Chị Nguyễn Thị Kim Xa giới thiệu sản phẩm khởi nghiệp dừa xiêm xanh gọt trọc với lãnh đạo UBND xã Châu Bình.
Tăng cường các hoạt động hỗ trợ
Theo đánh giá của UBND huyện, trong năm qua, cùng với sự phát triển chung của huyện, các thành phần kinh tế không ngừng lớn mạnh và phát triển. Năm 2022, huyện đã thành lập mới được 48 DN (đạt 120% kế hoạch). Riêng trong quý I-2023, huyện đã thành lập được 15/40 DN; thành lập mới 109/500 hộ kinh doanh. Đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn huyện có 306 DN và 6.356 hộ kinh doanh cá thể đang hoạt động. Tình hình hoạt động của các DN, hộ kinh doanh đang dần đi vào ổn định, đóng góp quan trọng vào tăng trưởng và ổn định kinh tế – xã hội, góp phần tích cực giải quyết việc làm, thu nhập cho người lao động, đóng góp ngân sách nhà nước và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hoạt động hỗ trợ kinh tế hợp tác, hợp tác xã (HTX) được huyện quan tâm, thực hiện khá tốt. Năm 2022, thành lập 4 HTX, đạt 200% kế hoạch; 6 tổ hợp tác (THT), đạt 120% kế hoạch. Đến nay, huyện có 21 HTX, 93 THT. Công tác phát triển HTX điểm quy mô lớn, đa ngành, đa dịch vụ gắn với các chuỗi giá trị được tích cực triển khai với nòng cốt là HTX Dịch vụ nông nghiệp công bằng Hưng Lễ đã được tỉnh chọn là HTX điểm của huyện. Một số HTX lĩnh vực nông nghiệp bước đầu đã ký kết được hợp đồng nguyên liệu đầu vào, đầu ra (dừa trái, dừa hữu cơ, phân bón…) với các công ty, DN trong và ngoài tỉnh.
Các chính sách hỗ trợ vốn KN được kết nối thông qua các nguồn quỹ, vốn ngân hàng. Trong năm 2022, từ nguồn Quỹ Hỗ trợ thanh niên KN huyện Giồng Trôm, do Huyện đoàn quản lý, Ban Thường vụ Huyện đoàn đã trao vốn hỗ trợ 2 thanh niên KN với tổng số tiền 60 triệu đồng. Từ nguồn vốn Ngân hàng Chính sách xã hội và các nguồn vốn hợp pháp khác, Đoàn cơ sở đã trao vốn KN cho 56 thanh niên với số tiền 1.765 triệu đồng. Từ nguồn vốn khuyến công tỉnh đã hỗ trợ cho 6 DN huyện. Vốn khuyến công huyện hỗ trợ cho các cơ sở, DN OCOP, sản xuất hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu, làng nghề tham gia trưng bày tại 2 hội chợ triển lãm, quảng bá sản phẩm tại tỉnh, tổng kinh phí 42 triệu đồng.
Nhiều mô hình khởi nghiệp hiệu quả
Chị Nguyễn Thị Kim Xa – ấp Bình Long (xã Châu Bình) đã KN với mô hình “Dừa xiêm xanh gọt trọc Kim Xa”. Tháng 12-2021, chị Xa hợp tác với người em mạnh dạn KN kinh doanh dừa xiêm xanh gọt trọc với chi phí đầu tư ban đầu là 85 triệu đồng gồm: nhà xưởng, máy móc và trang thiết bị. Trung bình, mỗi ngày cơ sở chị Xa xuất ra thị trường từ 1 – 1,5 ngàn trái, sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận thu về khoảng 1 triệu đồng/ngày.
Tết Nguyên đán Quý Mão vừa qua, dừa xiêm xanh gọt trọc của chị được khách hàng ưa chuộng, tiêu thụ số lượng khá nhiều. Chị Xa chia sẻ: “Trong dịp Tết, mỗi ngày cơ sở xuất gần 2 ngàn trái dừa. Nhân công phải làm thêm giờ để kịp đủ số lượng dừa cho khách. Khách hàng đa số là các đại lý, quán cafe, các sự kiện, hội chợ. Giá phù hợp với khách bình dân, trung bình từ 8 – 10 ngàn đồng/trái. Mình cảm thấy rất phấn khởi với lượng dừa bán ra trong dịp này vì đây là cái Tết đầu tiên và thành quả của một năm từ khi bắt đầu mở xưởng, một tín hiệu vui, khởi đầu cho một năm mới thành công”.
Cũng KN từ chính sản phẩm của quê hương, chị Phan Thị Ngọc Rí – ấp Bến Đò (xã Mỹ Thạnh) KN với chuỗi sản phẩm từ mãng cầu xiêm và phát triển thêm nhiều loại mứt khác. Tháng 9-2022, chị Rí có 4 sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao cấp tỉnh gồm: mứt mãng cầu xiêm, mứt dừa, mứt chuối, mứt vỏ bưởi. Chị phấn khởi cho biết, sau khi trừ chi phí, chị thu về từ 20 – 30 triệu đồng/tháng. “Sản phẩm này dần dần được nhiều người biết đến nên mình cảm thấy phấn khởi. Đợt Tết Nguyên đán vừa qua, sức tiêu thụ rất mạnh, đến hiện tại sản phẩm làm bao nhiêu đều tiêu thụ hết, bình quân từ 50 – 100 kg/ngày cho các loại”, chị Phan Thị Ngọc Rí nói.
Chỉ tiêu đặt ra của huyện năm 2023 là phát triển mới ít nhất 40 DN (phấn đấu thành lập mới 85 DN theo chỉ tiêu tỉnh giao); thành lập mới 5 THT và 2 HTX; phát triển thêm 500 hộ kinh doanh mới. “Trong thời gian tới, huyện sẽ tiếp tục công tác truyền thông KN đến tất cả mọi người dân. Rà soát và phát động Cuộc thi tìm kiếm ý tưởng KN, KN đổi mới sáng tạo. Củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ vận động hộ kinh doanh cá thể lên DN huyện, Tổ xúc tiến đầu tư KN các xã, thị trấn để tiếp tục công tác vận động các hộ kinh doanh đủ điều kiện lên DN, phấn đấu đạt chỉ tiêu kế hoạch đề ra”, Phó chủ tịch UBND huyện Đinh Thị Thanh Nhanh cho biết.
“Tiếp tục nỗ lực xây dựng huyện Giồng Trôm thành “Địa phương KN” trong tổng thể chung của tỉnh, đẩy mạnh phát triển KN ứng dụng khoa học – công nghệ, áp dụng công nghệ xanh và chuyển đổi số. Chuyển trọng tâm từ KN thoát nghèo, KN làm giàu sang KN đổi mới sáng tạo; KN bằng “trí tuệ” kết hợp sức mạnh “công nghệ”. Tập trung hỗ trợ các DN KN đổi mới sáng tạo để bứt phá nhanh, bền vững. Thúc đẩy phát triển mới DN theo chỉ tiêu tỉnh giao”.
(Phó chủ tịch UBND huyện Giồng Trôm Đinh Thị Thanh Nhanh)
|
Bài, ảnh: Diệu Hiền