Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam Julien Guerrier cho biết nhiều nguồn đầu tư năng lượng quốc tế đang đợi đổ vào Việt Nam.
Trong hai ngày 12 và 13-12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long và Đại sứ Julien Guerrier đã đến thăm TP Cần Thơ và tỉnh Trà Vinh.
Tiềm năng điện gió
Trả lời phỏng vấn Tuổi Trẻ, ông Julien Guerrier cho biết Việt Nam đang đối diện thách thức lớn khi phải cùng lúc hoàn thành ba mục tiêu: phát thải ròng bằng không (net-zero) trước năm 2050, cung cấp đủ năng lượng cho nền kinh tế đang phát triển mạnh mẽ nhưng vẫn giữ chi phí năng lượng ở mức phải chăng cho người dân và các ngành công nghiệp.
Nhiệm vụ này càng khó khi dự kiến đến năm 2030, nhu cầu sản xuất điện của Việt Nam cần tăng gấp đôi hiện tại. Với EU, năng lượng tái tạo là một trong những lời giải chính cho bài toán khó trên.
Ông Guerrier đề xuất: “Việt Nam có tiềm năng lớn đối với thủy điện và đã khai thác tốt nguồn năng lượng này. Ngoài ra còn có điện mặt trời, điện gió và điện gió ngoài khơi. Điều mà Việt Nam cần là hệ thống chính sách đúng đắn để thu hút đầu tư tư nhân và đầu tư nhà nước.
EU đóng vai trò điều phối tài trợ của nhóm nước G7 và các đối tác quốc tế. Nhờ đó, tôi thấy được có rất nhiều nguồn đầu tư quốc tế đang đợi đổ vào Việt Nam. Một khi chúng ta có bộ khung pháp lý phù hợp, các dự án phát triển điện mặt trời và điện gió ngoài khơi sẽ xuất hiện liên tục”.
Ngoài ra, trưởng phái đoàn EU còn chia sẻ kỳ vọng rất cao vào tiềm năng điện gió của Việt Nam. Theo ông Guerrier, với điều kiện địa lý rất thuận lợi cho việc phát triển điện gió gần bờ và ngoài khơi, Việt Nam hoàn toàn có thể vừa cấp điện đủ cho nhu cầu trong nước, vừa hỗ trợ các nước Đông Nam Á lân cận. Nhận thấy tiềm năng đó, EU cũng đang đầu tư xây dựng mạng lưới điện liên kết giữa các nước ASEAN.
Để hiện thực hóa những tiềm năng trên, ông Guerrier đưa ra một số đề xuất chính sách cụ thể. Đầu tiên, EVN cần tiếp tục tiến hành nâng cấp lưới điện nhằm đảm bảo khả năng hấp thụ toàn bộ sản lượng điện của các dự án năng lượng tái tạo. Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng rất quan tâm quy định về quyền thăm dò và quyền khai thác khi cân nhắc các dự án điện gió.
“Việt Nam cần có cơ chế rõ ràng về giá bán điện để các nhà đầu tư nắm được họ có thể bán điện cho EVN với mức giá nào. Nghị định về cơ chế mua bán điện trực tiếp (DPPA) được Chính phủ thông qua hồi tháng 7 hứa hẹn sẽ mang lại nhiều thuận lợi cho việc thu hút nhà đầu tư khu vực tư nhân”, ông Guerrier cho biết.
Cam kết dũng cảm
Chia sẻ với báo chí, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long cho biết việc cam kết net-zero vào năm 2050 là một trong những cam kết rất dũng cảm, đầy tham vọng của Việt Nam nhằm đưa đất nước bước sang giai đoạn phát triển mới. Đó là phát triển xanh, phát triển sạch, đi kèm là những chương trình chuyển đổi năng lượng đòi hỏi những quyết sách táo bạo.
Thứ trưởng Long chia sẻ: “Trên con đường đó, Việt Nam nhận được sự ủng hộ, hỗ trợ và đồng hành của cộng đồng quốc tế, trong đó có EU. Vào cuối năm 2022, Việt Nam và khối các nước G7, trong đó có EU và các thành viên quan trọng của EU là Đức, Pháp, Ý… đã ký thỏa thuận Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Theo đó, các nước G7 cùng các đối tác cam kết hỗ trợ Việt Nam 15,5 tỉ USD trong giai đoạn từ 3 – 5 năm để triển khai các dự án trọng điểm trong quá trình chuyển đổi năng lượng công bằng”.
Ông Long nhấn mạnh EU đã đóng vai trò dẫn dắt và phối hợp với Việt Nam trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Bộ Công Thương đã xây dựng các chương trình, dự án nhằm giải ngân sớm các khoản tài trợ như ODA, tài chính xanh và tài chính lãi suất thấp.
Đồng thời các dự án chuyển giao công nghệ và phát triển năng lượng tái tạo cũng được triển khai, góp phần quan trọng giúp Việt Nam thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng.
Về phần mình, ông Guerrier nhấn mạnh mong muốn mở rộng phối hợp về năng lượng giữa Việt Nam và EU. Đại sứ cho biết gần đây ông đã ký với Bộ Tài chính việc mở rộng vốn của EU cho Quỹ Quản lý nước và tài nguyên thiên nhiên (WARM) từ 20 triệu lên thành 34 triệu euro (35,6 triệu USD).
“Chúng tôi hy vọng sẽ có thể phát triển các dự án khác. Nếu Cần Thơ quan tâm, chúng tôi rất sẵn sàng trao đổi với họ và với Cơ quan Phát triển Pháp (AFD) – đơn vị đang thực hiện những dự án ở Cần Thơ cho EU”, ông Guerrier khẳng định.
Lắng nghe các địa phương
Trong khuôn khổ chuyến công tác, phái đoàn Bộ Công Thương và EU đã đến thăm dự án điện mặt trời mái nhà tại Nhà máy sản xuất thức ăn cá tra De Heus Cần Thơ. Hệ thống điện mặt trời áp mái của nhà máy có công suất 458kWp, dự kiến giúp giảm được 470 tấn CO2 mỗi năm.
Ngoài ra phái đoàn cũng thị sát dự án điện nông thôn do EU tài trợ tại xã Định Môn, huyện Thới Lai, TP Cần Thơ và Nhà máy điện gió Hàn Quốc – Trà Vinh (xã Trường Long Hòa, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh).
Phái đoàn cũng gặp và làm việc với UBND TP Cần Thơ, UBND tỉnh Trà Vinh. Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long khẳng định đoàn công tác muốn lắng nghe các kiến nghị, đề xuất từ các địa phương để tiếp tục có những dự án trên địa bàn, đồng thời tăng cường hợp tác, quan hệ hiểu biết giữa địa phương và EU trong lĩnh vực năng lượng.
Nguồn: https://tuoitre.vn/dau-tu-nang-luong-quoc-te-dang-doi-do-vao-viet-nam-20241217075809675.htm