Sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả là tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật
Phát biểu đề dẫn hội thảo, Phó Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Ngọc Bảo khẳng định, trong xu thế phát triển của hoạt động xuất bản, tình trạng in lậu, làm giả xuất bản phẩm và gian lận thương mại trong lĩnh vực xuất bản, in, phát hành xuất bản phẩm ngày một gia tăng dưới nhiều hình thức như: In truyền thống, điện tử, trên không gian mạng… tác động xấu đến hoạt động xuất bản, đến việc tiếp cận tri thức của người dân thông qua xuất bản phẩm, đến mục tiêu phát triển văn hóa đọc của cộng đồng.
Phó Cục trưởng Nguyễn Ngọc Bảo nhấn mạnh: “Việc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả tạo thành một thói quen tiêu dùng không tốt đối với thị trường kinh doanh xuất bản phẩm, tác động xấu đến định hướng phát triển văn hóa đọc, văn hóa tiêu dùng của người dân. Mặt khác, việc bạn đọc sử dụng xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả đã tiếp tay cho hành vi vi phạm pháp luật; Xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả với chất lượng kém tác động xấu đến người sử dụng, đặc biệt là đối với trẻ em. Một số cuốn sách giả, sách lậu không được biên tập, thẩm định nội dung, vi phạm các quy định của pháp luật đã tác động tiêu cực đến việc tiếp nhận thông tin, tri thức, niềm tin của độc giả”.
Tham luận và chia sẻ tại Hội thảo, TS. Vũ Thùy Dương, Trưởng khoa Xuất bản, Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, vấn nạn sách lậu, sách giả đã ảnh hưởng nặng nề đến tác giả, đến nhà xuất bản và với độc giả.
“Người mua sách chưa nhận thức được việc tiếp tay tiêu thụ sách giả, sách lậu không chỉ phá hệ thống sách bản quyền của các nhà xuất bản, các doanh nghiệp làm sách chính thống, mà còn làm tổn hại nghiêm trọng đến uy tín, danh tiếng của ngành xuất bản trong nước. Điều này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của văn hóa đọc”, TS Vũ Thùy Dương chia sẻ.
Cũng theo TS Vũ Thùy Dương, hành vi in ấn, phát hành sách giả, sách lậu xảy ra ở rất nhiều loại hình sách, ảnh hưởng trực tiếp đến văn hóa đọc. Từ việc truyền thông thay đổi ý thức của độc giả không dung dưỡng, tiếp tay cho hành vi in ấn, buôn bán sách giả, sách lậu cho đến việc xây dựng một quy định đặc thù đối với sách giả sách lậu, hoặc phải coi đó là hành vi sản xuất hàng giả và truy cứu trách nhiệm hình sự đối với hành vi này là những giải pháp cơ bản. Trong lúc chờ đợi có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong quản lý nhà nước thì mỗi người đọc chúng ta cần kiên quyết nói không với sách giả, sách lậu.
Lập nhóm Zalo các nhà báo hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản
Để ngăn chặn, đẩy lùi xuất bản phẩm lậu, xuất bản phẩm giả rất nhiều các ý kiến đưa ra tập trung vào nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài. Trong đó, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam Nguyễn Hữu Giới đề nghị, các thư viện ở nước ta cần nâng cao ý thức trách nhiệm nghề nghiệp về việc mua/bổ sung sách báo tài liệu/tài nguyên thông tin cho thư viện. Các thư viện khi mua, bổ sung sách báo, tài nguyên thông tin cho thư viện cần cân nhắc, trước khi có ý định mua sách trên thị trường về cho thư viện, đừng vì chút lợi ích vật chất-tiền bạc chiết khấu cao của sách mà mờ mắt, tặc lưỡi cho qua, cứ mua về kho thư viện, dẫn đến hệ lụy khó lường cho bạn đọc của thư viện.
Phát biểu kết luận hội thảo, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành Nguyễn Nguyên đã thẳng thắn chỉ ra những mặt hạn chế của các đơn vị xuất bản, của cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương trong việc phát hiện, xử lý những cá nhân, đơn vị in sách lậu, sách giả. Chế tài xử lý hành vi in sách lậu, sách giả vẫn còn nhiều điều bất cập, vì thế thời gian tới Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ rà soát lại hành lang pháp lý, nghiên cứu sửa đổi thêm một số nội dung trong Luật Xuất bản để kịp thời bắt kịp với thực tiễn đặt ra…
Nhấn mạnh về công tác tuyên truyền, Cục trưởng Nguyễn Nguyên cho biết: “Chúng tôi đã lập nhóm Zalo các nhà báo hỗ trợ cho các đơn vị xuất bản và tới đây họ không chỉ tuyên truyền sách hay, sách tốt mà cung cấp về sách lậu, sách giả. Hiện nay, một số cơ sở đào tạo luật đã có những quy định bắt buộc sinh viên học sách thật. Tới đây, chúng tôi mong muốn cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng trên toàn quốc có những cam kết để 100% sinh viên học sách thật”.
Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Nguyên, việc đẩy lùi nạn sách lậu, sách giả không phải công việc trong ngày một, ngày hai và cũng không phải của một cơ quan nào mà là một quá trình lâu dài, với sự chung tay của toàn xã hội.
“Về phía đơn vị làm sách, nhà xuất bản phải coi câu chuyện đấu tranh bản quyền sách là câu chuyện của chính mình, không thể đùn đẩy cho cơ quan chức năng”, ông Nguyễn Nguyên lưu ý.
Sông Mây