Có thể thấy, cải cách thủ tục hành chính (TTHC) nhiều năm qua đã tạo cú huých góp phần đáng kể vào thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn Quảng Ninh. Đến nay, công tác này vẫn là một trong những nhiệm vụ mà các cấp, các ngành của tỉnh luôn chú trọng.
Các cấp, các ngành của tỉnh tiếp tục triển khai có hiệu quả các nghị quyết, quyết định của trung ương, của tỉnh liên quan đến công tác cải cách TTHC, chuyển đổi số. Tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thực hiện đồng bộ rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm những TTHC chính không phù hợp, giảm thời gian giải quyết TTHC theo quy định; hoàn thiện rà soát và công bố bộ TTHC của 3 cấp chính quyền, chuẩn hóa và đưa 100% TTHC cấp tỉnh, cấp huyện đủ điều kiện vào thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã theo nguyên tắc “tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt và trả kết quả tại trung tâm”, bảo đảm thuận tiện, công khai, minh bạch.
Đến nay, có 1.419 TTHC thực hiện tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trong đó 1.369 thủ tục thuộc các sở, ngành của tỉnh và 32 thủ tục của cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn, 18 thủ tục của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ công. 100% TTHC tại trung tâm hành chính công các cấp được tái cấu trúc quy trình giải quyết phù hợp cho việc số hóa hồ sơ, đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết; gắn với trách nhiệm của từng bộ phận, từng cán bộ. Từ năm 2021 đến nay, các đơn vị, địa phương đã rà soát, cắt giảm 40-60% thời gian giải quyết TTHC so với thời gian quy định của Trung ương. Đã có 1.095 TTHC thực hiện quy trình giải quyết theo nguyên tắc 5 tại chỗ (tiếp nhận, thẩm định, phê duyệt, đóng dấu và trả kết quả).
Bên cạnh đó, tỉnh cũng đã cung cấp 1.017 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công của tỉnh, trong đó có 1.017 dịch vụ công trực tuyến toàn trình và 445 dịch vụ công trực tuyến một phần. Đồng thời, tích hợp 1.244 dịch vụ công trực tuyến trên cổng dịch vụ công quốc gia. Theo thống kê trên hệ thống giải quyết TTHC của tỉnh, chỉ riêng tháng 5/2023, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, trung tâm hành chính công cấp huyện, bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hiện đại cấp xã đã tiếp nhận tổng số 70.465 hồ sơ thủ tục, qua đó đã giải quyết 51.787 hồ sơ, còn lại đang trong quá trình giải quyết. Tỷ lệ giải quyết hồ sơ đúng hạn đạt tới 99,53%.
Là một trong các tỉnh chủ động báo cáo, đề xuất Chính phủ được lựa chọn “làm điểm” triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030 (Đề án 06), đến nay, hệ thống Chính quyền điện tử của tỉnh đã hoàn thành kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
100% TTHC đủ điều kiện được cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình. Tỉnh cũng đã tổ chức triển khai số hóa, bóc tách dữ liệu đối với 20 TTHC của 5 sở, ngành (GD&ĐT, LĐ-TB&XH, TT-TT, Tư pháp, Y tế), trong đó có 6 dịch vụ công thiết yếu sử dụng hệ thống thông tin cơ sở dữ liệu của tỉnh để tiếp nhận và giải quyết hồ sơ; 19 dịch vụ công thiết yếu sử dụng hệ thống phần mềm chuyên ngành của các cơ quan, đơn vị để tiếp nhận giải quyết hồ sơ; 25 dịch vụ công thiết yếu và 100% hồ sơ TTHC thực hiện theo quy trình “5 bước trên môi trường điện tử” tại các trung tâm hành chính công.
Theo đó, Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh đã số hóa được 37.030 hồ sơ đầu vào (đạt 100%), trả 27.214 kết quả bản điện tử cho tổ chức, người dân (đạt 73,5%); trung tâm hành chính công cấp huyện đã thực hiện tiếp nhận và số hoá 59.412/97.692 hồ sơ, trả 35.857/99.530 kết quả bản điện tử cho tổ chức, công dân. Các cơ sở khám, chữa bệnh (bệnh viện, trung tâm y tế), trường học, trung tâm hành chính công, điện, nước đều đã triển khai các giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt. Ngành thuế áp dụng thành công hóa đơn điện tử; 100% doanh nghiệp sử dụng, khai thác hóa đơn điện tử; 2.325 hộ kinh doanh cá thể đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử. Toàn tỉnh có khoảng 1,6 triệu tài khoản đang hoạt động có chức năng thanh toán không dùng tiền mặt…
Nhờ đẩy mạnh cải cách TTHC, chuyển đổi số, đã góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH trên địa bàn tỉnh. 6 tháng đầu năm 2023, Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng kinh tế cao, ước tăng 9,46%, cao hơn 0,24 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,66 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng, đứng thứ hai trong Vùng đồng bằng sông Hồng, đứng thứ tư cả nước. 6 năm liên tiếp (2017-2022) Quảng Ninh đứng đầu cả nước về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); 5 năm (2017-2020 và 2022) dẫn đầu chỉ số cải cách hành chính (PAR Index); 4 năm (2019-2022) đứng đầu bảng xếp hạng chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS); 2 năm (2020 và 2022) đứng đầu vị trí xếp hạng chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).