh thu phí dịch vụ ngân hàng số tăng trưởng trung bình 30%/năm, Quy mô năm 2025 đạt 4.000 tỷ đồng. |
Với sự dẫn dắt, chỉ đạo sát sao của Đảng ủy, Ban Giám đốc Chi nhánh, các chi bộ phòng khách hàng doanh nghiệp tại Chi nhánh đã triển khai việc bán hàng cụ thể đến từng đối tượng khách hàng và đã đạt được những thành công đáng khích lệ và thể hiện qua những con số biết nói.
Tính đến hết 31/8/2023, tổng số lượng phát hành ngân hàng số của khối bán buôn của Chi nhánh đạt hơn 309 khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ, và hơn 100.000 giao dịch được thực hiện trên hệ thống ngân hàng số với tổng doanh số đã thực hiện gần 10.500 tỷ VNĐ; ngoài ra, tổng số lượng phát hành ngân hàng số của khối bán lẻ của Chi nhánh đạt 3050 khách hàng; và tổng số lượng phát hành digibank của cả Chi nhánh đã đạt được hơn 30.000 số lượng digibank mở mới. Mục tiêu chung là đưa tất cả giao dịch của khách hàng lên kênh số nhằm giảm tải khối lượng chứng từ xử lý thủ công, giải phóng sức lao động và nguồn lực của các phòng dịch vụ để tập trung cho việc thực hiện các chỉ tiêu kinh doanh một cách hiệu quả nhất.
Ngoài ra, đối với các dịch vụ hành chính công, Vietcombank là ngân hàng duy nhất được Thủ tướng biểu dương là ngân hàng đầu tiên kết nối trực tiếp với Cổng dịch vụ công quốc gia để cung cấp giải pháp thanh toán trực tuyến theo phương thức Single Sign On giữa Cổng Dịch vụ công quốc gia với hệ thống Vietcombank nhằm giúp người dân có trải nghiệm hoàn toàn mới và thuận tiện khi truy cập vào Cổng Dịch vụ công quốc gia sử dụng các dịch vụ công mức độ 4, với 03 loại dịch vụ ban đầu là thanh toán phí phạt vi phạm giao thông, thuế cá nhân, lệ phí trước bạ ô tô/xe máy.
Vietcombank cũng là ngân hàng đi đầu trong việc mở rộng liên kết đối tác trong lĩnh vực công như thanh toán bảo hiểm xã hội, cảng biển, kho bạc nhà nước, bệnh viện, giao thông, logistic,… Tính đến nay, Vietcombank đang là ngân hàng duy nhất trên lãnh thổ Việt Nam: (i) Phối hợp với Tổng cục thuế cung ứng dịch vụ nộp thuế điện tử cho nhà cung cấp nước ngoài; (ii) Cung ứng giải pháp chi thanh toán điện tử song phương với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam.
Trong những năm qua, Vietcombank luôn giữ vững vị thế là một ngân hàng thương mại hàng đầu của cả nước, nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tiên phong đổi mới sáng tạo, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao, gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành nghiêm túc và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương chính sách của Đảng, chỉ đạo của Chính phủ, NHNN và Đảng ủy Khối DNTW, đóng góp tích cực, quan trọng vào những thành tựu chung của ngành Ngân hàng và sự phát triển của đất nước.
Nhiều năm liên tiếp Vietcombank dẫn đầu hệ thống ngân hàng về chất lượng và hiệu quả hoạt động, giữ vững vị trí đầu ngành về nộp ngân sách nhà nước (năm 2019: 8.970 tỷ đồng, năm 2020: 8.689 tỷ đồng, năm 2021: 11.270 tỷ đồng và năm 2022 là 8.200 tỷ đồng).
Quy mô tổng tài sản của Vietcombank xấp xỉ 1,8 triệu tỷ đồng, dư nợ tín dụng đạt hơn 1,2 triệu tỷ đồng. Lợi nhuận hợp nhất trước thuế năm 2022 đạt 29.919 tỷ đồng. Vietcombank hiện là tổ chức tín dụng niêm yết có qui mô vốn hóa lớn nhất thị trường.
Để đồng lòng thực hiện các đề mục Đảng ủy Khối DNTW đưa ra, cần và không thể thiếu, đó là sự chỉ đạo quyết liệt của Đảng ủy, Ban Giám đốc Chi nhánh cùng với quyết tâm của tập thể các chi bộ, toàn thể cán bộ, đảng viên, người lao động khối khách hàng doanh nghiệp, tin tưởng sẽ hoàn thành mục tiêu chương trình chuyển đổi số của Vietcombank đến năm 2025 mà Đảng ủy Vietcombank đã đề ra.
Như vậy, thông qua việc hoạch định chiến lược chuyển đổi số một cách bài bản, với sự trực tiếp vào cuộc của lãnh đạo cấp cao nhất; đồng thời đề ra kế hoạch hành động khoa học, cụ thể với lộ trình triển khai rõ ràng, có cơ chế theo dõi, kiểm soát tiến độ sát sao cùng việc ưu tiên nguồn lực và mạnh dạn áp dụng cơ chế thu hút nhân sự có kỹ năng chuyên biệt; Đảng ủy, Ban lãnh đạo Vietcombank đang tiếp cận và triển khai lộ trình chuyển đổi số một cách xuyên suốt, bài bản; có tầm nhìn, chiến lược lâu dài trên cơ sở bám sát định hướng của Đảng, Chính phủ và NHNN.
window.fbAsyncInit=function(){FB.init({appId:’277749645924281′,xfbml:true,version:’v18.0′});FB.AppEvents.logPageView();};(function(d,s,id){var js,fjs=d.getElementsByTagName(s)[0];if(d.getElementById(id)){return;}js=d.createElement(s);js.id=id;js.src=”https://connect.facebook.net/en_US/sdk.js”;fjs.parentNode.insertBefore(js,fjs);}(document,’script’,’facebook-jssdk’));
Nguồn