Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM tổ chức ĐHĐCĐ thường niên năm 2024 bất thành
Sáng ngày 24/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM (mã CII – sàn HoSE) tổ chức Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2024 nhưng chỉ có 37% tổng số cổ phiếu biểu quyết tham dự.
Tính tới 8h45 sáng ngày 24/4, CTCP Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chỉ ghi nhận 134 cổ đông và đại diện uỷ quyền tham dự, tương ứng chiếm 37% tổng lượng cổ phần có quyền biểu quyết (nhỏ hơn 50%), vì vậy Đại hội đã không thể tổ chức thành công.
Được biết, theo điều lệ của Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM, Đại hội lần 1 sẽ được tổ chức nếu có đại diện trên 50% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự; Đại hội lần 2 sẽ được tổ chức nếu có ít nhất 33% tổng số cổ phần có quyền biểu quyết tham dự; và Đại hội lần 3 sẽ không phụ thuộc vào số lượng cổ phần có quyền biểu quyết tham dự.
Tại đại hội, trả lời câu hỏi của cổ đông khi vì sao đại hội nhiều lần bất thành, ông Lê Quốc Bình, Tổng Giám đốc Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM chia sẻ: “Thực sự tổ chức thành công đại hội là rất khó”.
Công ty phải thông báo cho cổ đông ít nhất 20 ngày, sau đó gửi tài liệu trước 21 ngày diễn ra đại hội, tiếp đến là chốt ngày tổ chức. Việc kéo dài thời gian dẫn đến tình huống cổ đông có thể sẽ bán cổ phiếu trước ngày chốt danh sách, và không còn là cổ đông nữa, dẫn đến họ không tham dự đại hội. Hiện tại số cổ đông nắm giữ cổ phiếu CII là 41.000 người, hôm nay chỉ có 134 cổ đông tham dự.
Ông Bình chia sẻ: “Riêng tiền gửi thư mời cổ đông lên đến 1 tỷ đồng cho mỗi lần đại hội, chi phí tốn kém kinh khủng”. Lần đại hội tới, có thể Công ty sẽ tổ chức quay số trúng thưởng, giá trị vài trăm triệu đồng để hấp dẫn cổ đông hơn.
Trước đó, trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2024, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM đặt kế hoạch kinh doanh trong năm 2024 với tổng doanh thu 4.194 tỷ đồng, giảm 11,3% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ dự kiến 430 tỷ đồng, tăng 9,7% so với thực hiện trong năm 2023.
Về định hướng kinh doanh, đối với lĩnh vực hạ tầng cầu đường, Công ty cho biết kế hoạch doanh thu từ thu phí cho năm 2024 dự kiến 2.441 tỷ đồng, tăng 45% so với cùng kỳ. Trong đó, doanh thu tăng chủ yếu do tăng giá vé thu phí của dự án mở rộng Quốc lộ 1 tỉnh Ninh Thuận và Cầu Cổ Chiên; hợp nhất doanh thu của dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận từ đầu năm.
Ngoài ra, Công ty còn đảm bảo công tác vận hành ổn định các dự án; tiếp tục đầu tư mạnh công tác nghiên cứu các dự án hạ tầng giao thông mới, đặc biệt trong bối cảnh Nghị quyết 98 được ban hành giúp tạo cơ chế đặc thù cho riêng các dự án PPP tại TP.HCM.
Đối với lĩnh vực bất động sản, Công ty tiếp tục vận hành ổn định và đẩy mạnh công tác kinh doanh, cho thuê văn phòng và các diện tích thương mại; tiếp tục hoàn thiện hồ sơ pháp lý của các dự án.
Về tài chính, Công ty tập trung thanh toán các khoản vay đến hạn và trước hạn để tiết giảm chi phí lãi vay. Nhu cầu góp thêm vốn chủ sở hữu vào các dự án đang triển khai sẽ không còn nhiều như giai đoạn trước, vì vậy dẫn đến việc Công ty sẽ có thặng dư nguồn vốn lớn, là cơ sở để Công ty có thể nhanh chóng hoàn trả toàn bộ các khoản nợ tài chính tại Công ty mẹ.
“Việc gia tăng vốn chủ và giảm nợ tài chính là bước chuẩn bị năng lực tài chính cần thiết và quan trọng để CII có thể tham gia đầu tư vào các dự án mới với quy mô lớn từ 10.000 tỷ đồng đến 30.000 tỷ đồng trong giai đoạn sau năm 2024”, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM nhấn mạnh trong tài liệu Đại hội đồng cổ đông năm 2024.
Về kế hoạch phân phối lợi nhuận, Đầu tư Hạ tầng Kỹ thuật TP.HCM cũng trình cổ đông chia cổ tức tiền mặt năm 2023 lên tới 16% và cổ tức tiền mặt năm 2024 tiếp tục là 16%.