Chơi chiêu “huy động vốn”
Anh P.T.H. (ngụ phường Đa Kao, quận 1, TPHCM) cho biết, anh có 3 con theo học tại Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Mỹ (gọi tắt là AISVN). Trong đó, 2 cháu đã ra trường và 1 cháu hiện đang học lớp 7. Các con anh H. học theo hợp đồng vay vốn tổng cộng 280.000USD (gần 7 tỷ đồng) với đầy đủ chứng từ. Trong nội dung hợp đồng ghi rõ: “Trường không thu học phí khi học sinh theo học tại trường. Sau khi học sinh ra trường, trong vòng 30 ngày trường sẽ hoàn trả vốn…”.
Tuy nhiên, cho đến nay đã 3 năm, trường cứ hết lần này đến lần khác cam kết nhưng vẫn chưa hoàn trả tiền vay. Có rất nhiều trường hợp cho nhà trường mượn tiền dưới hình thức huy động vốn giống như anh H. Đến thời điểm này, tất cả đều chưa được hoàn trả vốn như cam kết trong hợp đồng.
Vụ việc Trường AISVN không phải cá biệt. Trước đó, rất nhiều phụ huynh có con học tại Trường Tiểu học-THCS-THPT Quốc tế Chồi Xanh (tại TP Hội An, tỉnh Quảng Nam) cũng bất ngờ nhận được email thông báo từ bà Catherine Clare Mckinley (52 tuổi, quốc tịch Anh, người được ủy quyền điều hành trường) với nội dung: tất cả học sinh đã được chuyển vào Trường Quốc tế Mỹ APU Đà Nẵng sau khi trường này tổ chức tuyển sinh và thu tiền học phí hơn 14 tỷ đồng.
Thông báo cũng cho biết bà Catherine không còn điều hành trường nữa. Tuy nhiên, Trường quốc tế Mỹ APU Đà Nẵng đã từ chối nhận học sinh Trường Tiểu học-THCS-THPT Quốc tế Chồi Xanh vì lý do không trực tiếp nhận học phí của phụ huynh. Thông tin trái ngược khiến phụ huynh hoang mang, đồng loạt gửi đơn đến cơ quan công an tố giác về dấu hiệu chiếm đoạt tiền học phí…
Một nguyên lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho hay, việc huy động vốn tại các trường tư thục bậc phổ thông diễn ra ở nhiều trường và tồn tại suốt một thời gian dài. Đây là thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường nhưng tiềm ẩn nhiều nguy cơ dẫn đến đổ vỡ nếu như số tiền huy động này được nhà đầu tư mang đi đầu tư ở lĩnh vực khác.
Trong khi đó, năm học 2024-2025, thông tin chi tiết về học phí của 83 trường THPT tư thục (bao gồm cả trường có yếu tố nước ngoài) trên địa bàn TPHCM cũng khiến nhiều phụ huynh lo lắng, do phần lớn các trường đều tăng học phí so với năm học trước. Đơn cử, một số trường có học phí “khủng” như Trường TH-THCS-THPT Quốc tế Bắc Mỹ với 59,6 triệu đồng/học sinh/tháng; Trường TH-THCS-THPT Nam Úc thu học phí 55,1 triệu đồng/học sinh/tháng; Trường TH-THCS-THPT Tesla thu học phí 53 triệu đồng/học sinh/tháng… Câu hỏi được đặt ra là trường ngoài công lập tăng học phí bao nhiêu sẽ bị cơ quan quản lý “tuýt còi”?
Ông Trần Khắc Huy, Trưởng Phòng Kế hoạch Tài chính (Sở GD-ĐT TPHCM), thông tin, trường tư thục được phép tăng học phí và các khoản thu dịch vụ giáo dục mỗi đầu năm học, nhưng không được vượt quá mức tăng tối đa theo quy định của cơ quan quản lý. Nếu đơn vị nào tăng học phí quá 10% hoặc tăng phí dịch vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục quá 15% so với năm học trước sẽ bị Sở GD-ĐT nhắc nhở, yêu cầu điều chỉnh mức tăng không quá quy định.
Tuy nhiên, học phí và mức thu các dịch vụ giáo dục của trường ngoài công lập triển khai trên cơ sở thỏa thuận với phụ huynh học sinh, Sở GD-ĐT không có thẩm quyền can thiệp mức thu của các trường mà chỉ kiểm soát tỷ lệ tăng hàng năm có vượt quá quy định hay không. Việc rà soát điều kiện hoạt động vào mỗi đầu năm học nhằm có cơ sở giao chỉ tiêu tuyển sinh chứ không thể can thiệp vào lộ trình tăng học phí của các trường.
Vướng vòng lao lý
Nhà đầu tư (hay còn gọi là chủ trường, với các trường tư) có toàn quyền quyết định về lương bổng cho đội ngũ cán bộ, giáo viên, mức thu học phí, kế hoạch đầu tư cơ sở vật chất… Do đó, khi một chủ trường chạy theo lợi nhuận sẽ bất chấp để có nguồn thu nhiều, thậm chí là mua bán bằng cấp.
Từ tháng 10-2018 đến tháng 4-2022, M.N.V. (33 tuổi, trú phường Thạnh Lộc, quận 12, TPHCM) thành lập cùng lúc nhiều đơn vị: Công ty TNHH Nhân lực Trường Sơn, Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn, Công ty TNHH Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật Sài Gòn tại tỉnh Quảng Ngãi, Công ty CP Giáo dục Việt RDC, Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam, Trung tâm Kiểm định kỹ thuật miền Nam tại tỉnh Bình Dương; giao cho một số cá nhân làm phó hiệu trưởng, nhân viên.
Các đơn vị này không tổ chức đào tạo, sát hạch theo quy định nhưng lại bán các chứng chỉ nghề. V. và nhiều cá nhân đã ký, cấp, bán 14.268 chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Trường Sơn, 8.351 chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật miền Nam và số lượng lớn chứng chỉ của Trường Kinh tế kỹ thuật Sài Gòn, nhiều thẻ an toàn lao động của Trung tâm Kiểm định kỹ thuật miền Nam mà không qua đào tạo, sát hạch, thu lợi bất chính hơn 6,2 tỷ đồng. Trong vụ án này, 69 cá nhân đã bị tòa án tuyên phạt từ 16 tháng đến 20 năm tù.
Cho đến nay, vụ Trường Đại học Đông Đô cấp 429 văn bằng tiếng Anh giả để thu lợi hơn 7,1 tỷ đồng vẫn là bài học đắt giá cho các nhà đầu tư. Vì vụ lợi, từ cuối năm 2017 đến đầu năm 2018, Trần Khắc Hùng (Chủ tịch Hội đồng Quản trị nhà trường) nhiều lần tổ chức các cuộc họp với ban giám hiệu, phòng đào tạo, viện đào tạo, phòng tài vụ để quán triệt chủ trương cấp văn bằng nhưng không qua tuyển sinh, đào tạo. Kết quả, chủ tịch hội đồng quản trị bỏ trốn, từ hiệu trưởng đến những người liên quan vướng vòng lao lý với mức án từ 12 tháng tù treo đến 12 năm tù giam.
Trước khi bị cơ quan công an khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, ông Nguyễn Ngọc Thủy (42 tuổi, Hà Nội) – Chủ tịch Tập đoàn EGroup và Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Anh ngữ Apax (Apax Leaders) là doanh nhân nổi tiếng với câu chuyện từng bỏ ngang đại học và xây dựng được tập đoàn ngàn tỷ từ hai bàn tay trắng.
Năm 2015, Apax Leaders chính thức gia nhập thị trường giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam, nhanh chóng vươn lên vị trí hàng đầu nhờ sử dụng 100% giáo viên nước ngoài và áp dụng triệt để công nghệ. Theo thống kê, vào giai đoạn “hoàng kim”, Apax Leaders từng có hệ thống 130 trung tâm giảng dạy tiếng Anh ESL và IELTS trải khắp hơn 32 tỉnh, thành phố trên cả nước với hàng vạn học viên theo học. Tuy nhiên, kể từ sau dịch Covid-19 đến nay, đơn vị này liên tiếp đóng cửa nhiều trung tâm, vướng vào lùm xùm nợ học phí với phụ huynh cả nước.
Đến giữa tháng 3-2024, Sở GD-ĐT TPHCM yêu cầu Apax Leaders phải hoàn trả học phí tổng cộng khoảng 108 tỷ đồng cho phụ huynh tại TPHCM. Đơn vị này đã trả 14,2 tỷ đồng, còn nợ 93,8 tỷ đồng. Với khoản nợ trên, Apax Leaders đề xuất sẽ trả trong năm 2025, mỗi quý trả 4 tỷ đồng, chia đều định mức cho phụ huynh đến khi hoàn thành, phần nợ còn lại chuyển tiếp sang năm sau. Tuy nhiên, theo phản ảnh của phụ huynh, hành trình “đòi nợ” đang bị kéo dài, chưa biết ngày nào được nhận lại học phí.
Theo PGS-TS Trần Xuân Nhĩ, nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, thực tế đã diễn ra tình trạng nhiều nhà đầu tư giáo dục “giàu lên” trông thấy nhờ vào hoạt động kinh doanh giáo dục. Trong đó, đóng góp chủ yếu cho các trường chính là học phí của người học. Một số trường đại học ban đầu chỉ bỏ vài trăm triệu đồng để thuê cơ sở vật chất, nhưng giờ đã lên tới cả ngàn tỷ đồng.
Dĩ nhiên, số tiền này không phải do chủ trường bỏ ra mà là lợi nhuận từ hoạt động của nhà trường, sự đóng góp của người học, của giáo viên… Do đó, những nhà đầu tư giáo dục cần thể hiện trách nhiệm xã hội của mình thông qua các chính sách học phí hợp lý, quan tâm đối tượng học sinh nghèo, bảo đảm sự tiếp cận công bằng trong giáo dục với mọi đối tượng người học.
Hiện nay một số trường đại học, cao đẳng cũng yêu cầu sinh viên phải đóng tiền giữ chỗ khi trúng tuyển bằng các phương thức xét tuyển sớm. Theo anh V.T.L. (Dĩ An, Bình Dương), mới đây, Trường Đại học FPT gửi giấy báo con anh được tuyển thẳng và miễn học phí…
Thế nhưng, thông báo trúng tuyển kèm theo yêu cầu phụ huynh đóng 5 triệu đồng tiền giữ chỗ. Không chỉ anh L., anh T.D.T. (quận 3, TPHCM) cũng cho biết, con anh đăng ký xét học bạ vào ngành công nghệ thông tin, nhận được thông báo trúng tuyển và được yêu cầu đóng tiền giữ chỗ 5 triệu đồng.
NHÓM PV
Nguồn: https://www.sggp.org.vn/dau-tu-giao-duc-can-bang-loi-nhuan-va-chat-luong-bai-2-he-luy-khi-chay-theo-loi-nhuan-post755845.html