Thực hiện Chỉ thị số 32 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác lãnh đạo của Đảng đối với quá trình chuyển đổi số, công tác chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong mọi lĩnh vực, đời sống. Trong đó, việc phát triển hạ tầng số, nền tảng số được đầu tư đồng bộ, hệ thống thông tin và cơ sở dữ liệu phục vụ chuyển đổi số liên thông giữa các cấp, ngành và trung ương, tạo cơ sở để chính quyền, người dân và doanh nghiệp (DN) ứng dụng chuyển đổi số, góp phần thúc đẩy KT – XH phát triển theo hướng hiện đại, bền vững.
Tiên phong thực hiện chuyển đổi số lĩnh vực cải cách hành chính,
Vĩnh Phúc đã tạo ra làn sóng chuyển đổi số tới từng người dân, doanh nghiệp, tạo nền tảng vững chắc hình thành chính quyền số. Ảnh: Đức Chung
Toàn tỉnh hiện có 3.000 trạm thu phát sóng thông tin di động với hơn 1,3 triệu thuê bao di động được phủ sóng mạng 3G, 4G, một số thuê bao được kết nối 5G; tỷ lệ hộ gia đình được kết nối Internet băng rộng cố định đạt 87,2%; 100% các cơ quan, đơn vị hành chính được trang bị mạng LAN, kết nối Internet băng thông rộng để phục vụ công tác chuyên môn.
Bên cạnh đó, tỉnh đã thực hiện kết nối đường truyền số liệu chuyên dùng đến 169 cơ quan, đơn vị hành chính, đồng bộ đến cấp xã; trung tâm dữ liệu của tỉnh được đầu tư công nghệ hiện đại, trang bị hệ thống bảo mật, đảm bảo an toàn an ninh thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
Hiện nay, nền tảng chia sẻ, tích hợp dùng chung tỉnh Vĩnh Phúc đã được vận hành tại Trung tâm Hạ tầng thông tin tỉnh, kết nối với Trục liên thông văn bản Quốc gia, Cổng dịch vụ công (DVC) Quốc gia, sẵn sàng kết nối với cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành, trung ương.
Qua đó, hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính (TTHC) được triển khai tập trung trên cơ sở hợp nhất giữa Cổng DVC trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa điện tử tỉnh để tiếp nhận, giải quyết, đánh giá chất lượng thực hiện TTHC, cung cấp DVC trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết của cơ quan hành chính các cấp.
Thông qua phần mềm VNPT – iGate, hệ thống giải quyết thông tin TTHC tỉnh đã được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phục vụ xác thực thông tin, giải quyết TTHC cho người dân thuận lợi, nhanh chóng.
Với việc triển khai hệ thống thông tin báo cáo tỉnh, 100% cơ quan, đơn vị đã thực hiện báo cáo trên hệ thống chung của tỉnh, kết nối với hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ.
Tính riêng từ tháng 5/2022 – 5/2023, hệ thống thông tin báo cáo tỉnh đã tiếp nhận gần 1 triệu văn bản từ các sở, ngành, địa phương với tỷ lệ sử dụng chữ ký số đạt 99%, góp phần tích cực trong việc tham mưu, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Việc đầu tư, đưa vào vận hành hiệu quả hệ thống hội nghị truyền hình trực tuyến với 1 điểm tập trung tại UBND tỉnh, 9 điểm tại UBND các huyện, thành phố và 136 điểm tại các xã, phường, thị trấn đã góp phần tiết kiệm thời gian, ngân sách, đảm bảo các thành phần tham gia, nắm bắt đầy đủ thông tin chỉ đạo, điều hành của tỉnh.
Đối với hoạt động của các sở, ngành, đơn vị chuyên môn, toàn tỉnh đã triển khai 68 hệ thống thông tin quản lý, phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của người dân như phần mềm quản lý hồ sơ sức khỏe cá nhân, tra cứu thông tin khám chữa bệnh bằng căn cước công dân tích hợp thông tin bảo hiểm y tế, chi trả không dùng tiền mặt trong hoạt động khám chữa bệnh; phần mềm quản lý tài sản công tại các đơn vị sự nghiệp; hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch dùng chung của tỉnh; Cổng thông tin du lịch thông minh; phần mềm quản lý các khu công nghiệp tỉnh…
Trong lĩnh vực phát triển kinh tế, toàn tỉnh hiện có gần 7.700 DN ứng dụng công nghệ số, hơn 4.200 DN ứng dụng nền tảng số; tỷ lệ HTX nông nghiệp có hoạt động ứng dụng thương mại điện tử, ứng dụng nông nghiệp thông minh đạt 10%, tỷ lệ hộ gia đình trồng trọt, chăn nuôi quy mô vừa và lớn ứng dụng công nghệ số đạt 70%.
Năm 2022, tổng doanh thu lĩnh vực điện tử, công nghệ thông tin toàn tỉnh đạt 183.000 tỷ đồng (tăng 65% so với năm 2021). Hiện nay, 100% DN trên địa bàn tỉnh đã sử dụng hóa đơn điện tử; 100% các siêu thị, trung tâm thương mại được trang bị thiết bị thanh toán không dùng tiền mặt; 55% công dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại các tổ chức tín dụng; 65% cá nhân, tổ chức sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt thông qua các kênh thanh toán điện tử.
Để thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, hướng đến chính quyền số, kinh tế số, xã hội số, hiện nay, tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thí điểm và nhân rộng chuyển đổi số toàn diện tại 9 xã, phường, thị trấn gồm Ngô Quyền (Vĩnh Yên); Hùng Vương (Phúc Yên); Thổ Tang (Vĩnh Tường); Tam Đảo; Thanh Lãng (Bình Xuyên); Lãng Công (Sông Lô); Hướng Đạo (Tam Dương); Liên Châu (Yên Lạc) và Bắc Bình (Lập Thạch).
Các địa phương thực hiện thí điểm chuyển đổi số toàn diện sẽ được đầu tư, triển khai đồng bộ hạ tầng công nghệ thông tin, ứng dụng chuyển đổi số trong các lĩnh vực: Y tế, giáo dục, du lịch…; hệ thống camera giám sát phục vụ công tác quản lý, điều hành; hỗ trợ đưa các sản phẩm, hàng hóa giao dịch lên sàn thương mại điện tử…
Bên cạnh đó, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác đầu tư, triển khai ứng dụng công nghệ số với nhiều tập đoàn công nghệ lớn trong nước như VNPT, Viettel, FPT…
Vừa qua, tỉnh đã ký thỏa thuận hợp tác với Công ty cổ phần thiết bị và truyền thông NGS để triển khai nền tảng “Vĩnh Phúc ID” theo hình thức xã hội hóa. Với nền tảng này, chính quyền có thể cung cấp thông tin, cảnh báo đến người dân, hoàn thành tích hợp nhiều tiện ích như tra cứu kết quả giải quyết TTHC, tra cứu thông tin về ngành điện, tìm kiếm việc làm, tra cứu thông tin của doanh nghiệp…
Trong công tác chỉ đạo điều hành, tỉnh giao nhiệm vụ cho Sở TT&TT phối hợp với các sở, ngành địa phương đẩy mạnh quá trình chuyển đổi số đối với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý; đồng thời, tích cực tham mưu UBND tỉnh hoàn thiện thể chế liên quan đến chuyển đổi số, đồng bộ hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về chuyển đổi số, hướng đến xây dựng chính quyền điện tử, thành phố thông minh theo lộ trình đề ra.
Hoàng Sơn