BẮT BUỘC… “TỰ NGUYỆN”
Theo quy định hiện hành, Bộ GD-ĐT cấm dạy thêm, học thêm với học sinh (HS) tiểu học. Điều này được lý giải HS tiểu học đã học 2 buổi/ngày, chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cũng xây dựng bắt buộc HS phải được học cả ngày ở trường.
Tuy nhiên, ở Hà Nội hiện nay, tiểu học lại là cấp học mà HS phải học “nặng” nhất với quá nhiều môn học, hoạt động giáo dục ngoài giờ chính khóa được đưa vào trường học. Nơi thì chèn vào thời khóa biểu, nơi thì để ngoài giờ, nhưng các trường có rất nhiều cách để dạy thêm trong trường một cách công khai.
Một phụ huynh có con học tiểu học ở Q.Hoàng Mai chia sẻ con học 2 buổi/ngày, theo mục tiêu là giảm tải để mỗi buổi các con không phải học quá nhiều tiết, nhưng thực tế nhà trường lại đang lồng ghép quá nhiều môn học liên kết với các trung tâm ngoài, rồi trông giữ ngoài giờ chính khóa.
Nếu theo đúng lịch học, các con sẽ tan học lúc 15 giờ 55 phút hằng ngày nhưng nhà trường mở thêm các hoạt động “tự nguyện” khác nên con sẽ tan học lúc hơn 17 giờ, trừ thứ sáu. Phụ huynh hiểu việc có con học các môn ngoài giờ chính khóa hay không là tự nguyện, nhưng trong cuộc họp phụ huynh đầu năm học, giáo viên (GV) lại không hề nhắc tới chuyện HS học tự nguyện hay bắt buộc phải đăng ký học. GV in sẵn cho phụ huynh mỗi người một tờ giấy trắng, đọc cho các phụ huynh chép như chép chính tả để đăng ký cho con mình học những môn liên kết này dù không biết mức thu phí là bao nhiêu. “Nhằm mục đích giảm tải thời lượng học trong 1 ngày cho các con, gia đình mình “mạnh dạn” không đăng ký cho con học thêm 2 tiết trông giữ ngoài giờ. Sau khi nhận được lá đơn của gia đình, cô giáo nhiều lần gọi điện, vận động phụ huynh cho con học 2 tiết này, đẩy gia đình vào tình huống rất khó xử”, phụ huynh nói trên phản ánh.
Phụ huynh khác có con học Trường tiểu học Thúy Lĩnh (Q.Hoàng Mai) cho biết con mới học lớp 1 nhưng đầu năm học cô phát 5 quyển sách tiếng Anh và bắt buộc phải học vì nằm xen kẽ giữa các môn, nếu gia đình không cho học thì giờ đó con phải ra ngoài lớp.
Tương tự, một phụ huynh cũng ở quận này cho hay con chị phải học rất nhiều tiếng Anh liên kết mỗi tuần, nào là 2 tiết tiếng Anh liên kết, 2 tiết toán tiếng Anh, 2 tiết tiếng Anh STEM. “Năm trước các môn này được xếp vào cuối buổi chiều, ai không học thì ra về lúc 16 giờ 10; ai học thì ở lại đến 16 giờ 45 nên nhiều HS không học. Năm nay, các tiết liên kết lại chuyển lên cuối giờ buổi sáng mà lịch học của các con là bán trú nên phải học hết”, phụ huynh cho biết.
NHIỀU MÔN HỌC “LẠ”
Không được phép tổ chức dạy thêm với HS tiểu học nên các trường tiểu học có rất nhiều tên gọi “khác lạ” cho hình thức này, như “dịch vụ bồi dưỡng kiến thức”, Trường tiểu học Thành Công A (Hà Nội) dạy tiếng Anh toán, tiếng Anh nước ngoài, bồi dưỡng kiến thức văn hóa vào giờ chính khóa; Trường tiểu học Vạn Phúc dạy các môn có tên gọi tiếng Anh tăng cường, bồi dưỡng kiến thức; dịch vụ bồi dưỡng toán, dịch vụ bồi dưỡng tiếng Việt…
Ngay cả các môn liên kết cũng được một số trường đặt “biệt danh” mà chỉ người trong cuộc mới hiểu. Trường tiểu học K.Đ (Hà Nội) chèn tiếng Anh liên kết vào giờ chính khóa nhưng ký hiệu là “tiếng Anh T”, “tiếng Anh K”, “tiếng Anh LL”; còn tiếng Anh của chương trình chính khóa thì ký hiệu là “tiếng Anh BGD”… Ngoài tiếng Anh liên kết, trường này còn dạy 2 tiết kinh doanh gọi là bồi dưỡng kiến thức, thu 120.000 đồng/HS/tháng cho GV chủ nhiệm. GV bộ môn phải dạy tiết 7 nên phản ứng: Sao GV chủ nhiệm được dạy thêm trong giờ chính khóa mà GV bộ môn phải dạy tiết cuối?… Có trường thì GV các bộ môn phản ánh GV chủ nhiệm được chi hơn 4 triệu đồng/tháng vì đưa dạy thêm vào, còn GV các “môn phụ” được chi 500.000 đồng/tháng, gọi là “an ủi” với danh nghĩa chi phong trào…
MIỄN HỌC PHÍ NHƯNG ĐỦ CÁC KHOẢN PHẢI ĐÓNG
Trên diễn đàn dành cho phụ huynh ở Hà Nội, nhiều phụ huynh bức xúc dù mang tiếng cấp tiểu học được miễn học phí nhưng đủ các khoản phải đóng. Các năm trước thu tiền học buổi 2 là 100.000 đồng/tháng. Năm nay, theo quy định học 2 buổi/ngày là bắt buộc ở tiểu học nên các trường không được thu tiền buổi 2. Tuy nhiên, nếu không đưa vào các tiết kinh doanh, dịch vụ thì có trường thu mỗi HS 120.000 đồng/tháng tiền “bổ trợ kiến thức”; nơi thì gọi khoản này là “bổ sung kiến thức các môn”. Giảm khoản nọ, bù khoản kia, nên thực chất phụ huynh phải đóng nhiều hơn.
Có phụ huynh còn cho hay gọi là không phải đóng học phí nhưng ngoài tiền ăn và chăm sóc bán trú thì còn đủ các khoản như: dịch vụ hoạt động giáo dục kỹ năng sống 288.000 đồng/HS/tháng; dịch vụ hoạt động bồi dưỡng giáo dục ngoài giờ chính khóa, bồi dưỡng bổ sung kiến thức các môn văn hóa 144.000 đồng/HS/tháng; làm quen và bổ trợ tiếng Anh 150.000 đồng/HS/tháng; tiếng Anh tích hợp STEM Robotics 180.000 đồng/HS/tháng…
CÁCH THỰC HIỆN CÓ VẤN ĐỀ
Chưa bàn tới việc đưa các dịch vụ giáo dục vào trường học là tốt hay không, nhưng điều đáng nói là cách làm của các nhà trường lại không hề tốt. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, HS tiểu học không học quá 7 tiết/ngày. Nếu trường xếp 4 tiết buổi sáng, 3 tiết buổi chiều, HS tan học từ 15 giờ 30 – 16 giờ và khoảng thời gian này là phù hợp. Thế nhưng, nhiều trường xếp 5 tiết buổi sáng, 2 tiết buổi chiều, trẻ phải ra về từ 14 giờ 30 – 15 giờ. Thời gian này, phần lớn phụ huynh khó thu xếp công việc để đón con. Do vậy, các trường dành thời gian này tổ chức tiết tăng cường, phụ huynh không thể đón con vào giờ đó và cũng muốn “thuận theo ý” của nhà trường thì đăng ký cho con các tiết học tăng cường, dịch vụ…
Trong khi đó, một số cơ sở lại cho rằng không phải họ muốn chèn giờ học liên kết vào chính khóa nhưng nhiều khi nguyên nhân lại do đơn vị liên kết. Một trưởng phòng GD-ĐT ở một quận nội thành Hà Nội cho biết đơn vị dạy liên kết thường ký kết với nhiều nhà trường nhưng lại không bố trí đủ GV nếu tất cả các trường đều yêu cầu dạy học các môn này ngoài giờ chính khóa. Do vậy, nhiều trường học phải bố trí thời khóa biểu xen kẽ, dù biết là không đúng quy định.
Nhà trường chỉ nên dạy chương trình chính khóa ?
Nhiều phụ huynh than quá mệt mỏi với việc các môn học/hoạt động giáo dục liên kết, tự nguyện “len lỏi” vào trường học. Khi dư luận phản ứng, cơ quan quản lý chấn chỉnh, các trường dừng được một thời gian rồi đâu lại vào đó. Quá mệt mỏi, có phụ huynh gửi “tâm thư” đến Báo Thanh Niên, mong Bộ GD-ĐT cấm đưa các môn ngoại khóa, liên kết vào trường học. Trường học cứ thực hiện đúng các môn học theo chương trình chính khóa mà Bộ GD-ĐT quy định. HS nào, phụ huynh nào muốn cho con học tăng cường, học thêm môn nào thì tự do lựa chọn các trung tâm, dịch vụ bên ngoài, vừa phù hợp với yêu cầu, khả năng đóng góp của từng gia đình, vừa không xảy ra những ấm ức không đáng có.
Tiến sĩ Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT), Giám đốc Quỹ hỗ trợ đổi mới giáo dục VN, cho rằng một nguyên tắc phải tuân thủ là các môn học tự nguyện phải có thời khóa biểu riêng. Bởi đã là học tự nguyện thì rất ít xảy ra trường hợp 100% HS trong lớp hay trường tham gia. Tổ chức dạy học ngoài giờ chính khóa, địa điểm có thể trong hoặc ngoài trường. Nhà trường cần có phương án cụ thể để quản lý, tổ chức hoạt động phù hợp cho HS không tham gia học tự nguyện; cân đối thời gian học tự nguyện để tránh quá tải với HS và không bị áp lực cho công tác quản lý. Nhà trường cũng cần quan tâm tới mức đóng học phí của HS, có miễn giảm với em diện khó khăn.
Cần rạch ròi giữa hai loại hình dạy học tự nguyện và bắt buộc, không gian và thời gian phải sắp xếp không trùng nhau.
Nguồn: https://thanhnien.vn/day-hoc-tu-nguyen-lien-ket-ngay-cang-tinh-vi-185241015215850052.htm