Sau một năm suy giảm do tác động của dịch COVID-19, trong những tháng gần đây, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam đã bật tăng trở lại. Đáng chú ý, tình hình giải ngân vốn FDI đang có những bước chuyển biến rõ rệt và đạt mức cao nhất trong 5 năm qua.
Vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm. Ảnh minh họa: Tuấn Anh – TTXVN
Vốn FDI thực hiện cao nhất trong 5 năm
Theo Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến ngày 20/11/2023, vốn thực hiện của các dự án FDI đạt 20,25 tỷ USD, cao nhất trong giai đoạn 2018-2023. Tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 28,85 tỷ USD, tăng 14,8% so với cùng kỳ.
Về lĩnh vực đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18/21 ngành kinh tế quốc dân. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt hơn 20,97 tỷ USD, chiếm gần 72,71% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 40,2% so với cùng kỳ.
Về địa bàn đầu tư, các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 56 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 11 tháng năm 2023. Quảng Ninh vẫn dẫn đầu cả nước về thu hút FDI, với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 3,11 tỷ USD, tăng 42,3% so với cùng kỳ năm 2022.
Về đối tác, 110 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam. Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư gần 5,15 tỷ USD, chiếm hơn 17,8% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam. Hong Kong (Trung Quốc) đứng thứ 2 với hơn 4,33 tỷ USD, chiếm 15% tổng vốn đầu tư, gấp hơn 2,2 lần so với cùng kỳ.
Một trong những nguyên nhân quan trọng giúp Việt Nam tạo ra “cú lội ngược dòng” ngoạn mục trong việc thu hút vốn FDI là các nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương nhằm tạo điều kiện về pháp lý, chủ động tháo gỡ những điểm nghẽn, rào cản giúp các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh thuận lợi.
Bên cạnh đó, các nỗ lực cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, rút ngắn thời gian làm thủ tục cho doanh nghiệp, sẵn sàng các điều kiện cần thiết thu hút đầu tư như mặt bằng sạch, cơ sở hạ tầng, năng lượng, lao động… cũng là những nhân tố quan trọng góp phần thúc đẩy vốn FDI vào Việt Nam.
Duy trì động lực cho dòng vốn
Mặc dù bức tranh FDI của Việt Nam đã có nhiều thay đổi đáng tích cực nhưng trong năm 2024, rất nhiều khó khăn và thách thức, cả nội sinh lẫn ngoại sinh, vẫn còn hiện hữu.
Vận chuyển container hàng xuất nhập khẩu tại Cảng quốc tế Gemalink ở tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu. Ảnh: Hồng Đạt – TTXVN
Ở bên ngoài, tình hình thế giới và khu vực vẫn đang biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường; nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu vẫn còn hiện hữu; xung đột vũ trang vẫn tiếp tục phát sinh ở nhiều nơi, trong khi cuộc chiến Nga-Ukraine vẫn chưa có dấu hiệu chấm dứt; biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường… Điều này chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới sự luân chuyển của dòng vốn FDI.
Ở trong nước, mặc dù nền kinh tế Việt Nam đang phục hồi tích cực nhưng các bất ổn địa-chính trị trên thế giới và nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu cùng với những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế vẫn đang tác động tiêu cực tới đà phục hồi kinh tế của nước ta.
Trong bối cảnh đó, việc thu hút các nguồn lực bên ngoài để phục vụ cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Vì thế, việc duy trì động lực cho dòng vốn FDI là một nhiệm vụ hết sức quan trọng.
Trong nỗ lực duy trì động lực đó, vào trung tuần tháng 10, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị Thủ tướng Chính phủ với cộng đồng doanh nghiệp có vốn FDI tại Việt Nam với chủ đề “Đồng hành và phát triển”. Đây là hoạt động tiếp theo sau Hội nghị “Thủ tướng Chính phủ gặp mặt các nhà đầu tư nước ngoài” được tổ chức vào tháng 4/2023.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết vừa qua, trong bối cảnh khó khăn, thách thức, Việt Nam vẫn tiếp tục giữ vững ổn định nền tảng kinh tế vĩ mô; tăng trưởng được thúc đẩy; lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; bội chi ngân sách và nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia được kiểm soát tốt. Đây cũng là những yếu tố nền tảng quan trọng để các nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động, sản xuất, kinh doanh.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định ba cam kết của Việt Nam với nhà đầu tư gồm: Luôn bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhà đầu tư trong bất cứ trường hợp nào; Luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp vượt qua những khó khăn, thách thức, tranh thủ thời cơ, thuận lợi để các nhà đầu tư nước ngoài bảo đảm lợi ích, hoạt động ổn định lâu dài ở Việt Nam trên nguyên tắc lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ; Không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự nhưng xử lý những người làm sai, vi phạm pháp luật để bảo vệ người làm đúng, tạo môi trường, hệ sinh thái sản xuất, kinh doanh công khai, minh bạch, bình đẳng, lành mạnh và bền vững.
Về các công việc trong thời gian tới, Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh an toàn, minh bạch, có tính cạnh tranh cao để cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài yên tâm đầu tư hiệu quả, lâu dài, bền vững tại Việt Nam.
Thứ nhất, tiếp tục triển khai nghiêm túc, hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết số 41 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ mới, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi với phương châm “Lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, là chủ thể, là mục tiêu, động lực và nguồn lực phát triển”.
Thứ hai, tiếp tục rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách hợp tác đầu tư nước ngoài phù hợp với tình hình thực tiễn, có tính cạnh tranh cao, hội nhập quốc tế, phù hợp với định hướng, quy hoạch và yêu cầu phát triển đất nước.
Thứ ba, tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và tạo điều kiện thuận lợi, tiết giảm chi phí cho các doanh nghiệp; triển khai hiệu quả các giải pháp cơ cấu lại nợ, giãn nợ, miễn giảm lãi suất; giãn, hoãn, miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất…
Thứ tư, nghiêm túc lắng nghe các kiến nghị, đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần cầu thị, chia sẻ, thấu hiểu và đồng hành; trên cơ sở đó, kịp thời có biện pháp xử lý hiệu quả, nhất là những khó khăn, vướng mắc thực tế. Vướng mắc ở đâu thì giải quyết ở đó, không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm.
Thứ năm, đẩy mạnh hợp tác công tư, khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công dẫn dắt và kích hoạt đầu tư ngoài Nhà nước, trong đó có đầu tư nước ngoài. Phát triển hệ thống hạ tầng chiến lược gắn với hoàn thiện thể chế, đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Thứ sáu, tăng cường công tác nắm tình hình, nhất là về chính sách tài khóa, tiền tệ, dự báo sát thực tiễn để có phản ứng chính sách phù hợp, linh hoạt, kịp thời.
Mặt khác, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu các bộ, ngành liên quan nghiêm túc tiếp thu các ý kiến của các doanh nghiệp, nhà đầu tư, chủ động xử lý ngay, có văn bản trả lời rõ ràng, cụ thể đối với những đề xuất, kiến nghị theo thẩm quyền hoặc kịp thời tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo quy định; giao Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan hoàn thiện, trình ban hành kết luận của Thủ tướng Chính phủ sau hội nghị để tổ chức thực hiện có hiệu quả./.
Mai Hương