Bộ trưởng Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị.
Theo Quyết định 338/QĐ-TTg, ngày 3-4-2023 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021-2030”, phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1,062 triệu căn, trong đó tỉnh Kiên Giang được giao chỉ tiêu 3.500 căn.
Đề án đặt mục tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân có giá phù hợp với khả năng chi trả của hộ gia đình có thu nhập trung bình, thu nhập thấp khu vực đô thị và của công nhân, người lao động trong khu công nghiệp, khu chế xuất.
Đến nay, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 301 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và nhà ở công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 155.800 căn. Hiện cả nước hoàn thành việc đầu tư xây dựng 126 dự án, quy mô xây dựng khoảng 62.700 căn hộ.
Nhà ở xã hội khu đô thị Tây Bắc,TP. Rạch Giá, quy mô 1.011 căn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Tư vấn Đầu tư Xây dựng Kiên Giang làm chủ đầu tư đang được đầu tư xây dựng.
Tổng diện tích phát triển nhà ở xã hội của Kiên Giang 20.141,7m2 sàn, tương đương 306 căn. Có 2 dự án nhà ở xã hội đang triển khai gồm: Nhà ở xã hội khu đô thị Tây Bắc, TP. Rạch Giá, quy mô 1.011 căn, đã xây dựng xong khoảng 715 căn, bàn giao cho khách hàng 100 căn. Nhà ở xã hội khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm, TP. Phú Quốc quy mô 1.327 căn.
Kiên Giang còn quy hoạch khu nhà ở công nhân và tái định cư Thạnh Lộc, huyện Châu Thành (Kiên Giang) có quy mô 604.369m2. Đến nay, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh Kiên Giang chưa chọn được nhà đầu tư do kinh phí thực hiện dự án quá lớn.
Tại hội nghị, một số địa phương cho rằng việc thực hiện quy định dành quỹ đất 20% ở các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại, khu đô thị theo Điều 5, Nghị định số 100/2015/NĐ-CP chưa phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội, nhu cầu nhà ở của người dân trên phạm vi địa bàn địa phương đó; nhất là tại những khu vực, địa bàn có địa hình phức tạp như đồi núi, ven biển, có quỹ đất dồi dào, giá đất thấp, chưa có nhu cầu cấp thiết về nhà ở xã hội, dẫn tới tình trạng lãng phí về nguồn lực đất đai.
Có ý kiến cho rằng các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn để thu hút, khuyến khích chủ đầu tư…
Quang cảnh hội nghị trực tuyến tại điểm cầu Kiên Giang.
Để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong thời gian tới nhằm đáp ứng mục tiêu của đề án trong giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn cả nước hoàn thành đầu tư tối thiểu 1 triệu căn nhà ở xã hội, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị đề nghị yêu cầu các bộ, ngành tiếp tục rà soát, nhận diện tồn tại, vướng mắc, xác định nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp.
Trước hết, tập trung sửa đổi ngay các văn quy phạm thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, ngành và địa phương đảm bảo đồng bộ, thông thoáng, phân cấp triệt để, rút ngắn các thủ tục hành chính…
Theo Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, cần khoảng 849.500 tỷ đồng chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa để hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2030 là hoàn thành 1.062.200 căn hộ nhà ở xã hội, nhà công nhân. Do vậy, cần tập trung và ưu tiên tín dụng để cho vay các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đảm bảo công tác an sinh, xã hội.
Đối với UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đồng chí Nguyễn Thanh Nghị đề nghị khẩn trương hoàn thành việc lập, sửa đổi, bổ sung chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở của các địa phương; trong đó, làm rõ các mục tiêu về nhà ở xã hội dành cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp để phù hợp với chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 2161/QĐ-TTg, làm cơ sở để chấp thuận đầu tư các dự án.
Theo đồng chí Nguyễn Thanh Nghị, các địa phương phải có trách nhiệm công khai, giới thiệu quỹ đất đầu tư nhà ở xã hội đến các doanh nghiệp để nghiên cứu, đề xuất đầu tư; cân đối bố trí ngân sách địa phương để khuyến khích, ưu đãi thêm để kêu gọi các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển nhà ở xã hội trên phạm vi địa bàn.
Tin và ảnh: ĐẶNG LINH