Khi người tiêu dùng ngày càng coi trọng chất lượng, sự minh bạch trong nguồn gốc xuất xứ sản phẩm thì mã số vùng trồng (MSVT) là yêu cầu bức thiết. Vì thế, việc cấp MSVT hiện đang được tỉnh đẩy mạnh triển khai để đáp ứng nhu cầu xuất khẩu.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh tập huấn hướng dẫn các thành viên HTX Hưng Thịnh (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) đăng ký mã số vùng trồng lúa.
CẤP MSVT CHO CÂY LÚA VÀ RAU MÀU
MSVT là giấy chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc sản phẩm cây trồng. Đồng thời, đảm bảo nông sản được đưa ra lưu thông trên thị trường đúng nguồn gốc tại vùng trồng, tránh tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. Vùng trồng được xem xét cấp mã số phải đảm bảo nguyên tắc là vùng sản xuất tập trung, có quy mô nhất định.
Hiện nay, tỉnh đang đẩy mạnh công tác cấp MSVT cho vùng sản xuất lúa, hoa màu và cây ăn trái trên địa bàn. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm 2023, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật đã cấp 3 MSVT cho HTX Rau sạch Đoàn Kết (TP. Bạc Liêu) với diện tích 30,8ha sản xuất rau; HTX Hưng Thành Phát (huyện Vĩnh Lợi) 4ha sản xuất hẹ và HTX Dịch vụ nông nghiệp Quyết Tiến (huyện Phước Long) 14,56ha sản xuất bắp. Đồng thời, gửi 2 hồ sơ cho Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT) phê duyệt cấp MSVT xuất khẩu cho cây lúa với diện tích 109ha. Trong đó, huyện Phước Long 88ha và huyện Hồng Dân 21ha. Tính đến nay, Chi cục đã cấp và quản lý 12 MSVT cho cây lúa, rau màu và cây ăn trái. Trong đó, có 7 mã số xuất khẩu cho cây lúa với diện tích 195ha, 1 mã số xuất khẩu cho cây nhãn với diện tích 56ha và 4 mã số nội địa cho rau màu với diện tích hơn 60ha.
Một số vùng trồng rau màu ở xã Hiệp Thành (TP. Bạc Liêu) được cấp mã số vùng trồng rau. Ảnh: M.Đ
TĂNG CƯỜNG CẤP MÃ SỐ VÙNG TRỒNG
Để được cấp MSVT, các HTX, nông dân phải sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, ghi sổ tay canh tác hoặc nhật ký đồng ruộng trong quá trình canh tác… Mỗi MSVT được cấp không phải là không có thời hạn mà theo định kỳ, cơ quan có thẩm quyền sẽ phải tiến hành giám sát để đảm bảo vùng trồng đó vẫn đang được quản lý tốt, đáp ứng yêu cầu đặt ra. Trường hợp không đạt yêu cầu theo quy định của nước nhập khẩu, mã số đó sẽ bị thu hồi.
Hiện tỉnh đang đẩy nhanh việc cấp MSVT và đối tượng hướng tới trước tiên là các HTX. Theo đó, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh phối hợp với các huyện, thị, thành phố tổ chức các lớp hướng dẫn và thực hiện việc cấp MSVT cho các HTX. Ông Hà Văn Cung – Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX Hưng Thịnh (xã Châu Hưng A, huyện Vĩnh Lợi) cho biết: “Năm nay, HTX triển khai mô hình nâng cao hiệu quả sản xuất gắn với liên kết theo chuỗi giá trị. Các thành viên HTX được các kỹ sư hướng dẫn quy trình sản xuất, ghi chép nhật ký sản xuất và hướng đến cấp MSVT. Nếu HTX được cấp MSVT sẽ góp phần nâng cao giá trị hạt lúa, tăng thu nhập cho các thành viên”.
Để đẩy nhanh việc cấp MSVT trong thời gian tới, ông Lê Thanh Tú – Phó Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho biết: “Thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đăng ký cấp MSVT, vì không có MSVT thì không truy xuất được nguồn gốc sản phẩm nên giá cả nông sản không cao. Nhà nước cần có các chính sách hỗ trợ kinh phí để cấp MSVT mà trước tiên là các HTX. Để từ đó lan tỏa phong trào đăng ký cấp MSVT ra các công ty, doanh nghiệp và hộ dân để ngày càng có thêm nhiều vùng trồng được cấp mã số, đáp ứng yêu cầu xuất khẩu nông sản…”.
MINH ĐẠT