Nền kinh tế Nga đang gặp khó khăn, nhưng gã khổng lồ hàng hóa vẫn có thể tăng giá sản phẩm chủ lực của mình.
Theo cơ quan báo cáo giá Argus Media, dầu thô Urals của Nga đạt mức 60 USD/thùng hôm 12/7, vượt qua mức trần mà G7 đã đặt ra vào năm ngoái trong nỗ lực hạn chế doanh thu của Moscow. Đây được cho là chiến thắng kinh tế của Moscow và là đòn giáng mạnh vào các nỗ lực trừng phạt của phương Tây.
Mức giá trần 60 USD/thùng đã được các nước G7 áp đặt đối với Nga nhằm đạt được 2 mục tiêu: hạn chế nguồn thu năng lượng của Moscow đổ vào cuộc xung đột ở Ukraine và vẫn cho phép dầu mỏ của Nga tiếp tục chảy vào nền kinh tế thế giới, từ đó kiềm chế lạm phát nóng.
Giá trần đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến kho bạc của Nga trong năm nay. Nước này đã công bố thặng dư tài khoản vãng lai 5,4 tỷ USD trong quý II/2023, đánh dấu mức sụt giảm tới 93% so với mức thặng dư kỷ lục 76,7 tỷ USD trong cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu của ngân hàng trung ương Nga công bố hôm 11/7.
Tuy nhiên, giá dầu thô Urals hàng đầu của Nga hôm 11/7 đã phá vỡ mức trần giá lên tới 60,32 USD mức cao nhất kể từ giữa tháng 11/2022, theo báo cáo thông tin chi tiết về hàng hóa của S&P Global.
Dữ liệu của Argus Media cũng cho thấy, giá dầu Urals đã tăng lên 60,78 USD/thùng tại cảng Novorossiysk ở Biển Đen vào ngày 12/7. Mức giá của sản phẩm này ở các cảng Baltic và Novorossiisk lần lượt ở mức 62,22 USD/thùng và 63,22 USD/thùng vào ngày 13/7, theo Reuters.
Việc giá dầu Nga cao hơn giá trần làm đau đầu những khách hàng mua dầu thô hàng đầu của Nga, đặc biệt là Ấn Độ.
“Các ngân hàng Ấn Độ đã hết sức thận trọng trong vài tháng qua vì sợ bị trừng phạt. Họ đã yêu cầu các nhà máy lọc dầu phải chứng minh rằng giá giao ngay cho hàng hóa của họ thấp hơn 60 USD để có thể thanh toán”, theo bà Vandana Hari, người sáng lập Vanda Insights, nhà cung cấp thông tin thị trường năng lượng toàn cầu có trụ sở tại Singapore.
Nếu Urals tăng vọt lên trên 60 USD một lần nữa, Nga và những người mua dầu của họ sẽ phải tăng cường sử dụng các công ty bảo hiểm và nhà khai thác tàu chở dầu không thuộc phương Tây để tránh hành động trừng phạt từ G7 và EU.
“Nga có thể phải giảm giá mạnh hơn để tiếp tục lôi kéo người mua ở châu Á, hoặc những người trung gian sẽ cần phải cắt giảm tỉ suất lợi nhuận của họ”, bà Hari nói thêm.
Theo ông Vivek Dhar, giám đốc nghiên cứu hàng hóa khai thác và năng lượng tại Commonwealth Bank of Australia, động thái này cho thấy Nga sẽ phải phụ thuộc nhiều hơn vào các tàu chở dầu và dịch vụ của chính mình, hoặc của các quốc gia được gọi là thân thiện.
Tuy nhiên, nhà sản xuất OPEC+ có thể sẽ gặp khó khăn trong việc thay thế các tàu chở dầu và dịch vụ này của phương Tây, ông Dhar nói thêm.
“Chúng tôi đang theo dõi chặt chẽ thị trường để phát hiện các vi phạm tiềm ẩn về giá trần”, Bộ Tài chính Mỹ cho biết trong một tuyên bố.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Business Insider, Reuters)