Mới đây, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản số 4891 về việc hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với giáo dục dân tộc; trong đó đặc biệt lưu ý đến nhiệm vụ cụ thể – dạy học tiếng dân tộc thiểu số.
Theo văn bản của Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm học 2023-2024, toàn ngành giáo dục sẽ tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chỉ thị, nghị quyết, chủ trương của Đảng, Quốc hội và Nhà nước về đổi mới và phát triển giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
(DTTS, MN).
Ngành giáo dục ưu tiên nguồn lực để đầu tư kiên cố hóa trường lớp ở vùng đặc biệt khó khăn; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục; thực hiện tốt chính sách đối với người dạy, người học, cơ sở giáo dục vùng DTTS, MN; tập trung triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 phù hợp với vùng đồng bào DTTS, MN; tăng cường các giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN, đặc biệt trong các trường phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT), trường phổ thông dân tộc bán trú (PTDTBT) và các trường dự bị đại học; bảo tồn và phát triển tiếng nói, chữ viết của DTTS; quan tâm giáo dục văn hóa dân tộc cho học sinh vùng DTTS, MN; đổi mới và tăng cường công tác quản lý GDDT, công tác thông tin, truyền thông về GDDT.
Về các nhiệm vụ cụ thể để nâng cao chất lượng giáo dục vùng DTTS, MN, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai rà soát, sắp xếp mạng lưới trường lớp, duy trì số lượng và nâng
cao chất lượng giáo dục trẻ em, học sinh DTTS ở các cấp học; Nâng cao chất lượng giáo dục của trường PTDTNT, trường PTDTBT; nâng cao chất lượng công tác tuyển sinh vào trường PTDTNT….
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng xác định rõ nhiệm vụ dạy học tiếng dân tộc thiểu số với các nội dung triển khai cụ thể.
Theo đó, các địa phương tiếp tục triển khai dạy học tiếng DTTS trong các trường phổ thông và trung tâm giáo dục thường xuyên theo Nghị định số 82/2010/NĐ-CP ngày 15/7/2010 của Chính phủ và Thông tư số 32/2021/TT-BGDĐT ngày 21/11/2021 của Bộ GDĐT, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn của địa phương.
Thực hiện dạy học các tiếng Bahnar, Chăm, Êđê, Khmer, Jrai, Mnông, Mông, Thái lớp 1, lớp 2, lớp 3 theo hướng dẫn của Bộ GDĐT.
Ngoài 8 chương trình, sách giáo khoa tiếng DTTS đã ban hành, đối với các địa phương có nhiều người DTTS sinh sống, Sở GDĐT cần chủ động, tích cực tham mưu với Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trong việc xây dựng kế hoạch, đề án dạy học tiếng DTTS và thực hiện thủ tục đưa tiếng DTTS có đủ điều kiện trên địa bàn tỉnh vào dạy học trong trường phổ thông theo quy định.
Bộ Giáo dục cũng yêu cầu sở giáo dục các tỉnh tăng cường phối hợp với các cơ quan hữu quan như Ban Dân tộc, Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch, Đài Phát thanh và Truyền hình, các báo địa phương để xây dựng các ấn phẩm sách, báo bằng tiếng nói, chữ viết DTTS nhằm cung cấp thêm tài liệu tham khảo cho giáo viên và học sinh trong dạy và học
tiếng DTTS ở trường phổ thông.
Song song với các hoạt động trên, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng yêu cầu triển khai Chương trình “Nâng cao chất lượng các môn học tiếng dân tộc thiểu số trong chương trình giáo dục phổ thông giai đoạn 2021 – 2030”.
Theo đó, các địa phương rà soát đội ngũ giáo viên dạy tiếng DTTS, phối hợp với các trường đại học có phương án thực hiện đào tạo, bồi dưỡng giáo viên tiếng DTTS đáp ứng yêu cầu dạy học tiếng DTTS. Đẩy mạnh việc bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý dạy học tiếng DTTS cho đội ngũ cán bộ quản lí có liên quan.
Thực hiện nghiêm túc chế độ chính sách đối với người dạy, người học tiếng DTTS theo quy định. Đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức về dạy học tiếng DTTS, về chính sách của Đảng và Nhà nước đối với việc dạy học tiếng DTTS.
Cũng trong văn bản này, Bộ Giáo dục và đào tạo đề cập đến việc dạy tiếng DTTS cho cán bộ, công chức, viên chức công tác ở vùng DTTS, MN, cụ thể các địa phương sẽ tiếp tục thực hiện việc đào tạo, bồi dưỡng tiếng DTTS đối với cán bộ,công chức công tác ở vùng DTTS, MN theo Chỉ thị số 38/2004/CT-TTg ngày 29/11/2004 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư số 09/2023/TT-BGDĐT ngày 18/4/2023 của Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành quy định việc tổ chức đào tạo, bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc thiểu số.
Thực hiện chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức DTTS học tiếng DTTS tại trung tâm giáo dục thường xuyên và trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên theo quy định tại Thông tư số 36/2018/TT-BTC ngày 30/3/2018 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí dành cho công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.
Bộ Giáo dục giao Giám đốc các sở GDĐT căn cứ vào điều kiện thực tế của địa phương,
hướng dẫn các đơn vị triển khai thực hiện nhiệm vụ năm học 2023-2024 đối với
giáo dục dân tộc cụ thể, phù hợp. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị báo cáo về Bộ GDĐT (qua Vụ Giáo dục dân tộc) để kịp thời hướng dẫn, chỉ đạo xử lý.
Hải Anh