Trời đất đã vào xuân, lòng người phơi phới vui chào đón một năm mới. Ước nguyện an lành, hạnh phúc - thắp nén hương lên ban thờ tổ tiên, nhiều người lên chùa với nghĩ suy tâm lành hướng thiện, có phút giây lắng lòng để bồi bổ tinh thần lạc quan đi tiếp hành trình tới tương lai.
Một góc chùa Phù Liễn (TP. Thái Nguyên). |
Không gian các ngôi chùa thoảng đưa mùi trầm thơm. Dù có đông người đến lễ bái, song cảnh trí luôn thanh tịnh, nhưng như có một sức mạnh kỳ diệu làm ai nấy phấn chấn, vui vẻ một tinh thần an lạc.
Dù không vãn hết cảnh các mái chùa đầu xuân, nhưng tôi biết gần 200 cơ sở thờ tự trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã đón hàng nghìn nhân dân, du khách và phật tử thập phương về chiêm bái cầu mong sự tốt lành. Điều đáng nói dịp đầu xuân Ất Tỵ năm 2025, tại các chùa như: Chùa Phù Liễn, chùa Hang, chùa Ông (TP. Thái Nguyên) đều hạn chế việc nhân dân, du khách, tăng ni, phật tử thắp, đốt hương, tiền mã.
Đặc biệt chùa Phù Liễn được đặt nhiều biển báo ngay bên cửa ra vào nhà thờ tự: “Nhà chùa đã thắp hương vòng, quý khách hoan hỷ không đốt hương, thắp hương trong chùa để đảm bảo an toàn”. Còn chùa Ông, ngay bên cửa ra vào có đặt tấm biển nhắc: “Quý khách hoan hỷ vào chùa không mặc quần lửng, áo phanh phui”.
Các biển báo nhắc nhở nhân dân không thắp, đốt hương được đặt ở cửa các khu nhà thờ tự. |
Vào chùa vãn cảnh cần giữ gìn lời nói, mang trang phục trang nghiêm, việc này được nhắc nhở từ lâu nên ít người đi chùa phạm phải. Còn như lên chùa không thắp hương mà vẫn tỏ được lòng kính Phật thì đó là nét văn hóa mới ở một xã hội văn minh. Đây không phải “mượn hương người để phúc ta”, mà nhà chùa đã cung kính đầy đủ đèn nhang, phẩm vật dâng tiến lên đức Phật.
Nên dù không trực tiếp thắp đèn, nhang nhưng lòng người hoan hỷ, phấn chấn, cảm nhận được sự linh nghiêm và thành kính chiêm bái với một tấm lòng chân thành. Nhiều người đi lễ chùa có chút ngạc nhiên, song nhận ra ngay việc thắp, đốt quá nhiều hương còn làm tổn hại kinh tế, ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần, nên chấp hành quy định của nhà chùa là không tự ý thắp, đốt hương.
Việc không thắp, đốt hương tràn lan còn làm không khí nhà chùa thanh bình hơn. Bởi như trước đây mạnh ai nấy thắp, đốt nên hương vừa cắm vào bát nhang đã có người giúp việc cho nhà chùa lấy đi thiêu hóa. Hơn nữa, các nhà thờ tự được đặt rất nhiều bát hương, người người chen lấn với nghĩ suy được trực tiếp dâng kính lên đức Phật từ bi một nén hương lòng, dẫn đến việc thắp, đốt nhiều hương làm khói trầm mù mịt, mắt cay đến chảy nước mắt, không khí thêm ngột ngạt và luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Thanh bình chùa Ông (TP. Thái Nguyên). |
Xuân năm nay lên chùa, việc thiêu hóa tiền mã cũng không còn phổ biến. Nhà thiêu hóa tiền mã tại chùa Phủ Liễn đóng kín, không sử dụng; nhà thiêu hóa tiền, mã chùa Ông hiếm lắm mới có người sử dụng. Không phải vì tiết kiệm, mà do người lên chùa được tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hiểu sâu sắc hơn về tín ngưỡng và hành đạo phải pháp. Đó mới là cách đi vãn cảnh chùa của thời đại văn minh. Bởi lẽ ấy tiếng chuông chùa vẫn rung ngân giai điệu của ngàn năm cũ; tiếng mõ chùa vẫn thả vào trời xuân cái âm thanh đều đều như tiếng tích tắc đồng hồ đếm nhịp thời gian.
Tiếng chuông, tiếng mõ khoan thai cùng mùi trầm thơm mang ước nguyện bao người về miền hư không vô định. Nhưng đó là đức tin thánh thiện của bao con người trần thế. “Một tụng thấu tam thiên”, cầu mong cho đất nước an lành bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Đây là một trong những nguyên nhân căn cốt để nhiều người dân khi vui, khi buồn thường tìm về chốn thiền chùa để nguyện cầu sự bình yên. Sự nguyện cầu thành tâm ấy được xuất phát từ thẳm sâu đáy lòng người hướng thiện.
Nhất là những năm gần đây, do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Thái Nguyên đã có nhiều hoạt động thiện tâm, thường xuyên hoan hỷ giúp đỡ người già, trẻ nhỏ và những người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Cùng với đó là việc Giáo hội chỉ đạo cho các cơ sở thờ tự đồng hành cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác tuyên truyền vận động nhân dân tham gia các phong trào: “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và cuộc vận động “Xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Bởi gần gũi với đời thường nên các chùa càng trở nên gần gũi với nhân dân, được nhân dân thập phương hoan hỷ công đức tiền của, công sức lao động để cùng nhà chùa tạo dựng nên chốn tu tâm, dưỡng đức với nghĩ suy “hiện thực hóa” 48 lời đại nguyện của đức Phật A Di Đà, mong tạo nên cái duyên tốt cho mình và mọi người.
Nguồn: https://baothainguyen.vn/van-hoa/202502/dau-xuan-di-le-chua-247071f/
Bình luận (0)