Bác sĩ Lê Thị Thúy Hằng (Bệnh viện Đại học Y Dược TP.HCM – Cơ sở 3) cho biết theo y học cổ truyền, đậu xanh có vị ngọt, hơi lạnh, tính mát. Công dụng chủ yếu là thanh nhiệt, giải độc, bớt đau sưng, ích khí lực, điều hòa ngũ tạng, nấu ăn bổ mát và trừ các bệnh nhiệt.
Vỏ đậu xanh giải nhiệt độc giúp bớt mờ mắt. Các bệnh lý dùng đậu xanh để điều trị như giải cảm sốt, giải ngộ độc thuốc hay thức ăn hoặc uống thuốc quá liều, chống các bệnh ôn nhiệt mùa hè, chữa giời leo, giải rượu, trị bí tiểu…
Nhiều nghiên cứu cũng chỉ ra rằng đậu xanh là một trong những nguồn protein thực vật tốt nhất. Trong bài viết được đăng tải trên chuyên trang sức khỏe Healthline hồi tháng 5.2023, thạc sĩ, chuyên gia dinh dưỡng Ryan Raman, đang làm việc Đại học Auckland (New Zealand), cho biết trong đậu xanh có chứa nhiều axit amin thiết yếu (tức các hợp chất hữu cơ kết hợp với nhau để tạo thành protein), chẳng hạn như phenylalanine, leucine, isoleucine, valine, lysine, arginine…
Đây là những chất mà cơ thể chúng ta không tự tổng hợp được, mà phải nhận thông qua chế độ ăn uống hằng ngày, để giúp giữ cho cơ thể phát triển và hoạt động bình thường.
Ngoài ra, trong đậu xanh cũng chứa nhiều chất chống oxy hóa tốt cho sức khỏe, bao gồm axit phenolic, flavonoid, axit caffeic, axit cinnamic… Những chất này giúp trung hòa các phân tử có khả năng gây hại được gọi là gốc tự do – là nguyên nhân có thể gây viêm mãn tính, bệnh tim hay ung thư.
Một số nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cũng phát hiện ra rằng các chất chống oxy hóa từ đậu xanh có thể làm giảm sự phát triển ung thư ở phổi và dạ dày do gốc tự do.
Dù đậu xanh là thực phẩm lành mạnh với nhiều người, tuy nhiên bác sĩ Hằng cũng cho biết có những trường hợp không nên dùng đậu xanh. Cụ thể, đó là những người có thân nhiệt tính hàn như tay chân lạnh thiếu lực, lưng chân đau nhức và đi ngoài phân lỏng.
Đậu xanh cũng không được khuyến khích để người già và trẻ em ăn quá nhiều vì có thể gây khó tiêu. Ngoài ra, với những người đang dùng thuốc cũng nên hạn chế ăn vì đậu xanh có thể làm giảm tác dụng của thuốc.