Ở miền núi Quảng Trị, những năm trở lại đây có cô giáo Vân Kiều Hồ Thị Dung (giáo viên môn thể dục, Trường tiểu học và THCS A Túc, H.Hướng Hóa) cũng tình nguyện đưa những học trò người dân tộc thiểu số ra “hồ bơi dã chiến” ở những khúc sông hồ miền núi để dạy bơi và các kỹ năng chống đuối nước.
Tất nhiên, trong những nỗ lực “phổ cập bơi lội” cho trẻ em, không thể thiếu bóng dáng của những thanh niên tình nguyện. Dù là ở đồng bằng, trung du hay miền núi, những bạn trẻ giàu nhiệt huyết sẽ không bao giờ chối từ khi hóa thân thành “giáo viên bất đắc dĩ” của môn bơi. Nơi có điều kiện, các đoàn viên, thanh niên sử dụng bể bơi; nơi khó khăn như ở xã Vĩnh Hà (H.Vĩnh Linh, Quảng Trị), các bạn trẻ dùng thanh tre, luồng và các can nhựa để quây lại hình chữ nhật (kích thước 10 x 15 m) trên khúc sông tạo thành… bể bơi.
Không thể ngồi yên trước những thông tin đầy thương tâm về nạn đuối nước, hàng chục cán bộ, chiến sĩ Đồn biên phòng Thanh (Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Quảng Trị) đã mạnh dạn đưa hàng trăm em học sinh ở xã Xy (H.Hướng Hóa) ra sông Sê Pôn ở biên giới Việt – Lào để dạy bơi miễn phí.
Hình ảnh cán bộ, chiến sĩ quân hàm xanh lội bì bõm để vịn cho đám trẻ tập bơi dưới sông, trên bờ bộ phận quân y biên phòng hướng dẫn các thao tác phòng chống đuối nước, cấp cứu khi gặp sự cố… dù hơi “lạ” nhưng thật đẹp…
Mới hiểu rằng, việc dạy bơi đâu chỉ dành cho các thầy cô giáo. Bởi ngành giáo dục không có đủ nhân lực để “ôm” hết thảy việc này; chưa nói dịp nghỉ hè, các bạn nhỏ trở về với gia đình, thầy cô không sao quán xuyến. Vậy nên, sự vào cuộc của các ngành chức năng liên quan, thậm chí là cả xã hội, đối với việc dạy bơi, chống đuối nước thực sự cần được truyền lửa, cổ vũ mạnh mẽ.