Năm học 2024-2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT triển khai theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018. Theo dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD-ĐT vừa công bố, kỳ thi có nhiều thay đổi so với các năm trước. Trên cơ sở đó, các trường THPT điều chỉnh kế hoạch dạy học để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới.
Sớm xác định tổ hợp xét tuyển đại học
Lê Ngọc Thảo Nhi, học sinh lớp 12A8, Trường THPT Võ Thị Sáu (quận Bình Thạnh, TPHCM), cho biết, dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 khiến em vừa mừng, vừa lo. “Do đặt mục tiêu xét tuyển vào Trường Đại học Luật TPHCM nên em mạnh dạn đăng ký môn Giáo dục kinh tế và pháp luật ở kỳ thi tốt nghiệp THPT. Đây là môn học lần đầu xuất hiện ở kỳ thi tốt nghiệp nên không có đề thi tham khảo của các năm trước, các trung tâm luyện thi chưa mở lớp dạy học môn này. Nhưng em nghĩ khó khăn sẽ là cơ hội cho bạn nào chịu khó đầu tư và có khả năng tự học”, Thảo Nhi bày tỏ.
Anh Thư, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM), dự định đăng ký tổ hợp xét tuyển đại học gồm Toán, Vật lý và Tiếng Anh. Dự thảo quy chế thi tốt nghiệp THPT năm 2025 giảm số lượng môn thi so với các năm trước, học sinh được đăng ký 2 môn tự chọn bên cạnh 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán nên Anh Thư xác định sớm mục tiêu học tập từ đầu năm lớp 12. Anh Thư chọn 2 môn Vật lý và Tiếng Anh để thi tốt nghiệp THPT, sau đó sử dụng kết quả thi để xét tuyển đại học. Nữ sinh này cho rằng, việc lựa chọn môn thi ở kỳ thi tốt nghiệp THPT giúp học sinh chủ động hơn trong việc xác định tổ hợp xét tuyển đại học, tránh học dàn trải, đầu tư có trọng điểm vào các môn học phục vụ định hướng nghề nghiệp ở bậc đại học.
Thời điểm hiện tại, các trường THPT trên địa bàn TPHCM đã cho học sinh lớp 12 đăng ký 2 môn tự chọn ở kỳ thi tốt nghiệp THPT, từ đó bố trí thời khóa biểu phù hợp mục tiêu kép của học sinh là vừa chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT để xét tuyển đại học. Tuy nhiên, do hạn chế về nguồn lực giáo viên và phòng ốc nên các trường ưu tiên môn thi tốt nghiệp ở các môn có trong chương trình cũ, riêng 3 môn lần đầu xuất hiện trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 là Giáo dục kinh tế và pháp luật, Tin học, Công nghệ rất ít trường tổ chức lớp.
Làm quen dạng đề thi mới
Đối với môn Ngữ văn, cô Trần Thị Thu Hiền, Tổ trưởng chuyên môn Ngữ văn, Trường THPT Ernst Thalmann thông tin, kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có điểm mới là ngữ liệu của đề thi không nằm trong sách giáo khoa. Do đó, học sinh không thể “học tủ” một tác phẩm, tác giả trong chương trình Ngữ văn như trước đây mà cần nắm chắc đặc trưng các thể loại văn bản, có kỹ năng làm bài để áp dụng vào một văn bản bất kỳ.
Ở môn Lịch sử, Tổ trưởng chuyên môn Lịch sử, Trường THPT Ernst Thalmann Nguyễn Thị Xuân Hương bày tỏ, do được chủ động lựa chọn môn thi tốt nghiệp THPT nên hầu hết học sinh chọn môn học vừa đáp ứng thi tốt nghiệp vừa xét tuyển đại học. Năm nay, số lượng học sinh chọn môn Lịch sử giảm còn 1/4 so với năm học trước, nhưng yêu cầu dạy học không thay đổi.
“Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 cho phép các trường THPT lựa chọn nhiều đầu sách giáo khoa khác nhau nên trong quá trình ôn tập, giáo viên phải chủ động cập nhật kiến thức của tất cả bộ sách để đảm bảo học sinh đáp ứng yêu cầu cần đạt của chương trình. Đề thi năm nay ngoài dạng câu hỏi trắc nghiệm như các năm trước còn có thêm câu hỏi xác định đúng, sai nên học sinh cần làm quen dạng đề thi mới để tránh bỡ ngỡ khi làm bài”, cô Xuân Hương cho hay.
Kết quả ghi nhận nhanh từ các trường THPT trên địa bàn TPHCM cho thấy, ngoài 2 môn thi bắt buộc là Ngữ văn và Toán, môn thi tự chọn có số lượng học sinh đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT nhiều nhất là Tiếng Anh. Lý giải điều này, thầy Nguyễn Tấn Sang, Tổ trưởng Tổ Ngoại ngữ, Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM), cho biết, do Tiếng Anh là môn học bắt buộc trong Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 ở cấp THPT, đồng thời có mặt ở phần lớn tổ hợp xét tuyển đại học nên số lượng học sinh lựa chọn môn này khá lớn. Theo cấu trúc đề minh họa do Bộ GD-ĐT công bố, đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025 có điểm mới so với các năm trước là tập trung kỹ năng đọc của học sinh.
Cụ thể, ngoài 1 bài đọc – hiểu về chủ đề thời sự như các năm trước, năm nay đề thi có thêm 1 bài đọc ở dạng văn bản thường thức cuộc sống như bảng chỉ dẫn, thông báo, quảng cáo… Ngoài ra, đề thi có phần yêu cầu học sinh đọc, hiểu các câu độc lập, sau đó sắp xếp lại thành một văn bản hoàn chỉnh. Theo dự thảo quy chế thi mới, điểm thi tốt nghiệp THPT chỉ chiếm tỷ lệ 50% kết quả xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, 50% còn lại dựa vào đánh giá quá trình học tập của 3 năm học cấp THPT nên học sinh cần đảm bảo cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết ở môn Tiếng Anh chứ không chỉ tập trung một kỹ năng phục vụ bài thi tốt nghiệp THPT.
Theo cô Nguyễn Thị Xuân Hương, Tổ trưởng chuyên môn Lịch sử, Trường THPT Ernst Thalmann (quận 1, TPHCM), học sinh cần sớm xác định môn thi tốt nghiệp THPT vì khối lượng kiến thức của mỗi môn học khá lớn, nếu thay đổi môn thi vào phút chót sẽ rất bất lợi cho các em. Để xác định môn thi tốt nghiệp, các em cần tìm hiểu các tổ hợp xét tuyển đại học có môn thi đó để sớm có kế hoạch học tập phù hợp ngay từ đầu năm học lớp 12.
MINH THƯ
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/day-hoc-chuyen-minh-theo-chuong-trinh-moi-post763825.html