Để giải cơn khát không gian xanh, thời gian tới, TP Hà Nội sẽ đầu tư xây dựng 16 công viên chuyên đề góp phần đáp ứng nhu cầu bức thiết của Nhân dân.
Đẩy nhanh tiến độ
Thời gian qua, nhiều công viên trên địa bàn TP Hà Nội đã được khắc phục các hạng mục xuống cấp, bổ sung thêm tiện ích để phục vụ người dân. Trong đó, 3 công viên lớn của TP bao gồm: Thống Nhất, Thủ Lệ, Bách Thảo… đã được TP phê duyệt chủ trương đầu tư cải tạo gần 900 tỷ đồng.
Ví như tại công viên Thống Nhất, cùng với việc kết nối với không gian đi bộ phố Trần Nhân Tông và phụ cận, mở 4 lối dành cho người đi bộ được tiếp cận công viên dễ dàng các hoạt động của công viên này đã tăng rõ rệt về chất lượng, cảnh quan, thu hút đông đảo người dân đến vui chơi, giải trí.
Có thể thấy vai trò vô cùng quan trọng của vườn hoa, công viên đối với việc nâng cao đời sống tinh thần của người dân đô thị. Đó là nơi diễn ra các sinh hoạt cộng đồng, giải trí, đáp ứng nhu cầu giao tiếp xã hội cũng như thư giãn nhằm tái tạo sức lao động của người dân.
Tuy nhiên trong nhiều năm qua, TP Hà Nội luôn đối mặt với tình trạng thiếu không gian vui chơi và công viên quy mô lớn. Một trong những khó khăn là nguồn vốn đầu tư của Nhà nước và xã hội còn hạn chế nên việc thực hiện các dự án xây dựng, cải tạo công viên, cây xanh quy mô lớn của TP Hà Nội hiện còn chậm.
Trước thực tế này, TP đã có những chỉ đạo quyết liệt các đơn vị, sở ngành, quận huyện cùng vào cuộc tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Ngày 28/2/2024, Văn phòng UBND TP có Văn bản số 2183/VP-ĐT thông báo ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn về quy hoạch chi tiết các công viên trên địa bàn TP.
Theo đó, UBND TP yêu cầu Sở Quy hoạch – Kiến trúc khẩn trương có văn bản hướng dẫn UBND các quận, huyện, thị xã tiến hành rà soát công viên, vườn hoa trên địa bàn quản lý để lập Quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500; phối hợp với Sở KH&ĐT cung cấp danh mục, thông tin quy hoạch các dự án công viên chuyên đề đã được xác định tính chất quy hoạch trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô để kêu gọi đầu tư theo quy định; phối hợp với Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội cập nhật vị trí, quy mô, tính chất các công viên đề xuất điều chỉnh tính chất từ cây xanh thành chuyên đề trong đồ án Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 theo quy định.
Trên cơ sở chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, ngày 21/3/2024, Sở Quy hoạch – Kiến trúc đã có văn bản nghị UBND các quận, huyện và thị xã Sơn Tây khẩn trương triển khai tổ chức lập quy hoạch chi tiết, tỷ lệ 1/500 với 32 công viên. Đồng thời đề nghị Sở KH&ĐT lập danh mục kêu gọi đầu tư công viên theo phương thức xã hội hoá đối 12 công viên có tính chất là công viên chuyên đề đã xác định theo quy hoạch.
Cùng đó đề nghị Viện Quy hoạch Xây dựng Hà Nội phối hợp với Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia cập nhật vị trí, quy mô và tính chất 16 công viên chuyên đề đã được UBND TP Hà Nội thống nhất tại Văn bản số 2183/VP-ĐT ngày 28/2/2024.
Phát triển các công viên phải tuân thủ đúng quy hoạch
Theo danh mục 16 công viên đề xuất điều chỉnh tính chất từ cây xanh thành chuyên đề được UBND TP Hà Nội chấp thuận, quận Bắc Từ Liêm có nhiều nhất gồm: công viên nghỉ ngơi, vườn ươm (tại các phường Tây Tựu, Liên Mạc, Thượng Cát, Thuỵ Phương); công viên thực vật (các phường Cổ Nhuế 2 và Thuỵ Phương);
Công viên văn hoá, giải trí kết hợp bảo tồn vườn quả và du lịch nông nghiệp (các phường Minh Khai, Phúc Diễn, Phú Diễn); công viên văn hoá nghỉ ngơi (các phường Minh Khai, Tây Tựu); công viên văn hoá lịch sử (các phường Phúc Diễn, Minh Khai); công viên Hữu Nghị (các phường Cổ Nhuế 1, Xuân Tảo); công viên vui chơi giải trí (các phường Minh Khai, Phúc Diễn, Phú Diễn).
Người dân tập thể dục thể thao tại công viên.
Công viên trở thành không gian hấp dẫn đối với người dân.
Tiếp đó quận Long Biên có công viên văn hoá – giáo dục – dịch vụ (phường Giang Biên). Huyện Đan Phượng có công viên Tân Lập – Tân Hội (tại các xã Tân Hội, Tân Lập); công viên Tân Lập – Tây Tựu (xã Tân Lập thuộc huyện Đan Phượng và phường Tây Tựu thuộc quận Bắc Từ Liêm).
Huyện Đông Anh có công viên xây xanh thể dục thể thao kết hợp công cộng thành phố (xã Tiên Dương); khu cây xanh thể dục thể thao (các xã Uy Nỗ, Xuân Nộn, Việt Hùng); công viên Kim Quy (các xã Vĩnh Ngọc, Tiên Dương). Huyện Gia Lâm có công viên hồ điều hoà, văn hoá thể thao, công cộng dịch vụ và khu dân cư đô thị mới (các xã Yên Viên, Đình Xuyên); công viên văn hoá lịch sử Phù Đổng (xã Phù Đổng); công viên chức năng đô thị Trâu Quỳ (thị trấn Trâu Quỳ).
Như vậy, trong tương lai gần, người dân Thủ đô có thể kỳ vọng vào một TP có nhiều không gian xanh công cộng hữu ích để sử dụng.
Để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa như trên, thạc sĩ, KTS Phạm Hoàng Phương – Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng cho rằng, việc nâng cấp, cải tạo và xây mới đồng bộ hệ thống các không gian công cộng nói chung, đặc biệt là các công viên, vườn hoa trong khu vực nội đô Hà Nội là rất cần thiết.
Tuy nhiên, do đặc thù đa dạng về vị trí phân bố, loại hình, chức năng sử dụng nên để hoàn thành kế hoạch nâng cấp, cải tạo, xây mới đồng bộ hệ thống các công viên, vườn hoa đòi hỏi sự quyết tâm của chính quyền và người dân Thủ đô cũng như một cách tiếp cận bài bản và khoa học.
Trước tiên, việc phát triển các công viên cây xanh, công viên chuyên đề của Hà Nội phải tuân thủ theo đúng quy hoạch như Đồ án quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn 2050, các quy hoạch phân khu cấp dưới đã được phê duyệt gần đây cũng như các quy hoạch định hướng tiếp theo.
“Việc nâng cấp, cải tạo, xây mới các vườn hoa, công viên phải bảo đảm theo đúng số lượng và tiến độ đã đề ra, hạn chế tình trạng “quy hoạch treo” như một số trường hợp thời gian qua. Thiết kế nâng cấp, cải tạo, xây mới công viên, vườn hoa cần bảo đảm cách tiếp cận theo các tiêu chí” – thạc sĩ, KTS Phạm Hoàng Phương – Viện Kiến trúc quốc gia, Bộ Xây dựng
Nguồn: https://kinhtedothi.vn/dau-tu-xay-dung-16-cong-vien-chuyen-de-de-ha-noi-them-xanh.html